Môi trường

Người dân khốn đốn vì cá chết bất thường trên Sông Mã

Cá nuôi của nhiều hộ dân trên sông Mã thuộc huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa vẫn tiếp tục chết hàng loạt. Hiện cơ quan chức năng đang tìm nguyên nhân.

Ngày 19/3, thông tin từ thị trấn Cành Nàng, UBND xã Ái Thượng, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa xác nhận, cá lồng nuôi trên sông Mã đoạn chảy qua địa bàn bất ngờ chết đồng loạt khiến người dân khốn đốn.

Hôm nay (21/3), cá tự nhiên, cá nuôi của nhiều hộ dân trên sông Mã thuộc huyện Bá Thước tiếp tục chết hàng loạt.

Theo Môi trường & Đô thị, chủ tịch UBND thị trấn Cành Nàng Trịnh Văn Hùng cho biết: Sau khi nhận được thông tin cá chết trên sông Mã, chính quyền địa phương đã cử cán bộ xuống ghi nhận thực tế, ổn định tinh thần của các hộ nuôi. Theo thống kê của UBND Thị trấn Cành Nàng, hiện tượng cá chết diễn ra từ ngày 14/3 đến nay. Lúc đầu, cá chết lẻ tẻ sau đó đồng loạt ở nhiều lồng, nhiều hộ khác nhau.

Tổng số hộ bị ảnh hưởng là 21 với 32 lồng nuôi, tổng trọng lượng khoảng 1.494kg. Xã tiếp tục hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp vệ sinh lồng, bè nuôi cá hàng ngày để dòng chảy lưu thông tốt hơn, cuốn trôi chất thải tịch tụ của cá, giảm thiểu khí độc. Người dân được khuyến cáo tạm dừng thả nuôi mới và chỉ thả mới khi môi trường nước trên sông được đảm bảo. Các hộ nuôi cá cần thường xuyên theo dõi các yếu tố môi trường như pH, nhiệt độ, độ trong, mật độ tảo… và sự phát triển của cá nhằm phát hiện sớm sự bất thường để có biện pháp xử lý kịp thời. Xã chỉ đạo các hộ gia đình có cá chết tiến hành thu gom, chôn lấp đúng quy định. 

Nhiều cá chết bất thường. Ảnh: Dân Việt.

Thông tin thêm trên báo Dân Việt, đại diện lãnh đạo Chi cục Thú y và Chăn nuôi (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thanh Hóa) cho biết: "Qua kiểm tra lâm sàng, mổ khám cá nuôi tại khu vực phố 1 thị trấn Cành Nàng và xã Lâm Xa, chúng tôi thấy cá không bị xuất huyết bên ngoài, mang và các cơ quan nội tạng bên trong bình thường, không có hiện tượng xuất huyết, tụ huyết bất thường, không ghi nhận dấu hiệu của bệnh tích nào. Khi kiểm tra thực tế môi trường, nước có màu đen, không chỉ cá mà tảo, thủy sản tự nhiên như cá leo, tôm, cua… cũng bị chết".

Được biết, trên thượng nguồn dọc 2 bên bờ sông Mã có nhiều cơ sở chế biến lâm sản; ngâm ủ, chế biến luồng và bột giấy thường xuyên để chất thải, nước thải ảnh hưởng tới môi trường.

Hà Lan (t/h)