Tiêu dùng & Dư luận

Người dân Hà Nội xếp hàng nửa tiếng mới mua được xăng

Liên tiếp những ngày qua, nhiều cây xăng bán lẻ trên địa bàn Hà Nội bán cầm chừng, nhỏ nhọt khiến người dân chật vật khi mua mặt hàng này.

Thị trường bán lẻ xăng dầu tại Hà Nội những ngày gần đây lặp lại tình trạng khan hiếm xăng dầu, đứt gãy nguồn cung và tạm đóng cửa một số cơ sở kinh doanh.

Đáng chú ý, việc bán hàng nhỏ giọt xăng dầu tại một số cửa hàng, đặc biệt là cửa hàng tư nhân đã khiến người dân Thủ đô phải mất nhiều thời gian để mua được mặt hàng thiết yếu này.

Dù chiều muộn hôm qua (2/11), Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã họp với các doanh nghiệp đầu mối, phân phối để tiếp tục tháo gỡ khó khăn trong cung ứng xăng dầu hiện hành, song tình trạng này trong ngày 3/11 cũng không có nhiều tiến triển.

Bên hành lang Quốc hội, trao đổi với báo chí, đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) nói rằng, một đất nước, nền kinh tế có độ mở lớn, GDP hàng trăm tỷ USD, đang có nhu cầu phát triển mà lại thiếu xăng ở thành phố lớn thì không thể chấp nhận được.

Ông cho rằng, những lý do như thiếu hụt nguồn cung, chi phí liên quan tới chiết khấu, chi phí hoa hồng… chỉ là phần bề nổi. Bản chất cần xác định là phải thay đổi cơ chế vận hành. Trong đó, thay đổi đầu tiên đó là minh định rõ cơ quan nào là cơ quan chịu trách nhiệm, tránh việc đùn đẩy nhau.

“Không thể chấp nhận việc ở Hà Nội, Tp.HCM mà lại xếp hàng hàng giờ để mua xăng. Đây là câu chuyện rất khó chấp nhận”, đại biểu Trịnh Xuân An nhắc lại.

Từ sáng 3/11, Người Đưa Tin ghi nhận tại nhiều cây xăng trên địa bàn Hà Nội, tình trạng chung của các cây xăng Nhà nước như PV Oil, Petrolimex đều rơi vào tình trạng đông đúc, người dân phải xếp hàng dài hơn 30 phút để chờ đổ xăng.

Hình ảnh người dân xếp hàng dài chờ đổ xăng tại cây xăng Thái Thịnh (quận Đống Đa) sáng 3/11 dù không phải giờ cao điểm.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại cây xăng có địa chỉ số 95 Vũ Ngọc Phan, phường Láng Hạ (quận Đống Đa).

Cây xăng trên phố Thụy Khuê (quận Tây Hồ) rơi vào tình trạng tương tự, người dân xếp hàng dài ra cả vỉa hè. Anh Đồng Quyết Thắng (trú tại phường Láng Hạ) cho biết, trên đường đi làm các cây xăng luôn trong tình trạng đông đúc. “Các điểm bán xăng đều đông đúc, người dân xếp hàng dài để chờ, tôi phải mất đế 20 phút để đổ được xăng”, anh Thắng nói.

Anh Nguyễn Anh Ngọc (trú tại quận Tây Hồ) chia sẻ, thời gian gần đây, giá xăng đã tăng nhưng đi đổ xăng rất khó, hầu như đều phải chờ khá lâu mới đổ được xăng.

Tình trạng người dân Hà Nội gặp khó khi mua xăng bắt đầu manh nha cách đây khoảng 10 ngày, tập trung ở một số cửa hàng xăng tư nhân. 

Đỉnh điểm, có nhiều cây xăng đã phải đóng cửa hoặc bán cầm chừng.

Ghi nhận lúc 15h30 tại cây xăng Lý Thường Kiệt (quận Hoàn Kiếm), dù không phải giờ cao điểm nhưng người dân phải xếp hàng dài chờ đợi để đến lượt đổ xăng.

Cây xăng Ngã Tư Sở cũng rơi vào tình trạng tương tự chiều ngày 3/11.

Cũng trong chiều cùng ngày, nhiều cây xăng cũng đồng loạt treo biển hết xăng. Trong ảnh là cây xăng tại số 1 Lê Quang Đạo (phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm).

Ngoài ra, tại cửa hàng xăng dầu Mai Dịch 1 (Công ty Cổ phần xăng dầu HFC) trên phố Trần Vĩ, quận Nam Từ Liêm và cửa hàng xăng dầu số 2 Nam Thăng Long (Công ty Cổ phần Dịch vụ và Thương mại dầu khí) trên đường Phạm Văn Đồng (quận Bắc Từ Liêm) cũng cắm biển hết xăng.

Nhiều người dân bất lực đi tìm cây xăng khác. Theo chia sẻ của nhân viên, do người dân đổ quá đông nên cây xăng bị “cháy hàng”. Cửa hàng buộc phải đóng cửa để chờ được tiếp nhiên liệu.

Theo Sở Công Thương Hà Nội, hiện trên địa bàn thành phố có 6 doanh nghiệp đầu mối và gần 20 thương nhân phân phối. Ngoài việc phục vụ thị trường 10 triệu dân của Hà Nội, nguồn cung của thành phố cũng phải phục vụ một số thị trường lân cận do thiếu hụt xăng. Điều này gây sức ép về nguồn cung rất lớn cho Hà Nội.

Hiện tại, có 20/493 cửa hàng được phép của Sở Công Thương tạm dừng để cải tạo sửa chữa. Với các cửa hàng xăng dầu khác, 73% lượng xăng dầu lấy từ các doanh nghiệp đầu mối và không bị hạn chế về số lượng nên cơ bản đáp ứng đươc nhu cầu của người dân. Chỉ có 27% là nguồn cung cấp từ các thương nhân phân phối.