Góc nhìn luật gia

"Người đứng đầu bộ Y tế phải dũng cảm nhận trách nhiệm về văn bản 5944"

Luật sư cho rằng, nếu thuốc không đúng công dụng như đã “tin tưởng” thì người dân có quyền trả lại các sản phẩm như Kovir, Xuyên tâm liên và lấy lại tiền.

Ngày 24/7/2021, bộ Y tế ban hành văn bản 5944/BYT-YDCT về tăng cường phòng, chống dịch bệnh Covid-19 bằng thuốc y học cổ truyền và các sản phẩm từ dược liệu. Tại văn bản này, bộ Y tế có kèm theo hướng dẫn, danh mục về 12 loại thuốc, sản phẩm dược liệu phòng và hỗ trợ điều trị Covid-19.

Tuy nhiên, chỉ 2 ngày sau đó (ngày 26/7), Bộ này lại khẩn cấp ra văn bản để thu hồi văn bản 5944 với lý do “một số nội dung không phù hợp”. Sự việc này khiến dư luận đặc biệt quan tâm và đặt ra nhiều vấn đề băn khoăn. PV Người Đưa Tin Pháp Luật đã trao đổi với luật sư Bùi Đình Ứng (đoàn luật sư TP.Hà Nội) để ghi nhận ý kiến dưới góc độ pháp lý.

PV: Thưa luật sư, việc bộ Y tế ban hành văn bản 5944 trong thời gian 2 ngày đã gây xáo trộn, nhiều người đổ đi mua thuốc tích trữ, các cửa hàng đẩy giá sản phẩm lên cao… Vậy cơ quan ra văn bản 5944 có phải chịu trách nhiệm trong việc này hay không, việc thu hồi văn bản có được coi như đã “xong” trách nhiệm?

Luật sư Bùi Đình Ứng: Tại thời điểm hiện nay, dịch bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp. Do đó, bất kể thông tin nào liên quan đến vấn đề phòng ngừa hoặc chữa trị bệnh Covid-19 thì người dân đều rất quan tâm.

Trong khi đó, bộ Y tế là cơ quan Nhà nước, quản lý về lĩnh vực y tế, khi phát hành một văn bản liên quan đến thuốc, dược liệu, điều trị, chữa bệnh Covid-19 thì rõ ràng sẽ tác động cực kỳ lớn đến đời sống xã hội.

Thế nhưng, chỉ 2 ngày sau, chính bộ Y tế đã phải gấp rút thu hồi văn bản này. Có thể thấy rằng, cơ quan tham mưu và người ký văn bản 5944 đã hết sức thiếu trách nhiệm. Đáng ra, trước khi phát hành một văn bản có sức ảnh hưởng sâu rộng đến xã hội thì Bộ phải nghiên cứu, cân nhắc rất kỹ, đặc biệt ở đây lại là thuốc chữa bệnh.

Viên Kovir tăng giá "sốc", gấp nhiều lần chỉ trong thời gian ngắn (ảnh:internet).

Sau khi có văn bản 5944, người dân đổ đi mua các loại thuốc trong danh mục, các cửa hàng thuốc thì tranh thủ nâng giá bán. Đó là chưa kể, các sản phẩm Kovir, Xuyên tâm liên vẫn chưa có kết quả thử nghiệm lâm sàng, tức là chưa có cơ sở khoa học nhưng lại được đưa vào danh mục 12 loại thuốc cổ truyền hỗ trợ điều trị Covid-19. Sau đó, văn bản này nhanh chóng bị thu hồi khiến người dân hoang mang. Vừa 2 ngày trước người ta mừng vì cho rằng mua được thuốc hỗ trợ điều trị Covid, nhưng 2 ngày sau lại băn khoăn không biết vì sao văn bản liên quan đến những loại thuốc đó bị thu hồi.

PV: Văn bản 5944 được thu hồi với lý do “một số nội dung không phù hợp”. Dư luận đang rất băn khoăn và đặt nhiều dấu hỏi về sự thiếu minh bạch trong vấn đề này. Vậy, bộ Y tế có cần làm rõ việc ra văn bản 5944 không?

Luật sư Bùi Đình Ứng: Tôi cho rằng, người đứng đầu bộ Y tế phải dũng cảm nhận trách nhiệmvề văn bản 5944. Bộ trưởng bộ Y tế phải lên tiếng trước báo chí và dư luận, làm rõ vấn đề này.

