Dân sinh

Người chồng khốn khổ sợ không có tiền trả viện phí cho vợ bị sảy thai

Anh Luông là dân quân xã, đi giúp dân khắc phục hậu quả. Vợ anh phải vượt 20 km gùi lương thực, thực phẩm về tiếp tế. Đường xa, vất vả, chị bị động thai…

Tại trung tâm y tế huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam, vợ chồng anh Hồ Văn Luông (26 tuổi) và chị Hồ Thị Phiêu (20 tuổi), trú thôn 4, xã Phước Thành vẫn còn đau xót vì mất đứa con.

Anh Luông là dân quân xã Phước Thành. Cách đây hơn 1 năm, 2 anh chị kết hôn. Cả 2 rất mong có con để ẵm bồng.

Người dân vượt rừng đưa chị Phiêu ra UBND xã Phước Kim. 

Cách đây 4 tháng, chị cấn thai. Anh vui mừng vì mong ước của mình sắp trở thành hiện thực.

Nơi anh chị ở bị ảnh hưởng nặng nề sau cơn bão số 9 vừa qua. Nhiều khu vực bị sạt lở nghiêm trọng và cô lập. Sau bão, anh theo chân chính quyền địa phương giúp dân, cứu hộ, khắc phục hậu quả thiên tai.

Thôn 4, xã Phước Thành cũng là nơi bị cô lập. Sau hơn 1 tuần, lương thực, thực phẩm tại đây đã cạn kiệt.

Cùng khoảng thời gian, các chiến sĩ là lực lượng bộ đội, công an đã gùi lương thực, thực phẩm tiếp tế từ trung tâm huyện lên tập kết ở xã Phước Kim.

Vào ngày 4/10, chị Phiêu theo chân bà con trong thôn “lội” rừng, vượt gần 20 km đến xã Phước Kim nhận hàng cứu trợ. Thời gian đi về mất khoảng 8 giờ.

Do đoạn đường xa, hiểm trở, gùi lương thực, thực phẩm, khi trở về, chị Phiêu cảm thấy mệt, đau bụng dữ dội. Hàng xóm phát hiện, nghi ngờ chị bị động thai.

Anh Luông nhận được thông tin liền chạy về nhà. Khi trở về, vợ anh đang quằn quại trên giường. Nghe lời mọi người, anh nhờ 30 thanh niên trong làng, dùng võng thay nhau khiêng vợ từ thôn 4 ra xã Phước Kim. Từ đó, xe cấp cứu đợi và chở chị Phiêu đến trung tâm y tế huyện.

Theo anh Luông, mọi người xuất phát từ 11h đến 16h chiều mới tới UBND xã Phước Sơn. Trên đường đi, có hàng chục điểm sạt lở khiến việc khiêng chị Phiêu gặp rất nhiều khó khăn.

Trên đường đi, anh vừa động viên vợ, vừa cầu khẩn cho mọi chuyện an yên đến với gia đình. Thế nhưng, khi trung tâm y tế huyện Phước Sơn, các bác sĩ chỉ cứu được chị Phiêu, riêng đứa trẻ trong bụng không giữ lại được.

Chị Phiêu biết chuyện, đau buồn. Suốt 2 ngày qua, chị không nói gì, chỉ khóc. Anh thấy vậy, cố động viên để vợ vượt qua giai đoạn khó khăn này.

“Mất con, mình buồn chứ, không phải vượt qua thôi. Mình là đàn ông, là trụ cột gia đình, phải nuốt nước mắt vào trong để vợ dựa dẫm trong lúc này”, anh Luông nói.

Điều lo lắng của anh là số tiền viện phí nhiều, không có để chi trả.

Chị Phiêu tại trung tâm y tế. 

Bão qua, gia đình anh cũng bị thiệt hại nặng. Người dân tại thôn 4, xã Phước Thành, nghèo khó từ trước đến nay. Khi đưa vợ đi viện, trong túi anh trống rỗng. Bà con, hàng xóm, gom góp, nhét cho anh mượn 200 nghìn đồng.

Ông Hồ Văn Phúc, Chủ tịch UBND xã Phước Thành cho biết, gia đình anh Luông có hoàn cảnh khó khăn. Sau bão số 9, dù nhà bị hư hỏng, anh Luông vẫn theo các chiến sĩ trên địa bàn làm nhiệm vụ khắc phục hậu quả thiên tai.

Khi hay tin chị Phiêu bị động thai, anh Luông xin về để xem xét tình hình của vợ. Sau đó, anh cùng 30 thanh niên trong làng vượt rừng, khiêng chị Phiêu ra xã Phước Kim để đưa đưa lên trung tâm y tế huyện.

Rất tiếc, do đoạn đường xa, trơn trượt mưa gió, tình hình bệnh nặng nên thai nhi đã không giữ được.