Thế giới

Người dân tại nhiều nước "oằn mình" vì giá xăng

Khi giá xăng dầu liên tiếp lập đỉnh mới, người dân tại nhiều nước trên thế giới phải thắt chặt chi tiêu.

Chắt bóp chi tiêu vì giá xăng tăng

Hãng tin AP thông tin, tại một cây xăng gần sân bay Cologne (Đức), ông Bernd Mueller, 80 tuổi, chăm chú theo dõi bảng điện tử nhảy số, giá tiền tăng nhanh, còn lượng xăng cũng nhảy nhưng chậm hơn rất nhiều. "Chắc tôi phải dừng chạy xe hơi vào tháng 10 hoặc tháng 11 tới. Tôi nghỉ hưu rồi… và cũng đến lúc phải chắt bóp", ông nói với hãng tin AP.

Cũng theo hãng tin này, trên toàn cầu, những người lái xe như ông Mueller đang phải cân nhắc về thói quen và khả năng tài chính cá nhân trong bối cảnh giá xăng và dầu diesel tăng chóng mặt bởi sự phục hồi toàn cầu sau đại dịch Covid-19 và xung đột Nga - Ukraine.

Giá năng lượng tác động chủ yếu đến tình trạng lạm phát phi mã đang lan khắp thế giới, khiến mọi chi phí sinh hoạt đắt đỏ hơn.

Tại Thủ đô Manila của Philippines, anh Ronald Sibeyee - tài xế xe jeepney (một loại phương tiện giao thông công cộng phổ biến ở đây) - cho hay thu nhập của anh đã giảm 40% bởi giá nhiên liệu tăng quá cao. Trước đây, anh thường chi 900 peso (khoảng 16,83 USD) tiền dầu diesel mỗi ngày, nay con số này lên đến 2.200 peso (41,4 USD).

Giá xăng và dầu diesel hiển thị gần một trạm xăng ở Brazil ngày 17/6. Ảnh: REUTERS.

Trên thế giới đã có nhiều nước áp giá trần cho xăng dầu, như Hungary, nhưng nước này lại không áp dụng cho xe mang biển số nước ngoài. Chính phủ Đức giảm thuế đối với giá xăng và dầu diesel nhưng chẳng bao lâu giá lại đội lên.

Trước tình hình giá nhiên liệu tăng chóng mặt, nhiều người đã nghĩ đến đi bộ, đi xe đạp, sử dụng các phương tiện công cộng giá rẻ…

Để tiết kiệm tối đa trong giai đoạn lạm phát cao ở châu Âu nhiều người đã “đặt lên bàn cân” những thú vui khác như đi chơi đêm hay các kỳ nghỉ hè dài ngày, thậm chí có những gia đình bỏ cả những chuyến dã ngoại xa vì… sợ tốn xăng.

Anh Ronald Sibeyee ở Manila, anh từng chi 900 peso (gần 17 USD) tiền dầu mỗi ngày cho chiếc xe jeepney sặc sỡ, một phương tiện giao thông công cộng phổ biến ở Philippines, lấy cảm hứng từ những chiếc xe jeep mà quân đội Mỹ bỏ lại sau Thế chiến thứ 2. Hiện giờ, anh phải chi 2.200 peso (41,4 USD) cho chừng đó dầu diesel.

"Đó lẽ ra đã là thu nhập của chúng tôi. Giờ thì không còn gì”, Sibeyee than. Thu nhập của anh đã giảm khoảng 40% do giá nhiên liệu tăng cao.

Người dân ở các nước nghèo chắc chắn là những người nhạy cảm nhất với giá năng lượng tăng cao, nhưng lúc này người dân châu Âu và Mỹ cũng đang bất an không kém.

Charles Dupont, quản lý một cửa hàng quần áo ở vùng Essonne, phía nam Paris, cho biết, anh phải tập "lái xe sinh thái", nghĩa là lái xe chậm hơn và tránh phanh gấp.

Căng thẳng giá xăng dầu tăng

Giá xăng và dầu diesel là một phương trình phức tạp của chi phí dầu thô, thuế, sức mua và sự giàu có của từng quốc gia, trợ cấp của chính phủ và mức chi phí của những bên trung gian như nhà máy lọc dầu. Dầu được định giá bằng đô la, vì vậy nếu một quốc gia là nhà nhập khẩu năng lượng, thì tỷ giá hối đoái đóng một vai trò nhất định. Đồng euro yếu hơn gần đây là một phần đẩy giá xăng dầu ở châu Âu lên cao.

