Giáo dục

Ngóng chờ có môn học dạy về văn hoá, lịch sử Thủ đô

Các chuyên gia cho rằng, việc xây dựng môn Hà Nội học là phù hợp, giúp học sinh có thêm kiến thức về chính vùng đất mình sinh sống, học tập.

Nhằm đề cao giáo dục đạo đức, kỹ năng sống trong nhà trường, nâng cao chất lượng giáo dục lịch sử, văn hóa địa phương, hiện nay Hà Nội đang đề xuất nghiên cứu đưa môn Hà Nội học vào giảng dạy trong hệ thống các trường ở Thủ đô. Đây cũng là môn học được nhiều chuyên gia đề xuất trở thành môn giáo dục địa phương của Hà Nội nằm trong Chương trình GDPT 2018.

Về ý kiến này, chia sẻ với Người Đưa Tin, TS Nguyễn Văn Hoà - Chủ tịch Hội đồng Trường THCS&THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận Cầu Giấy, Tp.Hà Nội) bày tỏ: “Môn Giáo dục địa phương đã được nghiên cứu có chương trình và khung thời gian cụ thể, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có sách giáo khoa để triển khai đầy đủ đến tất cả các cấp học. Thành phố có đề xuất chủ trương đưa môn Hà Nội học vào giảng dạy chính thức là phù hợp, đáp ứng nhu cầu tất yếu”.

Các nhà trường hiện nay đối với môn Giáo dục địa phương vẫn chủ yếy dạy lồng ghép và dựa vào tài liệu chưa chính thống giáo duc địa phương, vì vậy ông Hoà cũng bày tỏ rất hoan nghênh và chờ đợi việc sớm có một nội dung chính thức, bài bản, đầy đủ để đưa vào giảng dạy học sinh.

Tuy nhiên, ông Hoà cũng cho rằng: “Vì là nội dung liên quan đến lịch sử và văn hoá của địa phương nên rất cần chú trọng, kỹ lưỡng, cần có những chuyên gia xây dựng nội dung phù hợp”.

TS Nguyễn Văn Hoà - Chủ tịch Hội đồng Trường THCS&THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Về đội ngũ giáo viên cho môn học này, đại diện Trường THCS&THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng cho rằng không quá lo lắng khi có thể phân công các thầy cô môn Lịch sử hoặc Địa lý giảng dạy, bởi giáo viên đã có kiến thức nền tảng chỉ cần nghiên cứu thêm đặc trưng của địa phương là có thể đứng lớp.

Cũng cho rằng nên sớm xây dựng môn học bài bản về giáo dục địa phương tuy nhiên GS.TS Phạm Tất Dong - Cố vấn của Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng cần xây dựng nội dung học phù hợp tránh đi sâu vào nghiên cứu gây khó khăn cho học sinh.

“Việc đưa nội dung tìm hiểu văn hoá địa phương đã được triển khai  từ lâu và được trở thành môn chính thức trong Chương trình GDPT 2018. Điều này được phụ huynh, học sinh rất hoan nghênh, thông qua đó giúp các em hiểu lịch sử, nguồn gốc chính nơi mình sinh ra và lớn lên, quê hương đất nước. Đây cũng tạo bản sắc riêng cho từng địa phương”, ông Phạm Tất Dong bày tỏ.

Tuy nhiên, chuyên gia băn khoăn “Hà Nội học” là một ngành khoa học nghiên cứu rất nhiều vấn đề vì vậy đối với học sinh nên chỉ gói gọn một nội dung cơ bản vấn văn hoá, lịch sử, địa lý phù hợp với các em chia làm các tiết.

"Không nên nâng tầm quá khó, nhiều khi học xa xôi quá không thiết thực cho học sinh”, ông Phạm Tất Dong nói thêm.

Trong Chương trình tổng thể Chương trình GDPT 2018 nêu rõ nội dung giáo dục của địa phương là những vấn đề cơ bản hoặc thời sự về văn hoá, lịch sử, địa lý, kinh tế, xã hội, môi trường, hướng nghiệp,... của địa phương bổ sung cho nội dung giáo dục bắt buộc chung thống nhất trong cả nước, nhằm trang bị cho học sinh những hiểu biết về nơi sinh sống, bồi dưỡng cho học sinh tình yêu quê hương, ý thức tìm hiểu và vận dụng những điều đã học để góp phần giải quyết những vấn đề của quê hương.

Ở cấp tiểu học, nội dung giáo dục của địa phương được tích hợp với Hoạt động trải nghiệm. Ở cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông, nội dung giáo dục của địa phương có vị trí tương đương các môn học khác.

Căn cứ chương trình giáo dục phổ thông, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, thẩm định, chỉnh sửa tài liệu về nội dung giáo dục của địa phương; chỉ đạo việc tổ chức biên soạn, thẩm định tài liệu về nội dung giáo dục của địa phương theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT và báo cáo để Bộ GD&ĐT phê duyệt.