Đời sống

Người đàn ông tình cờ bắt gặp rắn bạch tạng quý hiếm

Một người đàn ông tình cờ phát hiện và quay được hình một con rắn đuôi chuông gỗ bạch tạng quý hiếm tại Pennsylvania.

John McCombie, một người đam mê thiên nhiên ở Pennsylvania, Mỹ đã phát hiện được một con rắn đuôi chuông gỗ bạch tạng quý hiếm. John McCombie mô tả cuộc gặp gỡ này là một "khoảnh khắc hoành tráng" sẽ "đi vào sử sách".

McCombie ban đầu đang quan sát một con rắn chuông gỗ trưởng thành thông thường vào chiều Chủ nhật (21/5), nhưng sau đó phát hiện ra con rắn đuôi chuông gỗ bạch tạng chưa trưởng thành. "Dựa trên kích thước của con rắn, nó được sinh ra vào năm ngoái từ cuối tháng 8 đến giữa tháng 9, vì vậy có khả năng con vật này chưa đầy 1 tuổi", McCombie nói với Newsweek.

McCombie cho biết thêm: "Nó chỉ dài khoảng 30 đến 38 cm. Con rắn luôn cuộn tròn nên tôi không thể đo chính xác. Tôi đã quan sát con rắn này trong hơn 1 giờ và nó rất ít cử động".

Màu hồng và trắng bất thường của con rắn là kết quả của một đột biến gen làm giảm khả năng sản xuất melanin của cơ thể -sắc tố sinh học có trong da, vảy, mắt và tóc. Nếu không có sắc tố này, các mạch máu thường có thể nhìn thấy rõ qua da và vảy, dẫn đến một số vùng nhất định có màu hồng hoặc đỏ, đặc biệt là ở mắt. Điều này có thể được nhìn thấy trong các bức ảnh của McCombie chụp con rắn.

Con rắn đuôi chuông gỗ bạch tạng quý hiếm được John McCombie phát hiện.

Bệnh bạch tạng đặc biệt hiếm gặp trong tự nhiên, vì nó có thể khiến các cá thể dễ bị săn mồi hơn. Ví dụ, một con rắn màu trắng sáng dễ phát hiện hơn nhiều so với con ngụy trang màu nâu sẫm và đen. Nồng độ melanin thấp cũng có thể gây ra các vấn đề về mắt, làm giảm khả năng săn mồi của sinh vật.

Rắn đuôi chuông gỗ được tìm thấy trên khắp nửa phía đông của Mỹ, từ phía Đông Kansas đến phía Tây Virginia. Theo Vườn thú Quốc gia Smithsonian, loài này có thể sống thoải mái trong nhiều môi trường sống, bao gồm rừng núi, đầm lầy và đồng bằng ngập nước cũng như các cánh đồng nông nghiệp và chúng có thể cao tới khoảng 2 m.

Mặc dù rắn chuông gỗ rất hiếm khi tấn công người, nhưng nọc độc của chúng cực kỳ mạnh và tất cả các vết cắn đều phải được coi là trường hợp cấp cứu y tế.

Để sống sót qua những tháng mùa đông khắc nghiệt, những loài bò sát máu lạnh này trốn trong hang dưới lòng đất vào thời điểm lạnh nhất trong năm và bắt đầu xuất hiện vào đầu mùa xuân.

McCombie cho biết, ở Pennsylvania đã có một mùa rắn đặc biệt sôi động trong năm nay. "Những con rắn hoạt động rất sớm hơn thường lệ, nhưng đó là do nhiệt độ đầu mùa xuân ấm hơn mà chúng tôi đã trải qua ở khu vực này", ông nói.

Quốc Tiệp (theo Newsweek)