Góc nhìn luật gia

Người đàn ông bạo hành nhân viên y tế khi đang làm nhiệm vụ sẽ bị xử lý như thế nào?

Với những trường hợp bạo hành nhân viên y tế nói chung, người đang thực thi công vụ nói chung, cần có chế tài xử lý nghiêm minh để kịp thời răn đe người khác. Mức xử lý như thế nào phải chờ kết luận điều tra, nhưng có thể dựa vào những căn cứ pháp luật đã quy định cụ thể.

Liên quan vụ người đàn ông bạo hành nhân viên y tế tại bệnh viện Nhi đồng 1, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, Chủ tịch trung tâm Trọng tài thương mại Luật gia Việt Nam cho rằng, cần phải xử lý nghiêm minh những trường hợp này, để răn đe những người có lời nói, đe dọa nhân viên y tế, người đang thực thi công vụ…

Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, luật sư Nguyễn Văn Hậu cho biết, qua những thông tin mà bệnh viện cung cấp về tình hình sức khỏe, tâm lý của nhân viên điều dưỡng N.T.H sau khi bị ông Huỳnh Phúc C. bạo hành, có thể căn cứ theo những điều luật sau, để biết ông C. có vi phạm pháp luật hay không?

Theo Điều 35 Luật Khám chữa bệnh 2009 quy định về quyền được đảm bảo an toàn khi hành nghề như sau:

“1. Được trang bị phương tiện bảo hộ lao động, vệ sinh lao động để phòng ngừa, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm, tai nạn liên quan đến nghề nghiệp. Được bảo vệ sức khỏe, tính mạng, danh dự, thân thể.

Trường hợp bị người khác đe dọa đến tính mạng, người hành nghề được phép tạm lánh khỏi nơi làm việc, sau đó phải báo cáo với người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc chính quyền nơi gần nhất.”

Điều 26 Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân 1989 quy định về việc giúp đỡ bảo vệ thầy thuốc và nhân viên y tế: 

1- Mọi tổ chức và công dân có trách nhiệm giúp đỡ, bảo vệ thầy thuốc và nhân viên y tế khi họ làm nhiệm vụ.

2- Trong trường hợp khẩn cấp để đưa người bệnh hay người bị tai nạn đến cơ sở cấp cứu, thầy thuốc, nhân viên y tế được quyền sử dụng các phương tiện vận chuyển có mặt tại chỗ. Người điều khiển phương tiện phải thực hiện yêu cầu của người thầy thuốc và nhân viên y tế.

3- Nghiêm cấm hành vi làm tổn hại đến sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm của thầy thuốc và nhân viên y tế trong khi đang làm nhiệm vụ.”

Chính vì vậy, hành vi đe dọa, bạo hành với cán bộ nhân viên y tế bị xem là vi phạm pháp luật, có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự tùy mức độ.

Nữ điều dưỡng bị bạo hành gây xôn xao dư luận

Có thể xử phạt hành chính hàng chục triệu đồng

Cũng theo luật sư Hậu, việc người đàn ông Huỳnh Ngọc C. bạo hành nữ điều dưỡng, nếu có kết luận chính thức từ bệnh viện về mức thương tật, về những tổn thương khác thì có thể bị phạt từ 22 triệu đồng đến 33 triệu đồng.

Căn cứ Khoản 4 Điều 36 Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định: “4. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi gây tổn hại đến sức khỏe, đe dọa tính mạng của người hành nghề trong khi đang khám bệnh, chữa bệnh.

Cũng theo quy định tại Nghị định 176/2013/NĐ thì người có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ sẽ bị xử phạt từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.

Hơn nữa, người hành nghề khi bị xâm phạm đến sức khỏe, danh dự tính mạng có quyền yêu cầu khởi kiện để đòi bồi thường, xin lỗi công khai theo thủ tục tố tụng dân sự.

Ngoài ra, căn cứ theo điều luật của Bộ luật Hình sự, người đàn ông có thể bị khởi tố vụ án, khởi tố hình sự về tội  “Cố ý gây thương tích”.

“Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về tội “cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác”, đã bổ sung tình tiết tăng nặng đối với “người chữa bệnh cho mình”.

Theo đó, người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng đối với “người chữa bệnh cho mình” thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm”. Luật sư Hậu phân tích.

Bên cạnh đó, theo luật sư Hậu, cần có chế tài đủ mạnh để kịp thời răn đe.

Luật sư hậu nhận định: “Tôi nghĩ rằng chúng ta cần có những chế tài xử lý hành vi bạo hành trong lĩnh vực y tế đủ mạnh, nghiêm minh để ngăn cản những đối tượng quá khích.

Xử lý thích đáng các trường hợp bạo hành trong lĩnh vực y tế, đặc biệt có chế tài phạt vi phạm mang tính răn đe cao đối với những người có lời nói, hành động đe dọa, xúc phạm danh dự, nhân phẩm cán bộ nhân viên y tế, đảm bảo việc khám, chữa bệnh đạt hiệu quả”.

Nguyễn Lành