Bên cạnh đó, các yếu tố địa chính trị, chẳng hạn như cuộc chiến ở Ukraine, kế hoạch cấm vận dầu của phương Tây đã làm chao đảo các thị trường năng lượng vốn đang phải đối mặt với nguồn cung khan hiếm do công cuộc phục hồi kinh tế mạnh mẽ sau đại dịch.

Một tài xế xe jeepney đổ xăng ở thành phố Quezon, Philippines ngày 20/6/2022. Ảnh: AP.

Giá dầu thô trên toàn cầu là khoảng 110 USD/thùng, nhưng không có mức giá chung nào ở các trạm xăng toàn cầu do chính sách thuế và các yếu tố khác. Ở Hong Kong và Na Uy, người dân có thể phải trả hơn 10 USD cho mỗi gallon (1 gallon = 3,78 lít). Ở Đức, mức giá có thể vào khoảng 7,5 USD mỗi gallon và ở Pháp khoảng 8 USD. Ở Mỹ, dù thuế nhiên liệu thấp hơn khiến giá xăng rẻ hơn, ở mức 5 USD/gallon, nhưng đây vẫn là mức giá kỷ lục ở nước này.

Theo tờ The Hill, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen hôm 19/6 tiết lộ, chính quyền Tổng thống Joe Biden đang xem xét đề xuất tạm dừng thuế xăng liên bang.

"Giá xăng đã tăng rất nhiều và rõ ràng đang tạo gánh nặng cho các hộ gia đình. Vì vậy, Tổng thống Biden sẵn sàng làm việc với quốc hội về việc này", bà Yellen nói với đài ABC News. Hiện, giá xăng bình quân ở Mỹ là 4,983 USD/gallon.

Tuy nhiên, những ý kiến phản đối lo ngại khoản thâm hụt từ việc dừng đánh thuế xăng liên bang sẽ ảnh hưởng đến nguồn vốn và tiến độ của các dự án cơ sở hạ tầng.

Tạm dừng thuế xăng liên bang phải được quốc hội Mỹ thông qua, song The Hill nhận định với mức độ công khai ủng hộ của Tổng thống Biden, việc này có khả năng cao thành hiện thực.

Ở Việt Nam giá xăng tăng sát ngưỡng 33.000 đồng, tiếp tục lập đỉnh mới

Trước tình hình giá xăng dầu thế giới tăng, Việt Nam cũng không nằm ngoài “guồng quay” đó. Cụ thể, từ 15h hôm nay (21/6), Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã thực hiện điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ.

Theo đó, giá xăng RON 95 tại kỳ điều chỉnh lần này đã tăng 500 đồng/lít, lên mức 32.870 đồng mỗi lít; xăng E5 RON 92 tăng 110 đồng/lít, lên mức 31.300 đồng mỗi lít.

Giá dầu DO 0,05s-II tăng 990 đồng/lít, lên mức 30.010 đồng/lít; dầu hoả tăng 950 đồng, lên mức 28.780 đồng/lít.

Như vậy, đây là đợt tăng thứ 7 liên tiếp và là đợt tăng thứ 13 của mặt hàng này trong hơn nửa đầu năm 2022. Hiện, giá bán lẻ các loại xăng tiếp tục lập đỉnh mới so với kỳ điều hành ngày 13/6.

Giá xăng tiếp tục lập đỉnh mới. Ảnh minh họa.

Bộ Tài chính vừa hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn trong nước. Theo đó, cơ quan này tiếp tục đề xuất giảm 500-1.000 đồng/lít thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu (tùy loại) trong nước, với mục tiêu kìm đà tăng giá của mặt hàng này.

Trong lần thứ 2 đề xuất giảm thuế này, các mặt hàng xăng, dầu trong nước đều được đề xuất giảm kịch khung về mức sàn, bao gồm giảm 50% thuế bảo vệ môi trường hiện tại, tương đương 1.000 đồng/lít với các mặt hàng xăng, từ 2.000 đồng/lít hiện tại; giảm từ 1.500 đồng/lít xuống 1.000 đồng/lít thuế với nhiên liệu bay; dầu diesel giảm từ 1.000 đồng/lít xuống 500 đồng/lít; dầu mazut, dầu nhờn giảm từ 1.000 đồng/lít xuống 300 đồng/lít; mỡ nhờn giảm từ 1.000 đồng/kg xuống 300 đồng/kg.

Trúc Chi (t/h theo Người Lao Động, Tin Tức, TTXVN)