Sức khỏe

Người đàn ông có nguy cơ phải cưa tứ chi sau khi ngủ quên ngoài đường

Người đàn ông phải đối mặt với nguy cơ cắt cụt hai chân, thậm chí cả hai tay sau khi say rượu rồi ngủ gục bên ngoài nhà trong thời tiết lạnh giá.

Theo Dailystar, sự việc xảy ra hôm 3/1/2021 ở thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc. Tối hôm đó người đàn ông, không tiết lộ danh tính, đã đi ra ngoài uống rượu cùng bạn bè.

Theo truyền thông địa phương, gia đình phát hiện anh ta nằm ngủ ngay bên ngoài tòa nhà nơi anh sống vào sáng hôm sau trong tình trạng say xỉn và tin rằng anh bị tê cóng do phải tiếp xúc thời gian dài trong điều kiện nhiệt độ xuống thấp.

Người đàn ông bị tê cóng bàn chân sau khi ngủ quên trong thời tiết lạnh giá.

Người nhà đã chuyển anh đến bệnh viện gần đó để các bác sĩ kiểm tra sức khỏe. Theo đoạn video được chia sẻ trên mạng xã hội, người đàn ông nằm trên cáng, tay và chân tím tái, khó cử động.

Trong khi đó người phụ nữ, được cho là vợ của nạn nhân, khóc nức nở và không giấu được sự bối rối: “Phải làm gì bây giờ? Anh ấy sẽ ổn chứ? Anh ấy đã nằm bên ngoài tòa nhà cả đêm và giờ không thể cử động”.

Sau khi tháo tất và chạm vào đôi bàn chân đỏ tím của bệnh nhân, một trong số bác sĩ nói: "Hai chân đều đã đóng băng, còn lạnh hơn cả đá. Tình trạng khá nghiêm trọng". Họ đã yêu cầu bệnh nhân mở mắt trong khi thăm khám. "Đôi chân, có thể không thể giữ lại được... cả hai bàn tay cũng thế", một bác sĩ khác phân tích. Người đàn ông được cho là sẽ phải trải qua ca phẫu thuật để cắt cụt tứ chi do bị bỏng lạnh nghiêm trọng.

Đoạn clip đã thu hút 112.000 lượt xem và hàng nghìn bình luận. Nhiều cư dân mạng để lại ý kiến: "Anh ấy ở rất gần nhà. Nếu tôi là bạn anh ta, tôi sẽ không để anh ta một mình về nhà như thế", "Có vẻ đôi chân không cứu được rồi. Hy vọng các bác sĩ sẽ giữ được đôi tay", "Chuyện tương tự như vậy xảy ra hằng năm. Sao họ không rút ra được bài học nhỉ?”,…

Được biết bỏng lạnh (Frostbite) là thuật ngữ y học để chỉ tổn thương tại chỗ gây cho da và các mô do tiếp xúc với lạnh, thường xảy ra ở các bộ phận cơ thể xa trung tâm như các đầu chi, mũi, tai...

Các yếu tố nguy cơ gây bỏng lạnh thường là do tiếp xúc với môi trường nhiệt độ thấp mà không đủ quần áo giữ ấm hoặc quần áo ướt, gió lạnh... Ngoài ra, mặc quần áo chật, băng ép... cũng khiến cho việc lưu thông tuần hoàn bị hạn chế.

Đặc biệt, những người hút thuốc lá, người bệnh đái tháo đường hoặc bị các bệnh liên quan tới mạch máu... là những đối tượng có nguy cơ cao nhiễm bỏng lạnh. Chẩn đoán bỏng lạnh thường dựa vào lâm sàng, tiền sử tiếp xúc với lạnh, đôi khi phải loại trừ các bệnh tắc động mạch và tĩnh mạch.

Bỏng lạnh có thể gặp ở bất cứ lứa tuổi nào vì vậy mọi người nên chú ý giữ ấm cơ thể, nhất là đối tượng dễ bị tổn thương trước tác động của môi trường.

Trong trường hợp bị tổn thương do lạnh nên tìm cách đưa người bệnh vào phòng ấm và sơ cứu bất động vùng tổn thương, giữ ấm bằng nước ấm 38 – 42 độ C và chuyển tới cơ sở y tế gần nhất để được chăm sóc điều trị.

Minh Hoa (t/h)