Sự kiện

Người dân đội nắng như thiêu như đốt đi cấy lúa

Ngay khi trời tờ mờ sáng, người dân các xã Thượng Cát, Tân Lập của huyện Đan Phượng (Hà Nội) bắt đầu đổ ra ruộng cấy lúa để giảm thiểu cái nắng nóng đỉnh điểm tại Hà Nội.

Những ngày giữa tháng 7 cũng là thời điểm người nông dân bước vào cuối vụ cấy Hè - Thu, đây cũng là thời điểm nắng nóng ở Hà Nội luôn đạt đỉnh điểm, nhiệt độ ngoài trời lên tới hơn 40 độ C.

Việc nắng nóng gay gắt gây cho người nông dân không ít khó khăn trong việc cay tác, để tránh cái nóng gay gắt lên đến hơn 40 độ C, người nông dân thường phải dậy sớm đi cấy khi mặt trời tờ mờ sáng.

Ghi nhận của phóng viên, 10h30' nhiệt độ ngoài trời đã đạt đỉnh điểm nhưng tại cánh đồng tại xã Tân Lập (huyện Đan Phượng) và phường Thượng Cát, (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) vẫn rất đông người dân đang hối hả cấy lúa giữa cái nắng gay gắt.

Chia sẻ với phóng viên, bà Nguyễn Thị Mai cho biết: "Để tránh bớt cái nắng nóng gay gắt những ngày gần đây chúng tôi bắt đầu đi cấy từ lúc 4h sáng khi trời tờ mờ sáng".

"Buổi sáng sẽ cấy từ 4h đến 11h, buổi chiều nếu mát thì 2h còn nắng thì 3 hoặc 4h lại ra đồng cấy tiếp", bà Mai cho hay.

Người dân chia sẻ, mỗi vụ cấy bây giờ thường rơi vào 3 ngày là xong. Hiện nay mỗi nhà chỉ còn cấy vài sào do đã cho thuê đất để người ta trồng hoa nên không còn nhiều đất trồng lúa.

Thường ngày, người dân nơi đây hay đi chợ buôn rau, bán hoa, hoặc đi làm thuê tại các xưởng gỗ xung quanh địa bàn. Mỗi khi đến vụ cấy, để đảm bảo thời vụ người dân thường phải đi thuê người làm.

Hiện nay, mỗi công đi cấy có  giá từ 300.000đ đến 400.000đ/1 người.

Dưới cái nắng nóng gay gắt tại Hà Nội, người dân rất vất vả khi ở ngoài trời quá lâu.

Để chủ động phòng chống nắng nóng, cục Y tế dự phòng, bộ Y tế khuyến cáo đặc biệt với những người lao động ngoài trời phải uống nhiều nước, mất nước nhiều nên uống bổ sung nước chanh hoặc nước pha muối loãng, nước pha Oresol…Tuy nhiên, không nên uống nhiều nước đá hoặc nước quá lạnh dễ gây viêm họng.