Tiếng nói công dân

Người dân bị cấm khai thác cây tạp - Kỳ 2: Văn bản "bất khả xâm phạm"

Hạt Trưởng Hạt Kiểm lâm Kong Chro cho biết, đây là văn bản cá biệt của địa phương, không thể tham gia ý kiến được.

“Lệnh cấm” cá biệt về dây máu chó.

“Lệnh cấm” được thể hiện trong Văn bản số 644/UBND – NL do ông Huỳnh Ngọc Ẩn, Phó Chủ tịch UBND huyện Kong Chro ký, có nội dung: “Ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi khai thác, vận chuyển Kê huyết đằng (dây máu chó)”.

Trong khi đó, Hạt Trưởng Hạt Kiểm lâm Kong Chro cho biết, đây là văn bản cá biệt của địa phương, không thể tham gia ý kiến được.

Bắt giữ

Kê huyết đằng, theo trang Wiki dược liệu, có tên khoa học là Millettia Reticulata L, còn gọi là hồng đằng, huyết rồng, khan dạ lùa…

Trong khi đó, thông tin với nhóm PV Người Đưa Tin Pháp luật, ông Ngô Hữu Luật, Chánh Văn phòng UBND huyện Kong Chro cho biết: “Kê huyết đằng là loại dây leo, thân gỗ, chiều cao có thể lên tới 10m, vỏ ngoài hơi nâu. Lá mọc so le, kép, gồm 3 lá chét, cuống lá dài 4,5cm đến 10cm…”.

“Lệnh cấm” được thể hiện trong Văn bản số 644/UBND – NL do ông Huỳnh Ngọc Ẩn, Phó Chủ tịch UBND huyện Kong Chro ký. Dù vậy, khi bất cứ phương tiện nào chở cây kê huyết đằng rời khỏi làng, xã đều bị bắt giữ.

Theo thông tin mà nhóm PV có được, đây là loài cây đang được thu mua để làm dược liệu. Vì thế, người dân cho rằng, nếu có người mua, sẽ có thêm được khoản thu nhập nhất định để trang trải trong cuộc sống hàng ngày. Dù vậy, việc này đang bị ngăn cấm.

Mặc dù nội dung Văn bản là "ngăn chặn, xử lý khai thác, vận chuyển kê huyết đằng trái pháp luật" nhưng phương tiện nào vận chuyển cây kê huyết đằng rời khỏi làng, xã đều bị bắt giữ. Điển hình như trường hợp ông Nguyễn Tấn Phương (thường trú xã Đắk Hlơ, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) mà nhóm PV sẽ đề cập dưới đây.

Về “lệnh cấm” này, chính quyền địa phương và các bên liên quan nói gì?.

Cận cảnh cây kê huyết đằng.

Làm việc với chúng tôi, ông Phạm Huy Vân, Chủ tịch UBND xã Đắk Kơ Ning, huyện Kông Chro cho biết: “Mới đây, lực lượng chức năng của huyện với hợp với UBND xã đã bắt giữ một số lượng cây kê huyết đằng và đưa về tập kết tại xã.

Tuy nhiên, đến nay chưa xác định được ai là chủ và khai thác trên đất rừng sản xuất hay rừng phòng hộ hay của trên đất nông nghiệp, đất nương rẫy của người dân. Đồng thời, đến nay chưa thấy ai đến nhận, do đó, số cây này đang nằm ở trụ sở UBND xã và chưa có hướng xử lý”.

Ông Vân cho biết thêm: “Trường hợp người dân khai thác cây kê huyết đằng nằm trên đất nông nghiệp, đất nương rẫy của người dân thì hoàn toàn hợp pháp và UBND xã sẽ xác minh cho bà con về nguồn gốc để mua bán, vận chuyển… Điều này là bình thường”.

UBND xã Đắk Kơ Ning đã bắt giữ một số lượng cây kê huyết đằng và đưa về tập kết tại xã.

Trái ngược với thông tin trên, chia sẻ với nhóm PV, ông Nguyễn Tấn Phương (thường trú xã Đắk Hlơ, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) cung cấp thông tin, sau khi khai thác số cây kê huyết đằng trên đất nông nghiệp, đất nương rẫy…, người dân đến UBND xã Đắk Kơ Ning đề nghị được xác minh nguồn gốc (để bán cho người khác, trong đó có ông Phương) nhưng không được chấp nhận.

Chúng tôi phản ánh điều này với ông Vân, vị Chủ tịch UBND xã Đắk Kơ Ning cho hay: “Chưa nghe trường hợp nào như trên”.

