Sự kiện

Người đàn ông nhiễm Covid-19 trốn khỏi nơi điều trị có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Một người nhiễm Covid-19 trốn ra ngoài và trở về nhà ở TP.HCM. Người này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 240 Bộ luật hình sự 2015.

Báo Tuổi trẻ đưa tin, ngày 29/6, một lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức đã xác nhận thông tin, một bệnh nhân nhiễm Covid-19 trốn ra ngoài và trở về nhà.

Theo đó, khoảng 23h ngày 28/6, trong lúc đang được cách ly, điều trị Covid-19 tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức, một người đàn ông mắc Covid-19 đã trốn ra ngoài rồi về nhà ở quận 10, TP.HCM.

Ngay sau khi phát hiện, Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức đã phối hợp cùng các lực lượng chức năng truy tìm, sau đó đưa người đàn ông này trở lại bệnh viện để tiếp tục điều trị.

Cũng theo một lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức, ca bệnh này được chuyển từ Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM đến vào chiều 28/6.

Đến khuya 28/6, lực lượng tại bệnh viện thông báo không tìm thấy ca bệnh này ở trong bệnh viện nên truy xuất camera và phát hiện bệnh nhân đã rời đi. Bệnh viện cũng báo cho công an và các lực lượng chức năng liên quan.

Xác định bệnh nhân này đã về nhà tại quận 10, lực lượng chức năng đến nhà đưa bệnh nhân trở lại bệnh viện.

Theo báo Giao thông, trước đó, ngành y tế TP.HCM đã có quyết định chuyển đổi công năng của toàn bộ khu vực điều trị nội trú của Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức trở thành bệnh viện điều trị Covid-19 Thủ Đức theo mô hình "tách đôi bệnh viện", hoạt động từ ngày 28/6. Đây là một trong 11 bệnh viện điều trị Covid-19 được chuyển đổi công năng tại TP.HCM.

Liên quan đến tình hình dịch Covid-19, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, để khống chế dịch, thành phố đang triển khai chiến dịch lấy mẫu xét nghiệm tầm soát trên diện rộng cho hơn 5 triệu người tại tất cả quận, huyện và TP.Thủ Đức, từ ngày 26/6 đến 5/7, với mục tiêu 500.000 mẫu một ngày. Và từ ngày 28/6, TP.HCM thí điểm test nhanh kháng nguyên với Covid-19 tại các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, các ổ dịch, chuỗi lây nhiễm phức tạp, khu cách ly, phong tỏa, điểm nguy cơ cao.

Hiện tại TP.HCM đã lập được 1.000 đội lấy mẫu, nâng công suất xét nghiệm lên 50.000 mẫu đơn trong 24 giờ, tức nếu gộp mẫu 10 người làm một thì sẽ đạt tiêu chí xét nghiệm 500.000 mẫu một ngày.

Hiện công suất điều trị Covid-19 tại TP.HCM cũng lên tới 10.000 giường bệnh, phân tuyến theo mô hình "tháp ba tầng" được Bộ Y tế triển khai tại tỉnh Bắc Giang, gồm cấp không triệu chứng (bệnh viện dã chiến); cấp có triệu chứng nhẹ, trung bình (bệnh viện điều trị Covid-19 ở 4 cửa ngõ thành phố) và cấp điều trị bệnh nhân nặng (bệnh viện tuyến trung tâm thành phố).

Trong tuần qua, thành phố cũng hoàn thành đợt tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay với khoảng 800.000 liều tiêm cho người dân và các lực lượng ưu tiên, toàn bộ người đến tiêm đều được đảm bảo an toàn.

Trốn khỏi khu cách ly bị xử lý thế nào?

Theo quy định tại Điểm b Khoản 2 và Khoản 3 Điều 11 Nghị định 117/2020/NĐ-CP, hành vi từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thầm quyền đối với người mắc bệnh Covid-19 sẽ bị phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng. Ngoài ra, còn phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả "Buộc thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế".

Ngoài ra, trường hợp bỏ trốn khỏi khu vực cách ly y tế dẫn đến gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cụ thể, nếu người đã được thông báo mắc bệnh; người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch bệnh Covid-19 đã được cách ly mà trốn khỏi nơi cách ly gây lây truyền dịch bệnh Covid-19 cho người khác thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người theo quy định tại Điều 240 Bộ luật hình sự 2015.

H.H (tổng hợp)