Hồ sơ

“Người đàn ông Somerton”: Cái chết kỳ lạ của người đàn ông vô danh

Một người đàn ông không danh tính nằm chết ở bãi biển Somerton, Australia. Nguyên nhân cái chết không được xác định. Manh mối duy nhất chỉ là một mảnh giấy với dòng chữ “Tamam Shud” được tìm thấy trong túi.

Nạn nhân được tìm thấy trên bờ biển.

Bằng chứng tìm thấy tại hiện trường

Sáng ngày 1/12/1948, tại thành phố Adelaide, Australia, tay đua ngựa trẻ tuổi có tên Neil Day đang thong dong trên bãi biển Somerton cùng một người bạn thì phát hiện thi thể của một người đàn ông mặc bộ vest màu nâu. Thi thể được đặt nằm ngửa, dựa sát tường, trông như thể người đàn ông này đang trầm ngâm ngắm nhìn bầu trời.

Vào đêm ngày 30/11/1948, ít nhất hai nhóm người qua đường cho biết đã nhìn thấy nạn nhân ở đúng vị trí mà thi thể được tìm thấy. Người qua đường nhìn thấy người đàn ông này vào lúc khoảng 7-8h tối trong tình trạng gần như bất động. Một nhân chứng nghĩ rằng người này còn sống, chỉ là đang say rượu.

Nạn nhân được mô tả là một người khá bảnh bao, khoác trên mình bộ trang phục tươm tất, mày râu nhẵn nhụi, trông ra dáng một người giàu có. Một điếu thuốc nhãn hiệu Anh đắt tiền dắt ở tai. Một nửa điếu thuốc hút dở khác nằm ở cổ áo. Tuy nhiên, một gói thuốc lá loại rẻ tiền lại được tìm thấy trong túi áo.

Ngoài ra, các nhà điều tra cũng tìm thấy thêm một vài vật dụng khác trên người nạn nhân, bao gồm một hộp quẹt diêm, vé xe buýt đã qua sử dụng đến Glenelg và một vé tàu không sử dụng đến bãi biển Henley.

Tất cả nhãn mác trên quần áo của người đàn ông đã được gỡ bỏ, khiến cho việc nhận dạng trở nên khó khăn. Nạn nhân không mang theo mũ, trong khi đôi giày được làm sạch một cách đáng ngờ. Một bằng chứng rất bí ẩn sau đó được tìm thấy nhiều tháng sau, trong một chiếc túi giấu bên trong quần của người đàn ông.

Đó là một mẩu giấy được cắt ra từ một cuốn sách với dòng chữ “Tamam Shud” nghĩa là “kết thúc”. Mặt sau của mảnh giấy không viết gì. Cảnh sát nhanh chóng phát hiện ra mảnh giấy này nằm trong tập thơ Rubáiyát of Omar Khayyámt của Edward FitzGerald.

Nạn nhân không có giấy tờ tùy thân. Bởi vậy, danh tính của người đàn ông chưa bao giờ được xác định cũng như nguyên nhân cái chết vẫn còn là bí ẩn. Vụ án về sau được đặt tên là “Người đàn ông Somerton” hay còn được gọi là vụ án “Taman Shud”.

Mật mã trên tập thơ

Sau các nỗ lực tìm kiếm, cảnh sát đã tìm thấy tập thơ chứa mảnh giấy nói trên rất tình cờ. Một người đàn ông bất ngờ nhìn thấy tập thơ bị vứt ở hàng ghế sau xe mình mà không rõ nó từ đâu đến và giao nó cho cảnh sát. Ở mặt sau của tập thơ là các dòng ký tự kỳ lạ được viết bằng bút chì. Cảnh sát tin rằng đó là một mật mã, nhưng họ không thể giải nó. Tuy nhiên, dòng chữ thứ hai bị gạch ngang cũng khiến cho các nhà điều tra tin rằng nó có thể là một bản danh sách.

Ngoài ra, mặt sau của tập thơ là số điện thoại của một người phụ nữ được cho là đã sống và làm việc gần nơi thi thể người đàn ông được phát hiện. Danh tính của người phụ nữ này đã che giấu bằng bí danh Jestyn. Jestyn đã từng có một bản sao tập thơ nói trên và từng đưa cho một người đàn ông nhiều năm về trước.

