Dân sinh

Người dân “tận dụng” đất tái định cư bỏ hoang, chính quyền lắc đầu, chủ đầu tư bất lực

Khu tái định cư với vốn đầu tư hàng chục tỉ được đầu tư nhưng hiện nay vẫn chưa đưa vào sử dụng. Tiếc hàng trăm ha đất bị bỏ hoang, nhiều người dân địa phương đã dựng hàng rào, khoanh vùng để tận dụng trồng cây keo và chè.

Dự án 86 tỉ đang bị lãng phí

Dự án xây dựng khu tái định cư Khe Mừ cho các hộ dân vạn chài trên sông Lam và vùng đặc biệt khó khăn huyện Thanh Chương được phê duyệt vào tháng 4/2009. Dự án do Chi cục phát triển nông thôn Nghệ An, thuộc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An làm chủ đầu tư, với tổng số vốn đầu tư là 79 tỉ đồng. Song, qua 2 lần điều chỉnh, bổ sung nâng tổng mức đầu tư lên 86 tỉ đồng.

Theo dự kiến, dự án sẽ hoàn thành vào năm 2011. Theo đó, hai khu tái định cư là Khe Mừ thuộc xã Thanh Thuỷ và Triều Dương thuộc xã Thanh Lâm, đều thuộc huyện Thanh Chương sẽ có diện tích 420ha, với quy mô 165 hộ dân. Mục tiêu của dự án nhằm đưa hàng trăm người dân làng chài ven sông Lam lên đất liền.

Dự án tái định cư Khe Mừ bỏ hoang gần 10 năm.

Khi dự án được khởi công, người dân vui mừng, ngày đêm mong ngóng được thoát khỏi những con thuyền chật hẹp, quanh năm chòng chành theo sông nước. Theo kế hoạch, dự án sẽ quy hoạch bố trí khu dân cư, đất đai phát triển sản xuất, xây dựng đường giao thông, hệ thống điện, nước sinh hoạt, nhà văn hóa cộng đồng, nhà trẻ mẫu giáo. Mỗi hộ gia đình sẽ được giao 300m2 đất ở, 700m2 đất vườn để sản xuất.

Thế nhưng, sau gần 10 năm xây dựng, khu Triều Dương mới có 13/45 hộ vào định cư. Còn tại Khe Mừ, do chủ đầu tư chưa hoàn thiện các hạng mục nên dù đã bình xét được 45 hộ đủ tiêu chí nhưng huyện Thanh Chương vẫn không đồng tình đưa dân vào tái định cư, vì cho rằng khu tái định cư này còn nhiều bất cập.

Có mặt tại khu tái định cư Khe Mừ vào những ngày đầu tháng 10/2019, con đường không có một bóng người. Đường được rải nhựa, tuy nhiên nhiều đoạn đã hư hỏng, bong tróc. Nhiều cột điện được dựng lên hai bên đường nhưng chưa có đường dây kéo vào. Nhà văn hóa cộng đồng, nhà trẻ mẫu giáo đứng trơ giữa nắng mưa, giờ là nơi “nghỉ chân” cho trâu bò.

Con đường nhựa nay đã hư hỏng, bong tróc.

Ông Phan Duy Trinh, Chủ tịch UBND xã Thanh Thủy thở dài: “Dự án nếu thực hiện đúng tiến độ, người dân được đến ở thì chúng tôi rất vui. Bởi ngoài phát triển kinh tế, việc giữ vững an ninh trên địa bàn sẽ vững vàng hơn vì đây là vùng biên. Tuy nhiên, nhiều năm qua dự án vẫn án binh, bất động. Hiện nhiều công trình đã xuống cấp, hư hỏng. Chính quyền địa phương đã nhiều lần đề xuất nhưng vẫn không làm được gì”.

Cũng theo ông Trinh, chính quyền địa phương đã nhiều lần có ý kiến với chủ đầu tư là Chi cục Phát triển nông thôn Nghệ An phải có những giải pháp mạnh, rốt ráo để hoàn thiện dự án, đưa công trình vào hoạt động.

