Đời sống

Người đàn ông nhập viện vì nuốt luôn hàm răng giả khi uống thuốc

Bệnh nhân 56 tuổi nhập viện trong tình trạng đau tức cổ họng, ói liên tục, chảy nước dãi, đau tức ngực. Bệnh nhân trước đó đã nuốt hàm răng giả trong lúc uống thuốc.

Trao đổi với báo Tuổi Trẻ ngày 28/4, đại diện Bệnh viện Hoàn Mỹ Bình Phước cho biết đơn vị vừa nội soi thành công lấy hàm răng giả ra khỏi thực quản một bệnh nhân vô tình nuốt vào trong lúc uống thuốc.

Bệnh nhân là ông B.T.T., 56 tuổi, ngụ Tp. Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước. Ông T. nhập viện cấp cứu trong tình trạng đau tức cổ họng, ói liên tục, chảy nước dãi và đau tức ngực. Theo chia sẻ từ người nhà bệnh nhân, ông T. đã vô tình nuốt hàm răng giả trong quá trình uống thuốc.

Tiếp nhận thông tin, các bác sĩ khoa Cấp cứu, Bệnh viện Hoàn Mỹ Bình Phước, nhận định bệnh nhân vướng phải dị vật ở họng và chỉ định nội soi, gây mê cấp cứu lấy dị vật.

Bác sĩ K'Liêu, người trực tiếp nội soi cho biết vị trí dị vật nằm ngang nên rất khó thao tác. Dị vật nằm ở đoạn 1/3 trên thực quản, dễ gây biến chứng, làm tổn thương các phần khác của thực quản. 

"Cấu tạo của hàm răng giả có nhiều mấu nên bám rất chặt vào thực quản khiến quá trình nội soi gặp nhiều khó khăn so với các dị vật thông thường khác", bác sĩ K'Liêu nói.

Cũng theo bác sĩ K'Liêu, khi nuốt răng giả, móc cài của răng giả thường sẽ bị kẹt tại vùng hẹp của thực quản nằm gần ngực, nơi có nhiều mạch máu lớn. Trường hợp móc sắt này chọc trúng mạch máu lớn sẽ gây xuất huyết ồ ạt, nguy cơ tử vong cao. 

Tuy vậy, sau khi thực hiện một số thao tác, ca nội soi diễn ra thành công sau khoảng 20 phút. Dị vật được lấy ra là hàm răng giả có kích thước khoảng 2x4cm.

Theo báo Thanh Niên, sau khi lấy thành công dị vật, tình trạng bệnh nhân ổn định, không chảy máu thực quản, không phát hiện biến chứng và được xuất viện ngay sau đó.

Từ trường hợp này các bác sĩ khuyến cáo, người dân cần thận trọng khi ăn uống. Nếu không may nuốt phải các dị vật, cần đến ngay cơ sở y tế để được hỗ trợ kịp thời. Đặc biệt, không nên tự ý áp dụng các "mẹo" dân gian như uống nước, nuốt cơm hay cố móc họng để dị vật trôi xuống dưới sẽ gây khó khăn hơn trong việc điều trị.

Minh Hoa (t/h)