Dân sinh

Người chồng lý giải nguyên nhân “bỏ quên” vợ con trên đường về quê

Tưởng rằng xe trung chuyển sẽ chở vợ con đi thẳng về quê nên anh Xồng Bá Định đã một mình đi xe máy chạy về trước.

Hiểu nhầm vợ sẽ được đưa về

Chiều 28/7, anh Xồng Bá Định (21 tuổi) tiếp tục hành trình từ TP.Vinh về xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. Quãng đường này dài gần 300km nhưng đây là đoạn đường ngắn nhất trong chặng hành trình của anh Định từ thời điểm xuất phát từ huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương.

Gia đình anh Định cùng nhiều người Nghệ An đi xe máy về quê.

Người đàn ông này cho biết, đầu năm 2021, anh đưa vợ và 2 con nhỏ (1 cháu 3 tuổi, 1 cháu 14 tháng) vào tỉnh Bình Dương để làm thuê. Anh Định làm ở công ty gỗ. Còn vợ vì có 2 con nhỏ nên ngày nào gửi được con thì mới đi làm thuê theo công hằng ngày, còn không thì chỉ ở nhà chăm con.

Thế nhưng, chặng đường ngắn ngủi ấy đã bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Sau 4 tháng, anh Định hết việc làm. Chỉ một thời gian ngắn, gia đình anh đã tiêu hết số tiền tích góp trong mấy tháng qua. Một phần vì khó khăn, phần vì dịch phức tạp, anh Định đã quyết định chở vợ con bằng xe máy từ Bình Dương về quê tại Nghệ An.

Ngoài gia đình anh Định, có hàng chục gia đình khác cùng quê cũng đi xe máy từ Bình Dương về nghệ An. Vào ngày 24/7, sau khi có kết quả test nhanh âm tính với Covid-19, anh Định và gia đình nhập vào đoàn lên đường.

Anh Định chạy xe mệt quá phải nằm nghỉ.

Khi về đến đèo Hải Vân, anh Định và đoàn đi xe máy được cơ quan chức năng dùng xe ô tô trung chuyển qua địa phận tỉnh Thừa Thiên Huế để tránh lây lan dịch bệnh. Tuy nhiên, do chút hiểu nhầm nên sau khi xuống khỏi xe trung chuyển, anh Định đã lấy xe máy chạy thẳng về quê ở Nghệ An.

Nói về việc này, anh Định cho biết sự thật không phải “quên” vợ con, mà tưởng họ sẽ ngồi xe trung chuyển về Nghệ An luôn nên anh mới chạy trước. “Lúc đó tôi đi cạnh một người ở cùng quê Kỳ Sơn. Vợ tôi không có điện thoại nên tôi không nói trực tiếp được. Tôi và anh bạn đi qua đèo Hải Vân trước, sau đó gọi điện thoại thì vợ nói là xe trung chuyển chưa đi, họ đang làm thủ tục và tý nữa họ chở về quê luôn”, anh Định kể.

Cảnh sát giao thông dùng xe chuyên dụng dẫn đường cho người dân từ phía Nam về quê đảm bảo an toàn.

Mệt quá nên không quay lại đón vợ nữa

Quá trình chạy trên đường, điện thoại của anh Xồng Bá Định hết pin nên không nhận được cuộc gọi nào. Trên đường đi, anh Định còn bị lạc đường nên bị lạc mất đoàn và lạc luôn cả người bạn cùng quê. Vì vậy, không còn cách nào khác anh đành đi một mạch về Nghệ An mà không dám ngừng nghỉ.

Phải đến sáng 27/7, anh Định về đến cầu Bến Thủy 2, tỉnh Nghệ An. Khi vào xin nạp nhờ pin điện thoại, anh Định mới thấy nhiều cuộc điện thoại nhỡ. Gọi lại, anh mới hay biết rằng vợ con anh đang kẹt tại Thừa Thiên - Huế chứ không có xe nào chở về quê.

Vợ con anh Định bị mắc kẹt tại tỉnh Thừa Thiên - Huế.

“Tôi sau đó đến chỗ chốt kiểm soát dịch tại cầu Bến Thủy 2 khai báo y tế và trình bày sự việc với công an và các cán bộ tại chốt. Các cán bộ và công an sau đó đã tìm cách để hỗ trợ đưa vợ con tôi về”, anh Định nói.

Sau khi vợ con được các cơ quan chức năng hỗ trợ lên tàu về quê, anh Định ở lại tại cầu Bến Thủy 2 chờ để chở vợ con cùng về. Tuy nhiên đến sáng 28/7, anh Định được cơ quan chức năng thông báo sẽ dùng xe chuyên dụng đón vợ và 2 con về thẳng trên quê nên anh đã chạy xe máy về quê ở huyện Kỳ Sơn trước.

Cơ quan chức năng bố trí chỗ ngủ cho vợ con anh Định.

“Tôi muốn ở lại chở vợ con về cùng luôn nhưng không được. Tôi có gọi được điện thoại và gặp vợ rồi. Vợ nói 3 mẹ con được hỗ trợ đi tàu về, dặn tôi đừng lo nên tôi vui lắm. Giờ tôi đang trên đường về quê”, anh Định nói.

Được biết, trong chiều 28/7, vợ và 2 con của anh Định về đến ga Vinh và được cơ quan chức năng địa phương đón thẳng về quê để thực hiện việc cách ly y tế theo quy định.

Nhằm giảm áp lực cho TP.HCM và các tỉnh phía Nam tập trung nguồn lực chống dịch Covid-19, tỉnh Nghệ An đã ban hành kế hoạch đón công dân sở về địa phương. Tỉnh này cũng đưa vào vận hành website dangkyveque.nghean.org.vn để người dân có nhu cầu về quê đăng ký.

Tính đến ngày 26/7, đã có gần 10.000 người đang ở các tỉnh phía Nam đăng ký trở về Nghệ An thông qua kênh thông tin chính thống của tỉnh. Trong đó, có 4.546 người sinh sống và làm việc tại TPHCM; 3.621 người ở Bình Dương và 1.041 người ở Đồng Nai.