Thế giới

Người dân Trung Quốc e ngại mua nhà mới

Tâm lý e ngại của người mua đặt ra thách thức cho các nhà hoạch định chính sách Bắc Kinh trong việc khôi phục hoạt động bất động sản.

Anh Volar Yip quyết định trì hoãn ước mơ mua một căn nhà mới ở thành phố Phật Sơn, đông nam Trung Quốc sau 2 năm ấp ủ. Anh bày tỏ quan ngại khi đưa ra quyết định một cam kết tài chính lớn như vậy trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang giảm tốc đáng kể.

Người đàn ông 32 tuổi này sở hữu một studio truyền thông, tuy nhiên nhiều khách hàng của anh ấy bao gồm cả các cơ quan chính phủ hiện đang giảm ngân sách dành cho quảng cáo.

Anh Yip chia sẻ với hãng tin Reuters: "Càng đọc tin tức khiến tôi càng lo lắng. Tất cả những tin tức về nền kinh tế, thị trường bất động sản và đại dịch tại Trung Quốc là không mấy khả quan".

Anh Yip quyết định trì hoãn mua nhà đến gần hơn trường học của con gái hơn, ngay cả khi các ngân hàng thực hiện giảm lãi suất thế chấp giúp anh tiết kiệm khoảng 400 NDT (59,72 USD) khi trả góp hàng tháng cho một căn hộ chung cư đang nhắm tới trị giá 2 triệu NDT (298.583 USD). Anh cho rằng: “Điều đó không có ý nghĩa gì cả”.

Mô hình nhà ở tại Trung tâm Triển lãm Thế giới ở Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc vào ngày 15/10/2021. Ảnh: Getty Images.

Những "làn gió ngược" trong kinh tế Trung Quốc

Những người trẻ tuổi có ý định mua nhà ngày càng thận trọng với thị trường bất động sản Trung Quốc đang suy yếu, vốn chiếm đến 1/4 tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Điều này đặt ra thách thức lớn cho các nhà hoạch định chính sách Bắc Kinh trong việc nỗ lực khôi phục hoạt động bất động sản.

Bất chấp một số chính sách nới lỏng gần đây trong lĩnh vực bất động sản, doanh số bán bất động sản của Trung Quốc trong tháng 4 đã giảm 47% so với một năm trước, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 8/2006.

Tỷ lệ thất nghiệp của Trung Quốc đã tăng lên 6,1% vào tháng 4, cao nhất kể từ tháng 2/2020 khi đại dịch Covid-19 bùng phát ở giai đoạn đầu và cao hơn nhiều so với mục tiêu chính phủ đặt ra ở mức dưới 5,5% vào năm nay. Ngay cả những công ty internet và công nghệ lớn cũng phải sa thải nhân viên.

Ông Ting Lu, chuyên gia kinh tế của công ty tài chính Nomura (Nhật Bản), cho biết: “Làn sóng Omicron và các đợt đóng cửa nghiêm ngặt ở khoảng 40 thành phố đã hạn chế đáng kể khả năng di chuyển, việc làm, thu nhập và niềm tin của các hộ gia đình Trung Quốc”; "Phần lớn sinh viên tốt nghiệp đại học năm nay có thể không tìm được việc làm do kinh tế giảm tốc mạnh".

 Dữ liệu chính thức cho thấy tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên từ 16 đến 24 tuổi đã đạt mức cao kỷ lục 18,2% vào tháng 4.

Lĩnh vực bất động sản suy yếu với những gánh nợ khổng lồ, sự gián đoạn kinh tế do chính sách Zero Covid, hoạt động của nhà máy và lĩnh vực bán lẻ bị đình trệ tại Trung Quốc trong năm nay đã tác động đến nền kinh tế toàn cầu, khiến các doanh nghiệp quốc tế dấy lên quan ngại về triển vọng.

Các tòa nhà chung cư của Tập đoàn Evergrande ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg.

Tâm lý e ngại của người mua

Vào tháng trước, Trung Quốc đã cắt giảm lãi suất chuẩn cho các khoản thế chấp nhiều hơn dự kiến, đây là một phần trong các nỗ lực của giới chức nhằm thúc đẩy doanh số bán nhà.

Trong một báo cáo tuần trước, công ty xếp hạng tín dụng hàng đầu thế giới Moody's (Mỹ) nhận định các điều khoản thế chấp thuận lợi mới sẽ tốn một khoảng thời gian để có thể thúc đẩy hoạt động vay.

Theo dữ liệu từ ngân hàng trung ương Trung Quốc, các khoản cho vay hộ gia đình bao gồm cả thế chấp đã giảm 217 tỷ NDT trong tháng 4, so với mức tăng 528,3 tỷ NDT cùng kỳ năm ngoái.

Doanh số bán nhà sụt giảm đồng nghĩa với việc giảm dòng tiền cho chủ đầu tư, nhiều người trong số họ đang đối mặt với khó khăn để chi trả cho các nhà cung cấp và chủ nợ, đồng thời gây tổn hại đến doanh thu giao dịch đất đai của chính quyền địa phương.

Việc Bắc Kinh thắt chặt tín dụng với doanh nghiệp bất động sản nhằm hạn chế rủi ro từ vay nợ đã dẫn tới một cuộc khủng hoảng tín dụng trong lĩnh vực này, khiến một số công ty bên bờ vực của vỡ nợ. Trong đó, Tập đoàn bất động sản khổng lồ China Evergrande Group (3333.HK) đã trở thành nhà phát triển mắc nợ nhiều nhất thế giới.

Ông Andy Lee, Giám đốc điều hành tại công ty môi giới Centaline Trung Quốc, nhận định tâm lý người mua hiện yếu hơn so với cuối năm ngoái. Ông nói: "Các con đường tại một số thành phố khá vắng vẻ và một số cửa hàng nổi tiếng trên mạng thậm chí suy giảm tới 80-90% hoạt động kinh doanh. Với tình hình như vậy, họ làm sao để có thể mua nổi một bất động sản?”

Hãng tin Reuters mới đây đã ghi nhận câu chuyện của một người phụ nữ 30 tuổi giấu tên đang tìm mua căn nhà phía đông thành phố Hàng Châu. Cô cho biết sẽ trì hoãn ý định mua nhà cho đến khi nền kinh tế cải thiện, mặc dù điều này có thể khiến bỏ lỡ sự giảm giá. Cô nói: "Ngay cả những tập đoàn nổi tiếng như Alibaba cũng đang sa thải nhân viên. Tôi lo rằng mình sẽ không kiếm đủ tiền để trả khoản thế chấp".

Phạm Hà Thanh (theo Reuters, Trading View)