Người đàn ông này vẫn giữ tập thơ và không có dấu hiệu gì khả nghi. Vì không có sự liên kết nào, cảnh sát đã loại bỏ giả thiết người phụ nữ và người đàn ông nói trên có liên quan đến vụ án. Các nhà chức trách cũng bác bỏ khả năng tập thơ có ý nghĩa trong vụ án khi không bằng chứng liên quan rõ ràng.

Danh tính của “Người đàn ông Somerton”

Dòng kỳ tự bí ẩn.

Trong quá trình điều tra, nhiều người có người thân mất tích tuyên bố họ có thể quen biết với “Người đàn ông Somerton”. Tuy nhiên, khi đến đồn cảnh sát xác nhận, tất cả đều lắc đầu tỏ vẻ xa lạ.

Khám nghiệm tử thi cũng càng khiến cho vụ án thêm kỳ lạ, khi không có bằng chứng nào có thể xác định nguyên nhân cái chết. Nạn nhân là một người đàn ông cao khoảng 1m8, có đôi mắt màu xanh lá cây và mái tóc đỏ vàng. Nạn nhân có sức khỏe rất tốt, có thể là một vận động viên, một vũ công và gần như chắc chắn không phải là người lao động chân tay, bởi bàn tay không có dấu vết chai tay.

Do không tìm thấy thẻ căn cước trên người nạn nhân, cảnh sát nghiêng nhiều hơn về giả thuyết “Người đàn ông Somerton” tự tử. Người đàn ông mang theo rất ít tiền và không có ví, đó được coi là dấu hiệu thường thấy của một người có ý định kết liễu cuộc đời. Nhưng, giả thuyết này ngay lập tức bị dẹp tan khi bằng chứng tìm thấy hai tuần sau cho thấy người đàn ông này đến Somerton dường như là có mục đích khác.

Nhà ga xe lửa ở Adelaide đã giao cho cảnh sát chiếc cặp của nạn nhân để lại trong phòng thay đồ một ngày trước khi chết. Bên trong là một số đồ dùng cá nhân gồm áo khoác, bàn chải, quần, tua vít, kéo, chỉ, đồ ngủ, áo choàng, đồ cạo dâu, dép, dao và túi giặt. Nhãn mác duy nhất trên quần áo là T. Keane. Một người có ý định tự tử dường như sẽ không mang theo từng đó vật dụng trên người.

Khép lại vụ án

Bên trong chiếc cặp của nạn nhân.

Một cuộc điều tra kỹ lưỡng đã được thực hiện nhưng không có cái tên nào là Keane hay Kean's trong khu vực có liên quan đến vụ án. Trong khi chiếc áo khoác lại dẫn các nhà điều tra đến thằng nước Mỹ. Thuốc lá Anh và áo khoác Mỹ khiến nhiều người liên tưởng người đàn ông này là một điệp viên như trong các bộ phim về 007. Cuộc điều tra đi vào ngõ cụt khi cảnh sát không thể tìm kiếm được manh mối nào từ chiếc áo khoác ở Mỹ.

Cuối cùng, cảnh sát đưa ra hai kết luận về vụ án “Người đàn ông Somerton”. Thứ nhất là mặc dù có hàng tá bằng chứng nhưng chúng lại vô cùng mơ hồ. Thứ hai là ngay cả nơi chết của nạn nhân cũng không chắc chắn.

Nếu “Người đàn ông Somerton” chết ở nơi tìm thấy thi thể, cảnh sát sẽ phải nhìn thấy sự bài tiết sinh học xung quanh cơ thể người đàn ông này (khi chết, hệ bài tiết trong cơ thể người sẽ bị mất kiểm soát). Nhưng ở hiện trường lại hoàn toàn sạch sẽ. Mọi manh mối chỉ khiến cho vụ án trở nên bí ẩn hơn. Và sau nhiều thập kỷ, danh tính và nguyên nhân cái chết của “Người đàn ông Somerton” vẫn còn là câu hỏi để ngỏ.