Môi trường

Người dân Hà Nội “bơi” trong nước bẩn, Hội bảo vệ người tiêu dùng đang ở đâu?

Như những lần trước, khi người tiêu dùng rơi vào “ngõ cùng”, Hội bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam vẫn không một động thái nào lên tiếng bảo vệ hợp pháp cho người tiêu dùng.

Những ngày qua, người dân Hà Nội đang phải khốn đốn với việc nước sinh hoạt bị ô nhiễm do đầu nguồn nhà máy nước sạch Sông Đà bị đổ trộm dầu thải. Mặc dù, TP. Hà Nội đã nỗ lực giải quyết hậu quả, tuy nhiên hệ quả của việc này đã là rất lớn.

Để giải quyết vấn đề cần rất nhiều cá nhân, tổ chức, cộng đồng góp sức. Ấy vậy mà một Hội mang danh hợp pháp là bảo vệ Người tiêu dùng vẫn lặng thinh trong thời gian dài.

Đây không phải là trường hợp đầu tiên, mà rất nhiều lần trước đó (ví dụ như vụ lụa Khaisilk lừa dối khách hàng nhập khẩu khăn lụa Made in China gắn mác thương hiệu Việt...), Hội mang tên bảo vệ Người tiêu dùng (Tên hiện nay là Hội bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam) lên tiếng bảo vệ lợi ích người tiêu dùng.

Người dân chỉ trông chờ vào cơ quan chức năng xử lý theo pháp luật. Tất cả câu trả lời chúng tôi nhận được từ người đại diện của Hội là vẫn "theo dõi sát sao trên báo đài".

Theo đó, sau nhiều lần phóng viên báo điện tử Người Đưa Tin liên lạc với người đứng đầu Hội này là ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam, ông trả lời rằng: "Những ngày qua phía Hội vẫn theo dõi sát sao tình hình. Tuy nhiên, vì cơ quan chức năng và Thủ tướng cũng đã chỉ đạo, nên hội chỉ theo dõi gián tiếp".

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam.

“Chỉ trừ khi cơ quan chức năng không lên tiếng thì hội mới can thiệp, nhờ báo chí hoặc gửi văn bản kiến nghị”, ông Hùng cho hay.

Trao đối với phóng viên báo điện tử Người Đưa Tin về vấn đề này, Luật sư Phạm Hồng Kiên – Giám đốc công ty Luật Cán Cân Việt (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 quy định “Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm chung của Nhà nước và toàn xã hội”, (khoản 1, Điều 4).

Trên cơ sở đó, Luật này cũng quy định về chính sách của Nhà nước về bảo vệ người tiêu dùng: “Tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức, cá nhân chủ động tham gia vào việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”, (khoản 1, Điều 5).

Hàng nghìn người dân Hà Nội đang sống trong cảnh mà nhiều người ví là thời bao cấp.

“Theo đó, tổ chức xã hội thành lập theo quy định của pháp luật và hoạt động theo điều lệ được tham gia hoạt động bảo vệ người tiêu dùng”, luật sư Kiên cho hay.

Theo luật sư, điều này khẳng định, Hội bảo vệ Người tiêu dùng đang thiếu trách nhiệm với tôn chỉ mục đích của Hội, khi không đứng ra làm chủ cho người dân, khi Hội này là người trực tiếp, gắn mác bảo vệ hợp pháp quyền và lợi ích của người tiêu dùng cụ thể là hàng nghìn người dân Hà Nội đang phải sống trong tình trạng nước nhiễm bẩn nghiêm trọng như thế này.

Luật sư Phạm Hồng Kiên.

“Quan điểm của tôi, Hội bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam nên xem xét lại mục đích cũng như việc thành lập của Hội đã xứng đáng với người tiêu dùng hay chưa, tại sao sau bao nhiêu vụ việc xảy ra, Hội vẫn chưa một lần thẳng thắn lên tiếng đấu tranh đòi quyền lợi cho người tiêu dùng như vậy?”, luật sư Kiên nhận định.

Được biết, Hội bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam được thành lập vào ngày 29/11/2018 do ông Nguyễn Mạnh Hùng làm chủ tịch. Hội được thành lập trên cơ sở tách ra từ Hội tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam hướng tới mục đích đảm bảo tính pháp lý và thực hiện đầy đủ, toàn diện các nội dung bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của tổ chức xã hội theo đúng quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.                                                                               
Với tôn chỉ hoạt động: “Là một tổ chức xã hội của các tổ chức, cá nhân tự nguyện thành lập, nhằm mục đích tập hợp, đoàn kết hội viên, tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo quy định của pháp luật, góp phần vào việc phát triển kinh tế, xã hội của đất nước”.                         
Hội giữ vai trò tham gia, còn bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm chung của Nhà nước và toàn xã hội. Trong vai trò tổ chức, Hội sẽ vận động hội viên và người tiêu dùng tích cực tham gia cùng với các cơ quan chức  năng Nhà nước và các thành phần khác trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Ngày 17/10, các cơ quan chức năng tỉnh Hoà Bình cùng Công ty cổ phần nước sạch Sông Đà họp báo thông tin về sự cố đổ trộm dầu thải vào khu vực đầu nguồn nước của Công ty này.              Tại buổi họp báo ông Nguyễn Hoàng Thư, Giám đốc sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hoà Bình cho biết, sau khi vụ việc xảy ra, nhận thấy có dấu hiệu hình sự, ngày 16/10/2019, cơ quan cảnh sát điều tra công an huyện Kỳ Sơn đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội gây ô nhiễm môi trường theo quy định tại điều 235 Bộ luật Hình sự.

Di Hân