Trả lời về việc này, phía Chi cục Phát triển nông thôn đề nghị huyện, xã cứ đưa dân vào sau đó mới hoàn thiện công trình. Tuy nhiên, chính quyền địa phương không đồng ý phương án này. Quan điểm của huyện, xã là phải hoàn thiện dự án, bàn giao thì mới thực hiện các bước tiếp theo.

Dân “tận dụng” đất quy hoạch

Đáng chú ý, trong hàng trăm ha thuộc đất của dự án thì có rất nhiều diện tích đã bị người dân địa phương lấn chiếm để dựng lán trại, trồng keo, trồng chè và nuôi trâu bò. Để canh giữ những khoảnh đất này, người dân còn đóng cọc thép gai dựng hàng rào, tự ý phân chia để sử dụng.

Anh Hùng, người dân địa phương gãi đầu gãi tai khi được hỏi: “Đây không phải đất của gia đình tôi, mà là đất của dự án Khe Mừ. Nhưng tôi thấy nhiều năm bỏ hoang hàng trăm ha đất rừng, thấy xót của nên mới khoanh lại để trồng cây keo kiếm thêm thu nhập”.

Người dân tái lấn chiếm đất khu tái định cư.

Trao đổi về vấn đề này, ông Phan Duy Trinh, Chủ tịch UBND xã Thanh Thủy cho biết: “Chính quyền địa phương cũng đã nắm được thông tin việc người dân lấn chiếm đất dự án để trồng cây keo và cây chè. Mới đây, chúng tôi đã có văn bản thông báo đến người dân trên địa bàn, khẳng định đó là đất đã được Nhà nước thu hồi bàn giao cho dự án tái định, người dân không được lấn chiếm canh tác”.

Theo thông tin cán bộ địa chính xã Thanh Thủy cung cấp, có khoảng 5 ha keo người dân tự lấn chiếm để trồng. Ngoài ra, có khoảng 2 ha chè là do khi thu hồi dự án chưa phá bỏ nên dân khoanh lại để chăm sóc. Còn lán trại dựng trái phép trên đất có diện tích khoảng 17m2, là của hộ ông Nguyễn Hữu Nhàn, trú ở thôn 6 xã Thanh Thủy. Do địa bàn xa, khó quản lý, khi dân làm xong rồi xã mới biết.

Theo lý giải, dự án tái định cư nhiều năm bỏ hoang phí hàng trăm héc ta đất rừng. Thời gian gần đây, do thấy “xót của” nên một số hộ dân trên địa bàn xã Thanh Thủy đã tái lấn chiếm đất của dự án để trồng cây keo và chè. Tuy nhiên, sắp tới UBND xã sẽ lập tổ xác minh rà soát các hộ dân đã tái lấn chiếm đất trồng cây, buộc họ cam kết phải trả lại đất khi dự án tái khởi động; đồng thời, cấm tuyệt đối, không để phát sinh diện tích tái lấn chiếm mới.

Do thiếu vốn nên chủ đầu tư chưa có hướng tháo gỡ.

Tại buổi làm việc với Thường trực HĐND tỉnh Nghệ An, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Lập cho biết chưa có hướng tháo gỡ cho dự án tái định cư tiền tỷ bỏ hoang ở Thanh Chương. Nguyên nhân do dự án thiếu vốn trong khi nguồn ngân sách tỉnh hạn hẹp, ngân sách Trung ương không thể phân bổ.

Đại diện Sở NN&PTNT cho biết: “Hiện nay, dự án này đang thiếu 15,7 tỉ đồng để tiếp tục đầu tư các hạng mục dang dở. Để có nguồn cho dự án này trong điều kiện ngân sách tỉnh khó khăn, UBND tỉnh đã trình Trung ương xin phân bổ nguồn bổ sung; song do quy định tiêu chí, điều kiện phân bổ vốn của Trung ương hiện nay rất chặt chẽ nên dự án này không thể vận dụng để bố trí vốn”.