Giáo dục

Người dân gửi đến UBND Tp.Hồ Chí Minh thắc mắc về học phí năm học mới

Chương trình trực tuyến “Dân hỏi-Thành phố trả lời” được sự quan tâm lớn của người dân bởi việc giải đáp nhanh chóng, đi vào những vấn đề thực tế.

Buổi trực tiếp tối 30/8 có sự tham gia của ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo Tp.Hồ Chí Minh; ông Lê Mạnh Hà, Phó trưởng phòng tham mưu Công an Tp.Hồ Chí Minh; ông Lê Quang Tự do – Cục phó cục Phát Thanh truyền hình và Thông tin điện tử bộ Thông tin truyền thông, dưới sự dẫn dắt của MC Quyền Linh.

Các vị khách mời tham gia chương trình ngày 30/8

Chủ đề chương trình nhằm giải đáp những thắc mắc về học online, sách giáo khoa, giấy đi đường cho các ngành nghề và an ninh trật tự. Nội dung này phù hợp trước bối cảnh năm học mới sắp bắt đầu nhưng vẫn còn nhiều vấn đề bất cập trong việc tổ chức việc học trực tuyến. Ngoài ra, về giấy đi đường cũng còn nhiều băn khoăn khi vẫn chưa có sự thống nhất.

Trong hơn một tiếng lên sóng đã có hơn 16 nghìn lượt xem với 3000 câu hỏi của người dân xung quanh việc học phí năm học mới, miễn giảm học phí đối với các trường ngoài công lập, trang thiết bị học trực tuyến, khó khăn khi mua sách giáo khoa, thủ tục cấp giấy đi đường… bên cạnh đó chương trình cũng đưa ra những thông tin, những hình ảnh chân thực nhất quá trình hỗ trợ người dân trong những ngày thực hiện “ai ở đâu ở yên đó”.

Mở đầu chương trình đã thông báo những tín hiệu đáng mừng về việc giải ngân gói an sinh khi hiện nay thành phố đã phát được hơn 1 triệu gói khi chưa đầy một tuần.

Đối với vấn đề giáo dục, người dân có rất nhiều ý kiến trong tình hình dịch bệnh, tuy có chính sách miễn giảm học phí của Chính phủ, nhưng trên thực tế các trường cao đẳng, đại học vẫn chưa có những chính sách hỗ trợ người học.

Giải đáp thắc mắc trên, ông Nguyễn Văn Hiếu cho biết thành phố đã kiến nghị với bộ Giáo dục Đào tạo đề nghị các trường đại học giảm học phí cho sinh viên, ngoài ra Thành phố cũng có văn bản đề nghị các trường nằm trên địa không tăng học phí. Tuy nhiên, các trường đại học theo cơ chế tự chủ, đặc biệt là các trường ngoài công lập, họ đã xây dựng khung học phí và có thỏa thuận với người học nên cần có sự hỗ trợ của các trường đã giải quyết vấn đề này.  

Giám đốc sở GD&ĐT cũng thông tin, riêng với các trường THPT công lập học sinh sẽ không phải đóng học phí, nguồn kinh phí này sẽ sở Giáo dục sẽ trích ngân sách để hỗ trợ người dân.

Đối với vấn đề về cung ứng sách giáo khoa trong năm học mới, ông Hiếu cho biết, thành phố đã có điều chỉnh cho phép sách là mặt hàng thiết yếu, nhà xuất bản sẽ phân phối sách đến các trường học và từ đó chuyển đến các địa phương và tận tay người dân.

Ngoài ra, đối với các gia đình khó khăn trong việc chuẩn bị các thiết bị học trực tuyến cho con, UBND thành phố đã có giải pháp là kêu gọi sự hỗ trợ của các mạnh thường quân, người dân quyên góp các thiết bị điện tử để giúp đỡ những em học sinh không có điều kiện học tập. Sở cũng sẽ tổ chức học trên truyền hình để mọi đối tượng đều có thể theo kịp chương trình giảng dạy.

Nhiều người dân cũng bày tỏ sự lo ngại khi học trực tuyến kéo dài và hỏi về việc cho học sinh trở lại trường. Liên quan đến vấn đề này, khách mời khẳng định học sinh Tp.Hồ Chí Minh sẽ học trực tuyến đến hết học kỳ I và cha mẹ nên cố gắng đồng hành cùng con trong việc học tập.

Tiêm vắc-xin cho đối tượng học sinh cũng là chủ để nóng được quan tâm của nhiều bậc phu huynh. Nhiều phụ huynh băn khoăn việc khi nào con em được tiêm và nếu không tiêm thì có được đến trường hay không. Về vấn đề này ông Hiếu đã chia sẻ việc triển khai tiêm vắc-xin cho học sinh 12 đến 18 tuổi sẽ nhanh chóng diễn ra khi có đủ số lượng cần thiết, vì đây là một trong những cơ sở quan trọng để học sinh sớm quay lại trường học.

Những phụ huynh có con năm nay vào lớp 1 đang gặp vấn đề về thủ tục nhập học. Sở GD&ĐT hiện nay đã linh hoạt bằng cách người dân chỉ cần gọi điện thoại xác nhận nhập học và bổ sung những giấy tờ sau khi hết giãn cách. Các trường học sẽ tiếp nhận thông tin và sắp xếp lớp học cho học sinh.

Đối với vấn đề giấy đi đường, người dân cũng có nhiều phản ánh về hình thức giấy đi đường chưa thống nhất, chưa rõ thủ tục cấp giấy đi đường và quá trình kiểm tra còn mất nhiều thời gian.

Ông Lê Mạnh Hà cho biết vấn đề cấp giấy đi đường đã được thảo luận ở các cấp và thống một đơn vị cấp giấy là Công an thành phố để có thể quản lý được số lượng giấy được phát ra. Sau đó thông qua đó các đơn vị cấp dưới sẽ rà soát để cấp giấy trên cơ sở hạn chế tối đa người ra đường. Đặc biệt về hình thức giấy đi đường sẽ vẫn giữ nguyên theo quy định của từng ngành.

Ngoài những vấn đề trên bất cập thủ tục nhận hỗ trợ cho những người lao động tự do, không có hộ khẩu tại thành phố vẫn là những quan tâm của nhiều người dân trong tình hình giãn cách kéo dài như hiện nay.