Góc nhìn luật gia

Luật sư: Người chồng đánh đập, dìm vợ xuống nước ở Tây Ninh có thể bị truy tố về tội Giết người

Theo chuyên gia pháp lý, dựa vào đơn tố cáo và kết quả xác minh tình trạng sức khỏe của nạn nhân, cơ quan điều tra có thể truy cứu người chồng theo các tội danh phù hợp như Giết người, Hành hạ người khác, Cố ý gây thương tích.

Đoạn clip ghi lại cảnh chồng đánh vợ ngay giữa khu vui chơi dành cho trẻ em ở xã Suối Dây, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh xuất hiện ngày 15/9 khiến nhiều người phẫn nộ.

Trong clip, người chồng đẩy vợ xuống hồ nước rồi dùng sức ghì mạnh nạn nhân xuống nước nhiều lần. Thậm chí, người đàn ông này còn đưa tay bóp cổ vợ.

Hình ảnh người chồng đánh đập, dìm vợ xuống nước đang khiến dư luận bức xúc.

Sau một hồi giằng co, người vợ chạy thoát lên bờ nhưng vẫn bị người chồng tiếp tục chửi bới, tát thẳng vào mặt, dùng cùi chỏ đánh vào gáy nạn nhân trước sự chứng kiến của đứa con nhỏ.

Qua xác minh, Công an huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh xác định sự việc xảy ra vào tối 13/9.

Người có hành động bạo hành vợ là Phạm Chí Linh (SN 1986, quê Bình Dương). Còn nạn nhân là chị Trần Thị Tuyết M. (SN 1988, vợ của Linh).

Công an huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh đã phối hợp với VKSND cùng cấp để làm việc trực tiếp với Phạm Chí Linh và lấy lời khai của chị M..

Chia sẻ góc nhìn pháp lý về vụ việc này cùng với PV báo Người Đưa Tin là luật sư Đặng Văn Cường, văn phòng luật sư Chính Pháp, đoàn Luật sư TP.Hà Nội.

Thưa luật sư, ông đánh giá như thế nào về tính chất vụ việc chồng đánh đập, dìm nước vợ ở Tây Ninh đang khiến dư luận bức xúc?

Những vụ việc bạo hành, bạo lực gia đình ở Việt Nam diễn ra không ít, ngày nay nhiều người phụ nữ vẫn luôn phải chịu cảnh đánh đập, hành hạ từ chính người “đầu gối, tay ấp” với mình.

Vụ việc người đàn ông đánh vợ, quăng quật, bóp cổ, nhấn chìm vợ trong bể bơi, đánh đập tàn bạo trước mặt đứa con nhỏ... đang gây phẫn nộ trong cộng đồng xã hội bởi hành động vô cùng tàn nhẫn và hoàn toàn có thể gây thương tích, thậm chí thiệt mạng cho nạn nhân.

Dù nạn nhân không chết, thương tích có thể không lớn nhưng hành vi côn đồ đó sẽ tổn thương rất lớn về tâm lý và sức khỏe cho người phụ nữ bất hạnh này.

Hành vi này không chỉ đáng lên án mà còn đáng bị xử lý bằng các chế tài của pháp luật. Với hình ảnh, thông tin ở trên thì chắc chắn cơ quan điều tra sẽ vào cuộc, xác minh làm rõ nguyên nhân, động cơ và làm rõ hậu quả để có hình thức xử lý theo quy định pháp luật.

Luật sư Đặng Văn Cường, đoàn Luật sư TP.Hà Nội.

Qua hình ảnh của clip đang lan truyền, nhận định ban đầu của ông về những hành vi của người chồng là gì?

Hành vi bóp cổ, dìm xuống nước nhiều lần như vậy có thể dẫn đến thiệt mạng cho nạn nhân. Bởi vậy cơ quan điều tra sẽ làm rõ ý thức chủ quan của người đàn ông này về ý định giết vợ hay không.

Clip đăng tải chỉ là một phần của sự việc, cơ quan điều tra sẽ làm rõ nguyên nhân, động cơ, diễn biến và hậu quả.

Nếu có tài liệu chứng cứ, có căn cứ chứng minh rằng người đàn ông này có ý định giết người, việc nạn nhân không chết là nằm ngoài ý thức chủ quan của đối tượng thì có thể xem xét xử lý đối tượng này về tội Giết người (phạm tội chưa đạt) theo Điều 123 Bộ luật Hình sự kể cả trường hợp nạn nhân không thiệt mạng.

Việc điều tra theo quy định sẽ được tiến hành như thế nào và có thể truy cứu tội danh gì với người chồng, thưa luật sư?

Trong quá trình xác minh tin báo, cơ quan điều tra sẽ trưng cầu giám định thương tích đối với nạn nhân.

Trường hợp không chứng minh được hành vi có thể dẫn đến chết người, có mục đích giết người nhưng nạn nhân có thương tích thì vẫn có thể xử lý hình sự với đối tượng này về tội Cố ý gây thương tích theo quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017.

Trong trường hợp thương tích của nạn nhân không đủ để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Cố ý gây thương tích, đồng thời hành vi cũng không thỏa mãn dấu hiệu của tội Giết người thì vẫn có thể xem xét về tội Hành hạ người khác nếu đối tượng này thường xuyên đánh đập vợ mình một cách tàn nhẫn.

Đối tượng Phạm Chí Linh và người vợ bị bạo hành, chị Trần Thị Tuyết M..

Nhưng trong thực tế, các vụ việc tương tự khó được xử lý dứt điểm vì nạn nhân không làm đơn tố cáo. Ông có đánh giá như thế nào về trường hợp này?

Dù chế tài pháp luật xử lý với người chồng này có thế nào chăng nữa thì hành động đó cũng rất đáng lên án, thể hiện tính chất côn đồ cao độ, gây phẫn nộ cho nhiều người.

Hành vi không chỉ vi phạm pháp luật, xâm hại đến sức khỏe của người khác mà còn vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội, đạo nghĩa vợ chồng.

Bởi vậy, có lẽ người phụ nữ này nên đưa vụ việc ra pháp luật, không có gì đảm bảo rằng người đàn ông này sẽ bỏ thói côn đồ, sẽ có một tương lai hạnh phúc...

Trong trường hợp người phụ nữ không có đơn tố cáo thì với những thông tin công khai trên báo chí, mạng xã hội như vậy, cơ quan công an vẫn có thể vào cuộc xem xét xử lý theo quy định pháp luật.

Các tổ chức phòng chống bạo lực gia đình, bảo vệ phụ nữ trẻ em cũng cần phải lên tiếng đấu tranh để đưa người đàn ông này ra pháp luật, phải xử lý bằng các chế tài của pháp luật để răn đe chung cho xã hội.

Cảm ơn luật sư!