Sức khỏe

Ngực bị lở loét, chảy dịch hôi tanh vì bác sĩ dỏm bỏ quên gạc y tế

Miếng gạc bị bỏ quên là nguyên nhân gây nhiễm trùng và tích tụ ổ áp xe dịch mủ khổng lồ trong ngực nữ bệnh nhân 43 tuổi.

Cụ thể, theo tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Phan Tú Dung, Giám đốc Bệnh viện thẩm mỹ JW (TP.HCM), mới đây đơn vị đã phẫu thuật thành công cho một bệnh nhân bị tai biến sau phẫu thuật thẩm mỹ nâng ngực.

Bệnh nhân là chị T.T.N., 43 tuổi, ngụ Kiên Giang. Trước đó do không tự tin vào vòng 1, chị đã tìm đến một spa ở quận 7, TP.HCM. Tại đây chị lựa chọn dịch vụ "nâng cấp vòng một bằng túi ngực Nano Chip chính hãng, mức giá “siêu hời” 50 triệu đồng, chiết khấu 20%" .

Theo trình bày của chị N., chỉ một ngày sau phẫu thuật, chị bị đau nhức ngực âm ỉ, lan rộng khắp cả bầu ngực và qua hai vai. Khi liên hệ với phía spa, chủ spa cho biết đây là "triệu chứng bình thường".

Sau đó chị có đến spa thăm khám lại và được truyền kháng sinh hàng ngày trong suốt 1 tháng. Các nhân viên nơi đây trấn an "túi ngực chưa tương thích cơ thể". Tuy nhiên cứ hết thuốc chị lại đau đớn gấp bội kèm chảy dịch mủ từ lỗ thủng bên thành ngực.

Khi dịch mủ và lở loét ngày càng lan rộng, chị N. đến bệnh viện JW kiểm tra, siêu âm thì được bác sĩ cho biết ngực bên phải bị ứ dịch, viêm tụ mủ, kèm thủng lỗ sâu, vùng da rách toạc với lỗ thủng to diện tích 5 cm2.

Ngực phải của bệnh nhân bị nhiễm trùng nghiêm trọng, có lỗ thủng sâu.

Nhận định đây là trường hợp nhiễm trùng nghiêm trọng, các bác sĩ quyết định mổ khẩn cấp. Ca mổ kéo dài 3 tiếng đồng hồ. Lỗ thủng trên ngực liên tục chảy dịch vàng trộn lẫn máu mủ, thông vào bên trong khoang ngực khiến các bác sĩ gặp nhiều khó khăn trong quá trình bóc tách. Lúc này, các bác sĩ đã bất ngờ phát hiện một miếng gạc bị bỏ quên trong khoang ngực phải của người bệnh.

"Đây chính là nguyên nhân gây nhiễm trùng ngực và tích tụ ổ áp xe dịch mủ trong ngực bệnh nhân. Kíp mổ đã nhanh chóng tháo túi ngực cũ, kiểm tra kỹ khoang ngực để chắc chắn không còn dị vật nào sót lại. Đồng thời bơm rửa, cắt lọc mô hoại tử, khâu tạo hình khép lỗ thủng trên ngực phải để vừa đảm bảo an toàn vừa đảm bảo thẩm mỹ", bác sĩ Tú Dung cho biết.

Theo bác sĩ Dung, miếng gạc dính chặt vào các thớ cơ bên trong khoang ngực, hình thành ổ áp xe, khiến mủ dịch không ngừng tuôn trào, miệng vết mổ không thể lành, trở thành hố sâu trên ngực. Nếu không được xử trí kịp thời có thể gây nhiễm trùng huyết, nguy hiểm đến tính mạng.

Một bác sĩ tham gia ca mổ thông tin dòng túi ngực chị N. sử dụng là túi ngực xốp Polytech, có tính bám dính cao vào các mô cơ, dễ gây ra nhiễm trùng. Từ lâu, các chuyên gia đã khuyến cáo không nên dùng loại này.

"Bệnh nhân gặp biến chứng sau nâng ngực do người thực hiện không phải là bác sĩ được đào tạo chính quy, không biết về kỹ thuật, đặt sai vị trí túi ngực và bỏ quên gạc trong ngực bệnh nhân", bác sĩ Dung cho biết thêm.

Dự kiến chị N. sẽ phải truyền kháng sinh 1 một tuần để ngừa nhiễm trùng. Cần ít nhất 6 tháng để vết thương ổn định mới có thể tiếp tục tạo hình thẩm mỹ phần ngực.

Ngày 2/3, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM đã phối hợp Công an TP.HCM lấy thông tin từ bệnh nhân để vào cuộc điều tra vụ việc.

Minh Hoa (t/h)