Thế giới

Người dân Sri Lanka ăn mừng sau khi Tổng thống Rajapaksa từ chức

IMF cho rằng Sri Lanka cần sớm có lãnh đạo mới để các cuộc đàm phán về hỗ trợ cho vay được nối lại.

Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa đã từ chức, Chủ tịch Quốc hội Mahinda Yapa Abeywardena chính thức tuyên bố hôm 15/7, Reuters đưa tin.

Nhà lãnh đạo 73 tuổi hôm 14/7 đã gửi đơn từ chức cho Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka qua email ngay sau khi ông được phép nhập cảnh Singapore theo diện một "chuyến thăm cá nhân".

Ông Abeywardena nói với các phóng viên hôm 15/7 rằng ông đã chấp nhận đơn từ chức của ông Rajapaksa sau khi lá đơn được xác minh tính xác thực vào cuối ngày 14/7.

Trong một tuyên bố báo chí ngắn gọn, Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka cho biết Thủ tướng Ranil Wickremesinghe sẽ giữ vai trò Tổng thống cho đến khi một nhà lãnh đạo mới được bầu.

Ông kêu gọi công chúng tạo môi trường hòa bình cho tất cả các nhà lập pháp tham gia vào quá trình bầu chọn lãnh đạo mới cho đất nước, dự kiến sẽ kết thúc trong vòng 7 ngày. Quốc hội Sri Lanka sẽ họp vào ngày 16/7.

Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka Mahinda Yapa Abeywardana phát biểu trong cuộc họp báo ở Colombo, Sri Lanka, ngày 15/7/2022. Ông Abeywardana cho biết, Tổng thống Gotabaya Rajapaksa đã từ chức, và quốc hội sẽ triệu tập để chọn một nhà lãnh đạo mới. Ảnh: AP

Việc ông Rajapaksa ra đi đã để lại khoảng trống quyền lực ở đảo quốc này, với việc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng Sri Lanka cần có lãnh đạo để các cuộc đàm phán về hỗ trợ cho vay được nối lại, theo Bloomberg.

Ông Abeywardena đã nhận được đơn từ chức từ ông Rajapaksa thông qua cơ quan đại diện của Sri Lanka tại Singapore vào tối 14/7. Tuy nhiên, ông muốn đưa ra thông báo chính thức sau quá trình xác minh và các thủ tục pháp lý, người phát ngôn của ông Abeywardena cho biết.

Người biểu tình ăn mừng Tổng thống từ chức

Hôm 9/7, ông Rajapaksa đã tuyên bố sẽ từ chức vào ngày 13/7 sau khi hàng nghìn người biểu tình xông vào dinh thự chính thức của ông, đổ lỗi cho ông về cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có đã khiến đất nước phải điêu đứng.

Tuy nhiên, đầu ngày 13/7 ông đã tháo chạy khỏi đất nước đến thủ đô Male của Maldives mà chưa nộp đơn từ chức. Từ Maldives, ông đã bay đến Singapore hôm 14/7.

Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Singapore cho biết, ông Rajapaksa đã "được phép nhập cảnh vào Singapore theo chuyến thăm cá nhân". Ông Rajapaksa không thể xin tị nạn và cũng không được cấp phép tị nạn, vị phát ngôn viên này cho biết, đồng thời thông tin thêm rằng Singapore không chấp nhận các yêu cầu tị nạn nói chung.

Sau khi nghe tin ông Rajapaksa từ chức, người biểu tình đã xuống đường ăn mừng vào đầu giờ sáng ngày 15/7, sau nhiều ngày biểu tình phản đối chính phủ và căng thẳng đối đầu với các lực lượng an ninh.

Nhiều người đã tụ tập tại các địa điểm biểu tình chính, bao gồm văn phòng thư ký của Tổng thống ở Colombo, để ca hát và nhảy múa, và cam kết sẽ tiếp tục thúc đẩy sự lãnh đạo mới.

Những người biểu tình ở Colombo hò reo sau khi nghe tin ông Gotabaya Rajapaksa từ chức, ngày 14/7/2022. Ảnh: Bloomberg

Nhiều người đốt pháo, hô vang khẩu hiệu và nhảy múa cuồng nhiệt sau khi tin tức Tổng thống Rajapaksa từ chức được công bố vào tối ngày 14/7/2022. Ảnh: ABC News

Người biểu tình reo hò khi họ rời khỏi văn phòng của Thủ tướng Ranil Wickremesinghe ở Colombo, Sri Lanka, ngày 14/7/2022. Ảnh: TIME

Người biểu tình Sri Lanka đổ lỗi cho gia tộc Rajapaksa và các đồng minh vì tình trạng lạm phát leo thang, thiếu hàng hóa thiết yếu và tham nhũng ở đảo quốc Nam Á. Ảnh: ABC News

Sri Lanka, đảo quốc Nam Á với 22 triệu dân, đang chịu sức ép từ cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có tiền lệ, tồi tệ nhất trong 7 thập kỷ qua, khiến hàng triệu người phải vật lộn để mua thực phẩm, thuốc men, nhiên liệu và các nhu yếu phẩm khác.

Tại một số thành phố lớn, bao gồm cả thủ đô Colombo, hàng trăm người buộc phải xếp hàng hàng giờ để mua nhiên liệu, đôi khi đụng độ với cảnh sát và quân đội là không tránh khỏi.

Minh Đức (Theo National Herald, Reuters, Bloomberg)