Bộ Y tế phải giải thích với người tiêu dùng cả nước biết lý do tại sao lại thu hồi văn bản 5944, không phù hợp ở chỗ nào, để người dân còn an tâm khi sử dụng các loại sản phẩm trong danh mục đó. Những sản phẩm người ta mua là thuốc chữa bệnh, chứ không phải là đồ ăn thông thường, nó liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của người dân.

Đặc biệt, với những loại sản phẩm thuốc nằm trong danh mục đi kèm công văn 5944, bộ Y tế cần khuyến cáo cho người dân biết công dụng của thuốc là gì.

Luật sư Bùi Đình Ứng.

Ngoài ra, có một sự “trùng hợp” đáng lưu ý, đó là ngay trước khi bộ Y tế có văn bản 5944 thì chính đơn vị sản xuất thuốc Kovir bất ngờ tăng giá bán gấp nhiều lần. Dư luận có quyền đặt dấu hỏi về sự “trùng hợp” này.

Liệu có hay không lợi ích nhóm giữa cơ quan quản lý Nhà nước với các doanh nghiệp sản xuất dược liệu? Tại sao trong văn bản 5944 lại ghi rõ tên sản phẩm, thậm chí nêu đích danh đơn vị sản xuất? Việc dư luận nghi vấn là có cơ sở.

Cần làm rõ có sự câu kết, thao túng giá thuốc hay không

PV: Theo luật sư, sau sự việc, ngoài bộ Y tế thì các cơ quan chức năng khác cần giải quyết vấn đề này ra sao?

Luật sư Bùi Đình Ứng: Trước hết, bộ Y tế phải nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm, xử lý nghiêm những cá nhân liên quan, phải có cuộc thanh tra về việc này và công bố kết quả, kết luận thanh tra. Nếu có sai phạm thì công bố rõ hình thức xử lý với những trường hợp này, còn nếu không có sai phạm thì cũng phải nói rõ là không sai.

Thứ hai, rất hoan nghênh là ngày 27/7, tổng cục Quản lý thị trường (bộ Công Thương) đã kịp thời ra văn bản về việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát phòng chống dịch Covid-19. Trong đó, yêu cầu cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành tăng cường kiểm tra một số mặt hàng của hãng Sao Thái Dương, trong đó có Kovir, Xuyên tâm liên, đặc biệt lưu ý vấn đề đầu cơ nâng giá thuốc.

Tuy nhiên, đó mới chỉ là tổng cục Quản lý thị trường “ra quân”, có hành động thiết thực, nhưng giả sử nếu phát hiện vi phạm thì họ cũng chỉ có thể xử phạt hành chính về vấn đề giá thuốc. Vậy, còn các cơ quan chức năng khác thì sao, cần phải vào cuộc làm rõ xem có sự câu kết, thao túng giá sản phẩm hay không? Nếu có thì phải xử lý nghiêm theo quy định.

Công văn về việc thu hồi văn bản 5944 của bộ Y tế.

PV: Một vấn đề nữa mà hiện nay dư luận đang rất quan tâm, đó là đối với những người đã “chót tin tưởng” vào văn bản 5944, đổ xô đi mua sản phẩm như Kovir, Xuyên tâm liên với giá cao gấp nhiều lần so với thời điểm trước đó không lâu. Theo ông, nên giải quyết vấn đề này ra sao để đảm bảo quyền lợi cho người dân? 

Luật sư Bùi Đình Ứng: Công ty cổ phần Sao Thái Dương tăng giá bán sản phẩm Kovir gấp nhiều lần ngay trước thời điểm văn bản 5944 được ban hành. Và do “tin tưởng” nghĩ rằng sản phẩm Kovir có thể hỗ trợ điều trị bệnh Covid nên nhiều người đã bỏ tiền ra mua. Bây giờ, nếu người dân không có nhu cầu sử dụng thì nhà sản xuất, các hiệu thuốc có trách nhiệm nhận lại sản phẩm và hoàn trả tiền cho người mua.

Đây không phải là thuận mua vừa bán như kiểu mua cân gạo, cân thịt lợn để ăn mà đây là do tin tưởng vào văn bản của bộ Y tế đã ban hành về danh mục sản phẩm dược liệu phòng và hỗ trợ điều trị Covid-19. Nay, nếu như công dụng không đúng như thế thì người ta có quyền trả lại.

Bộ Y tế phải có trách nhiệm và yêu cầu nhà sản xuất hoàn trả cho người dân số tiền chênh lệch tăng giá, hoặc trả lại toàn bộ tiền và nhận lại sản phẩm. Còn nếu nhà sản xuất không thực hiện thì bộ Y tế phải có trách nhiệm trả lại.

PV: Xin cảm ơn luật sư!