Dân sinh

Người dân lạc quan dù Việt Nam bị ảnh hưởng do đại dịch COVID-19

Với nhiều biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt, nhất là thực hiện giãn cách xã hội, Việt Nam đã kiểm soát được dịch COVID-19. Từ đó, người dân càng tin tưởng vào sự điều hành của Chính phủ. Thực tế, một cuộc khảo sát mới đây đã cho thấy rõ điều này.

Phản ánh rõ nét sự quyết liệt của Việt Nam

Chia sẻ với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, Trần Thị Thanh Thuỷ, Trưởng nhóm khảo sát – đang học tại Khoa Du lịch và Việt Nam học, trường đại học Nguyễn Tất Thành cho biết: “Chúng tôi đã tiến hành khảo sát 442 người dân đến từ hơn 26 tỉnh/ thành phố khác nhau, chủ yếu tại: TP.HCM, Bình Định, Cà Mau, Kiên Giang, Sóc Trăng… về “sự ảnh hưởng của dịch Viêm phổi cấp (COVID-19) đến đời sống của người dân” theo yêu cầu của giảng viên”.

442 người dân đến từ hơn 26 tỉnh/ thành phố khác nhau đã tham gia trả lời.

“Nhóm chúng tôi có 7 thành viên, đến từ nhiều tỉnh/thành phố khác nhau nên đã quyết định lập bảng khảo sát (online) trên phạm vi có thể", chị Thủy chia sẻ.

Đa phần người được hỏi có tuổi từ 18 - 30.

Nói thêm về công việc, Trần Thị Như Thảo, thành viên của nhóm - đang học tại khoa Du lịch và Việt Nam học, trường đại học Nguyễn Tất Thành cho biết: “Tất cả các thành viên đã đăng tải bảng khảo sát lên Facebook và Zalo.

Về giới tính cơ bản không chênh lệch nhiều.

Đồng thời, huy động sự chia sẻ cho bạn bè, người thân gia đình để mọi người giúp thực hiện việc khảo sát. Từ đó có được nguồn số liệu, dữ liệu phong phú, khách quan và tiến hành tổng kết”.

Không quá bất ngờ, khi kết quả khảo sát cho thấy, người dân đã tuân thủ và chấp hành tốt các quy định của Chính phủ và chính quyền các địa phương trong công tác phòng chống dịch COVID-19.

Điều này cũng phản ánh rõ nét những gì mà Chính phủ và cả hệ thống chính trị của chúng ta đã vào cuộc một cách mạnh mẽ và quyết liệt trong thời gian qua.

Theo đó, đa số người dân đều cảm nhận rằng khu vực mình ở có nguy cơ cao và nguy cơ, chỉ 9% người dân cho rằng khu vực mình ở có nguy cơ thấp.

Đa số người dân đều cảm nhận rằng khu vực mình ở có nguy cơ cao.

Trong đó, dựa trên câu trả lời cụ thể, thì số liệu thu được của người dân tại TP.HCM đều cho rằng: TP là nơi có nguy cơ cao, dịch sẽ bùng phát, mọi người đều cẩn trọng với sự xuất hiện của dịch COVID-19. Từ đó, tuân thủ các quy định, đặc biệt là các khuyến cáo của ngành y tế.

Hầu hết người dân đều cho rằng, dịch COVID-19 là rất nghiêm trọng nên cần phải ý thức trong công tác phòng tránh.

Dù Việt Nam chưa ghi nhận người tử vong do đại dịch nhưng tất cả người dân đều cảm nhận sự nghiêm trọng của dịch bệnh.

Tăng các hoạt động mua sắm online

Chia sẻ thêm với PV, Đặng Hoàng Oanh, thành viên của nhóm - đang học tại Khoa Du lịch và Việt Nam học, trường đại học Nguyễn Tất Thành cũng cho biết: “Vì khảo sát trên diện rộng nên tùy vào khu vực và nghề nghiệp, mức độ ảnh hưởng tới công việc của người dân sẽ khác nhau nhưng nhìn chung hầu như dịch bệnh đều có sự ảnh hưởng tới công việc của người dân.

Dù vậy, các giao dịch online, làm việc online... có sự tăng trưởng đáng kể”.

Điển hình, có tới 23% người dân được hỏi đã tăng cường các hoạt động mua sắm online. Đây là con số đáng ghi nhận, trong bối cảnh mà Việt Nam đang là quốc gia mới nổi lên về ứng dụng công nghệ thông tin vào thực tiễn cuộc sống.