Văn bản cá biệt của địa phương

Ông Vân thông tin: “Hiện nay trên địa bàn xã có có gần 3.100 khẩu, trong đó, có trên 80% là người đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Bahnar. Mức thu nhập bình quân theo đầu người trên địa bàn xã đạt khoảng 27 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo xấp xỉ gần 10% (theo tiêu chí cũ)”.

Hiện nay trên địa bàn xã Đắk Kơ Ning có có gần 3.100 khẩu, trong đó, có trên 80% là người đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Bahnar.

Cũng theo ông Vân cung cấp thông tin, trên địa bàn xã còn khoảng 5.200 hecta đất rừng, chủ yếu là rừng sản xuất, còn một ít là rừng phòng hộ. Tất cả đều do xã quản lý.

Hiện, xã đang vận động, tuyên truyền để người dân hạn chế mức thấp nhất việc phá rừng làm nương rẫy. Đồng thời, tiến hành giao khoán rừng cho người dân… nhưng đang gặp rất nhiều khó khăn, vì người dân không nhận đất rừng.

Về công tác quản lý nhà nước đối với các loại thực vật ngoài gỗ, ông Vân cho biết: “Tới đây, chúng tôi sẽ tham mưu, kiến nghị với UBND huyện để lập phương án khai thác lâm sản phụ (thực vật ngoài gỗ), như kê huyết đằng, tre, nứa, cỏ tranh… để có phương án khai thác hợp lý theo quy định của pháp luật.

Người dân cho biết, do cây này quấn quanh cây lâu năm, khiến cây kém phát triển cần chặt bỏ và cũng để kiếm thêm thu nhập.

Trong khi đó, trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tấn Phương, thường trú xã Đắk Hlơ, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai cho biết: “Vào ngày 25/3/2021, tôi có thu mua dây cỏ máu (kê huyết đằng) tại xã Đắk Cờ Ning của người dân địa phương (khai thác trên nông nghiệp, đất nương rẫy).

Người dân cho biết, do cây này quấn quanh cây lâu năm, khiến cây kém phát triển nên muốn chặt bỏ và cũng để kiếm thêm thu nhập”.

Dù vậy, “trong khi vận chuyển dây cỏ máu từ xã Đắk Kơ Ning về nhà, đi qua địa phận chốt liên ngành Pa Kơ, do UBND huyện Kông Chro thành lập (gồm thành viên của BCH Quân sự huyện, Hạt Kiểm lâm huyện, lực lượng CSGT - Công an huyện) thì bị bắt giữ.

Họ bắt giữ xe ôtô tải (BKS: 81C-103.23) của tôi mà không báo lỗi vi phạm, không lập biên bản hay đưa ra bất cứ thủ tục pháp lý nào cả.

Sau đó, họ đưa xe của tôi về Hạt Kiểm lâm huyện Kông Chro tạm giữ nhưng cũng không lập biên bản và cũng không có cơ quan chức năng nào gọi tôi lên làm việc, để giải quyết”, ông Phương cho biết thêm.

CXe ôtô tải (BKS: 81C-103.23) bị  tạm giữ nhưng không báo lỗi vi phạm, không lập biên bản hay đưa ra bất cứ thủ tục pháp lý nào cả.

“Với hành vi trên, tôi cho rằng, đây không phải là những cán bộ làm việc cho dân, bảo vệ, tạo điều kiện cho người dân mà ngược lại, giống như cách trấn lột tài sản của người dân lương thiện.

Điều này, gây hậu quả nghiêm trọng đến đến tài sản của tôi cũng như làm suy giảm nghiêm trọng đến lòng tin của người dân vào đường lối, uy tín của Đảng và Nhà nước”, ông Phương cho hay.

Trong khi đó, nói về lệnh cấm thể hiện trong Văn bản số 644/UBND – NL do ông Huỳnh Ngọc Ẩn, Phó Chủ tịch UBND huyện Kong Chro ký, với nội dung “ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi khai thác, vận chuyển Kê huyết đằng (dây máu chó)”, ông Trần Hùng Anh, Hạt Trưởng Hạt Kiểm lâm Kong Chro cho biết đây là văn bản cá biệt của địa phương, do đó, không thể tham gia ý kiến được.

Báo cáo của UBND huyện Kong Chro cung cấp cho nhóm PV cho thấy, xã Đắk Kơ Ning có diện tích tự nhiên là gần 13,5 nghìn hecta. Tổng diện tích gieo trồng trên địa bàn là gần 2.500 hecta, trong đó, cây lương thực gần 390 hecta, cây tinh bột (mì) gần 1.000 hecta, cây thực phẩm đậu các loại gần 300 hecta, rau các loại gần 360 hecta, cây nông nghiệp ngắn ngày (mía chủ yếu) gần 300 hecta, cây trồng khác trên 120 hecta.

Tùng Long – Việt Hùng

 (Còn nữa)