Thế giới

Người dân Ukraine trú ẩn trong ga tàu điện ngầm, doanh nghiệp đóng cửa

Giao tranh ác liệt giữa Nga và Ukraine khiến người dân phải sơ tán, doanh nghiệp đóng cửa, gây thêm căng thẳng cho chuỗi cung ứng.

Hàng nghìn người đã trú ẩn trong các ga tàu điện ngầm trên khắp thủ đô Kiev của Ukraine trong bối cảnh xung đột quân sự với Nga, phóng viên Mansur Mirovalev của Al Jazeera ở Kyiv đưa tin.

Udovichenko, một nhân viên kế toán, cho biết ông đã đưa mẹ mình, 82 tuổi, đi cùng xuống một ga tàu điện ngầm ở thủ đô. Ngoài hai người, hàng chục người khác cũng đã trú ẩn ở đây từ 7h tối theo giờ địa phương (17:00 GMT) hôm 24/2, mang theo chăn gối và hành lý.

Xung đột Ukraine làm chuỗi cung ứng thêm căng thẳng

Các công ty quốc tế, từ các nhà sản xuất thuốc lá, nước giải khát đóng chai đến các nhà sản xuất ô tô, đã ngừng sản xuất ở Ukraine khi các lực lượng vũ trang Nga tràn vào nước này, gây thêm căng thẳng cho chuỗi cung ứng toàn cầu vốn mong manh, theo Bloomberg.

Japan Tobacco Inc. hôm 25/2 cho biết, họ đã tạm dừng hoạt động tại một nhà máy ở Kremenchuk, miền trung Ukraine, nơi có 900 nhân viên.

Công ty đóng chai Coca-Cola HBC ngừng hoạt động trong nước và chuyển nhân viên về nước.

Số lượng các doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh và đóng cửa ngày càng tăng, bao gồm Carlsberg AS, Nestle SA và AB InBev Efes (một liên doanh giữa Anheuser-Busch InBev NV và Anadolu Efes).

Chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine đã gây căng thẳng cho chuỗi cung ứng vốn đã bị kéo căng bởi đại dịch Covid-19, các hạn chế đi lại liên quan đến đại dịch và tình trạng thiếu hụt các thành phần quan trọng như vi mạch.

Bên trong một nhà máy của Carlsberg AS ở Ukraine. Ảnh: Carlsberg Ukraine

Việc vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc đến châu Âu sẽ bị ảnh hưởng khi các chuyến hàng đi qua khu vực, Luca Silva, CEO của hãng sản xuất máy bơm và linh kiện ITT Inc., cho biết.

Về vận tải đường biển, Tokio Marine Holdings Inc., Sumitomo Mitsui Marine và Sompo Japan Insurance Inc. cho biết, Biển Đen sẽ được xếp vào khu vực có rủi ro cao hơn kể từ tháng 3, có khả năng dẫn tới tăng phí bảo hiểm cho việc vận chuyển hàng hóa hoặc quá cảnh qua các vùng biển đó. Không rõ thay đổi này sẽ diễn ra trong bao lâu.

Hôm 15/2, các vùng biển của Ukraine và Nga ở Biển Đen và Biển Azov đã bị Ủy ban Liên Chiến tranh (JWC) liệt vào danh sách các khu vực có nguy cơ tăng cường. JWC bao gồm các đại diện từ Lloyd's of London Ltd. và Hiệp hội Bảo lãnh Phát hành Quốc tế London. Ltd.

Về vận tải đường bộ, việc vận chuyển nguyên liệu từ Trung Quốc đến châu Âu “sẽ bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến ở Ukraine”, Silva cho biết tại một hội nghị của ngành diễn ra hôm 24/2.

Các công ty đang dựa nhiều hơn vào vận tải đường sắt do chi phí vận chuyển hàng hóa bằng đường biển tăng cao do tắc nghẽn tại các cảng trong giai đoạn đại dịch.

Coca-Cola HBC cho biết họ đã ban hành “các kế hoạch dự phòng bao gồm ngừng sản xuất ở Ukraine, đóng cửa nhà máy và yêu cầu nhân viên ở nhà và tuân theo hướng dẫn của chính quyền địa phương”.

Hãng sản xuất bia Đan Mạch Carlsberg, có 1.300 công nhân ở Ukraine, đã tạm dừng hoạt động tại 2 trong số 3 nhà máy bia của mình và đưa công nhân về nước. Nestle, công ty thực phẩm lớn nhất thế giới, đang tạm thời đóng cửa 3 nhà máy. Nestle có 5.000 công nhân trong cả nước.

Minh Đức (Theo Al Jazeera, Bloomberg)