Thế giới

Người dân Nigeria đi bỏ phiếu bầu Tổng thống mới

Hơn 93 triệu người đã đăng ký đi bỏ phiếu bầu chọn Tổng thống và các đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ tới cho Nigeria, nền kinh tế lớn nhất châu Phi.

Các cuộc bầu cử Tổng thống Nigeria và cả hai viện của Quốc hội Liên bang đang được tổ chức trên khắp 36 bang của đất nước, trong sự kiện được coi là lần chuyển giao quyền lực giữa dân sự sang dân sự lần thứ 6 liên tiếp kể từ khi quốc gia đông dân nhất châu Phi trở lại chế độ dân chủ vào năm 1999.

Có 18 ứng cử viên chạy đua kế nhiệm ông Muhammadu Buhari, người sẽ từ chức Tổng thống Nigeria vào tháng 5, sau khi hoàn thành 2 nhiệm kỳ 4 năm. Nhưng chỉ có 4 ứng cử viên được coi là có tiềm năng vượt lên, nao gồm ông Bola Tinubu của Đảng APC cầm quyền, ông Atiku Abubakar của Đảng Dân chủ Nhân dân đối lập chính, ông Peter Obi của Đảng Lao động và ông Rabiu Kwankwaso của Đảng NNPP.

Hơn 93 triệu người đã đăng ký đi bỏ phiếu bầu chọn Tổng thống và các đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ tới.

Khoảng 176.600 điểm bỏ phiếu đã được lên kế hoạch mở cửa từ 8h30 sáng đến 2h30 chiều giờ địa phương (từ 14h30 đến 20h30 giờ Việt Nam) ngày 25/2.

Trong các cuộc bầu cử trước đây ở Nigeria, cử tri ở một số khu vực đã phàn nàn rằng các điểm bỏ phiếu mở cửa muộn nhiều giờ hoặc hoàn toàn không hoạt động.

Việc kiểm phiếu sẽ bắt đầu ngay sau khi các phòng phiếu đóng cửa và kết quả sẽ được đăng bên ngoài các điểm bỏ phiếu. Cuộc kiểm phiếu cuối cùng từ 36 bang và thủ đô liên bang Abuja dự kiến sẽ diễn ra trong vòng 5 ngày kể từ ngày bỏ phiếu.

Cuộc bỏ phiếu hôm 25/2 “sẽ là cuộc tập trận dân chủ lớn nhất lục địa và là một trong những cuộc tập trận dân chủ lớn nhất thế giới”, ông Stacey Abrams, đồng lãnh đạo phái đoàn bầu cử của Viện Dân chủ Quốc gia và Viện Cộng hòa Quốc tế, cho biết.

“Những gì xảy ra vào cuối tuần này sẽ có tác động trên phạm vi rộng trên toàn cầu”, ông Abrams, người đồng thời là lãnh đạo thiểu số của Quốc hội Nigeria, nói với Al Jazeera hôm 24/2.

Các vấn đề chính đang phủ bóng nền kinh tế lớn nhất châu Phi bao gồm 2 cuộc suy thoái trong bốn năm, tình trạng bạo lực leo thang, mất an ninh, cũng như tình trạng thiếu tiền mặt và nhiên liệu.

Minh Đức (Theo Al Jazeera, Reuters)