An ninh - Hình sự

Người đàn ông đập phá 2 cây ATM vì không rút được tiền sẽ bị xử lý như thế nào?

Công an huyện Thủy Nguyên đang điều tra vụ một đối tượng có hành vi đập phá 2 máy rút tiền tự động (cây ATM) trên địa bàn.

Zing đưa tin, khoảng 12h ngày 28/3, Công an huyện Thủy Nguyên nhận tin báo của nhân dân về việc 2 cây ATM VPBank, đặt tại tỉnh lộ 359, thuộc thị trấn Núi Đèo và ATM Eximbank, đặt tại xã Thủy Sơn, bất ngờ bị một đối tượng đập phá.

Vào cuộc điều tra, lực lượng Công an xã Thủy Sơn và Công an thị trấn Núi Đèo phối hợp với tổ công tác Công an huyện nhanh chóng bắt giữ, đưa đối tượng về trụ sở làm việc.

Đối tượng Trần Mạnh Tuấn.

Thông tin trên báo An ninh Hải Phòng, tại cơ quan công an, đối tượng được xác định là Trần Mạnh Tuấn (SN 1982) ở thôn An Tiến, xã An Lư, huyện Thủy Nguyên.

Bước đầu Tuấn khai nhận, trưa 28/3, sau khi uống rượu đối tượng cầm 1 thẻ ATM đến 2 máy trên để rút tiền nhưng không được. Tuấn quay ra cầm gạch đập vỡ màn hình máy rút tiền vì bực tức.

Hiện công an huyện đang làm rõ vụ việc để xử lý vụ việc theo quy định.

Một vụ việc tương tự từng xảy ra ở Kiên Giang vào năm 2018. Theo báo Tài nguyên & Môi trường đưa tin, chiều 15/9, Võ Minh Sang (27 tuổi, ngụ Thị trấn An Thới) rút tiền tại máy ATM của Ngân hàng Sacombank tại thị trấn An Thới. Không rút được tiền lại bị máy nuốt mất thẻ, nam thanh niên bực tức và đập hỏng luôn cây ATM. 

Liên quan đến hành vi này, trao đổi với phóng viên báo Lao Động, LS.Trần Thanh Phán (Công ty Luật TNHH Tầm nhìn và Thịnh Vượng, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết: "Tuỳ thuộc vào giá trị bị hư hỏng của tài sản mà hành vi này có thể bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 178 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017 về Tội huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản. Theo đó, đối tượng vi phạm vừa bị phạt tiền, vừa có thể bị phạt cải tạo không giam giữ hoặc bị phạt tù".

Trong khi đó, LS.Quách Thành Lực (Công ty Luật TNHH Hà Nội tinh hoa, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho hay, đối tượng phá hủy tài sản có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc trường hợp vi phạm theo quy định thì bị xem xét truy tố trách nhiệm hình sự.

"Mức phạt nhẹ nhất là bị phạt tiền từ 10 triệu đồng và chịu phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Với vi phạm nghiêm trọng và giá trị tài sản rất lớn (trên 500 triệu đồng), khung hình phạt cao nhất có thể lên tới 20 năm tù", LS Lực nói.

Trong khi đó, từ trước đến nay, đa phần các vụ đập phá ATM liên quan đến việc trộm tiền. Báo Thanh Niên đưa tin, trước đó, vào rạng sáng 26/11/2019, tại Phòng giao dịch Liên Chiểu Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB - 699 Tôn Đức Thắng, tổ 2 P.Hòa Khánh Bắc, Q.Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng) xảy ra vụ đập phá máy ATM để trộm tiền.

Khi bảo vệ trực đêm bên trong Phòng giao dịch Liên Chiểu Ngân hàng TMCP Phương Đông OCB đang ngủ thì thức giấc bởi tiếng động mạnh từ phía cửa chính. Chạy ra, người bảo vệ phát hiện 2 người bỏ chạy bằng xe máy hiệu Yamaha Exciter

Do vụ việc được phát hiện kịp thời nên máy ATM tại Phòng giao dịch Liên Chiểu chưa bị cạy phá khu vực chứa tiền, không gây thiệt hại về tiền bạc.

Khám nghiệm hiện trường, Công an Q.Liên Chiểu thông tin, trước khi dùng đá đập máy ATM trộm tiền, nghi can dùng bao tay để che camera bằng cách dán găng tay này vào camera trên máy ATM.

Mộc Miên (T/H)