Nhiều người đã sử dụng kênh mua bán online.

Bên cạnh đó, cũng có tới 43,3% người dân vẫn có thể làm việc, học tập... online. Điều này là hết sức lạc quan, nhất là khi chúng ta đang triển khai mạnh mẽ Chính phủ điện tử.

Có tín hiệu lạc quan là chỉ 1% bị thôi việc và 43% người dân có thể chuyển sang làm việc online.

Sức khoẻ hơn vàng

“Những vấn đề quan tâm hàng đầu của gia đình bạn trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19? - là câu hỏi mà nhóm chúng tôi quan tâm nhất”, Phạm Thanh Thư, thành viên của nhóm - đang học tại Khoa Du lịch và Việt Nam học, trường đại học Nguyễn Tất Thành cho hay.

"Con số thu được cho thấy rằng, vấn đề đáng quan ngại nhất của người dân vẫn chính là sức khỏe.

Vấn đề đáng quan ngại nhất của người dân vẫn chính là sức khỏe.

Bởi, tất cả người dân đều chú trọng đến sức khoẻ nên khi có Chỉ thị cách ly toàn xã hội của Chính phủ, mọi người dân đều tự giác chấp hành”, Thư nói thêm.

Từ đó, “người dân cũng đặt niềm tin vào sự điều hành của Chính phủ. Cũng chính sự ý thức về giá trị của sức khỏe nên người dân khi được hỏi, đã không bất chấp dịch bệnh để làm việc và phản kháng”, Nguyễn Chúc Giang, Thành viên của nhóm nhấn mạnh.

Người dân cũng đặt niềm tin vào sự điều hành của Chính phủ.

“Đó là sự góp sức vô cùng to lớn của người dân vào công cuộc chống dịch.

Từ ý thức tự giác của người dân mà con số người nhiễm đã giảm dần, càng nhiều người khỏi bệnh và Việt Nam trở thành một trong 2 quốc gia không có ca tử vong, dù có ca bệnh nặng (tính đến thời điểm này)”, Hồ Châu Kiệt, thành viên của nhóm cho hay.

Trao đổi thêm với PV, Ths. Thanh Tùng - đang giảng dạy tại trường đại học Nguyễn Tất Thành – người hướng dẫn nhóm sinh viên thực hiện chủ đề khảo sát nêu trên cho biết: “Thời gian qua, cùng với cả nước thực hiện công tác phòng chống dịch COVID-19, trường Nguyễn Tất Thành cũng đã tổ chức dạy - học online.

Thông qua các buổi học, giảng viên và sinh viên cũng đã chia sẻ những khó khăn do dịch gây ra. Điều này là bất khả kháng và mọi người cùng đồng lòng quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, trở ngại để hoàn thành chương trình học.

Dịch COVID-19 là bất khả kháng và mọi người cùng đồng lòng quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, trở ngại.

Về môn Nghiên cứu kinh doanh du lịch thì có nhiều lớp, nhiều sinh viên và chúng tôi tiến hành thực hiện nhiều bài tập khác nhau liên quan đến chuyên môn.

Bên cạnh đó có bài tập về khảo sát sự ảnh hưởng của dịch COVID-19 đến đời sống người dân tại khu vực nơi các em đang sinh sống, làm việc, trong đó, nhóm của Thuỷ làm rất tốt”.

Nói thêm về kết quả thực hiện, Ths. Tùng cho hay: “Tôi rất bất ngờ với kết quả khảo sát, vì các em làm quá tốt. Đồng thời, có sự tiếp thu, hiểu bài học và làm việc một cách khoa học. Điều đó cho thấy, học online vẫn mang lại hiệu quả rất lớn.

Việt Nam trở thành một trong 2 quốc gia không có ca tử vong, dù có ca bệnh nặng (tính đến thời điểm này).

Dù không thể nào có kết quả chính xác 100%, đồng thời, chưa khảo sát được nhiều người dân, nội dung câu hỏi vẫn còn những hạn chế... nhưng những thông tin trên cũng phản ánh được phần nào thực tế của người dân trong đại dịch COVID-19.

Đồng thời, cũng phản ánh rõ nét các quyết sách kịp thời trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ cũng như ban hành - triển khai các chế độ, chính sách hỗ trợ cho người dân theo kế hoạch”.

CHÍ THANH