Thể thao

Ngọn lửa Olympic Tokyo 2020 bắt đầu hành trình 121 ngày vòng quanh đất nước Mặt trời mọc

Trưa 20/3, chuyến bay chở ngọn lửa Olympic Tokyo 2020 từ Hy Lạp đã hạ cánh xuống sân bay Matsushima, Nhật Bản, bắt đầu hành trình 121 ngày vòng quanh đất nước trước lễ khai mạc.

Ngọn đuốc lắp đặt tại sân vận động có chiều cao 1,5 m, nặng 200kg, được thắp sáng bằng gas LP trong suốt thời gian của Thế vận hội. Nguyên liệu làm đuốc có 30% từ nhôm. Ngọn đuốc này sẽ được sử dựng làm hiện vật triển lãm sau khi kết thúc Thế vận hội.

Trước đó, vào ngày 12/3, với thông điệp: "Hy vọng thắp sáng con đường của chúng ta", ngọn đuốc Olympic Tokyo 2020 được thắp lên tại khu vực thi đấu Olympic Hy Lạp cổ đại.

Trong trang phục nữ tư tế tối cao của buổi lễ, nữ diễn viên Hy Lạp Xanthi Georgiou đã thắp sáng ngọn đuốc Olympic từ những tia nắng Mặt Trời tại đền Hera cổ.

Đoàn diễu hành đã đi quanh thành phố Athens trong 7 ngày và chuyển giao cho Nhật vào ngày 19/3 tại sân vận động Panathenaic ở Athens.

Được biết, ngọn đuốc cao 71cm, được tạo hình với 5 cánh hoa anh đào - hình ảnh biểu tượng truyền thống của Nhật Bản sẽ được trưng bày cho công chúng chiêm ngưỡng tại những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề do thảm họa kép động đất-sóng thần năm 2011 trước khi hành trình rước đuốc kéo dài 121 ngày được bắt đầu từ ngày 26/3 tới tại Trung tâm huấn luyện bóng đá J-Village ở tỉnh Fukushima.

Cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) Thomas Bach cho biết các nhà tổ chức Olympic đã cam kết sẽ tổ chức Olympic Tokyo 2020, bất chấp lo ngại dịch bệnh Covid-19 gia tăng.

Theo kế hoạch, Olympic Tokyo 2020 sẽ diễn ra từ ngày 24/7 đến ngày 9/8. Trước đó, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga ngày 12/3 thông báo nước này không thay đổi kế hoạch tổ chức Olympic Tokyo 2020 vào tháng 7 tới.

Thế vận hội Olympic Tokyo 2020 diễn ra tại Nhật Bản được xem là sự kiện trang bị nhiều công nghệ tiên tiến nhất trong lịch sử các kỳ đại hội thể thao.

100% năng lượng sạch

Ban Tổ chức tính toán sử dụng 100% năng lượng sạch cho Olympic Tokyo 2020. Cụ thể là năng lượng điện gió và điện mặt trời sẽ được dùng để thắp sáng toàn bộ các sân vận động và khu vực làng vận động viên.

Huy chương làm từ vật liệu tái chế

Nhật Bản đã công bố mẫu huy chương độc đáo với thiết kế mới lạ, cùng với nguyên liệu chế tạo lấy từ các loại rác điện tử như điện thoại di động và máy tính xách tay cũ, hỏng. Huy chương có đường kính 8,5 cm, dày 12,1 mm.

Mặt trước được tạc hình nữ thần chiến thắng Nike trong thần thoại Hi Lạp. Hiện có hơn 80.000 điện thoại cũ được quyên góp để chế tạo khoảng 5.000 huy chương cho Olympic Tokyo 2020.

Những huy chương này sẽ được trao cho các vận động viên thắng cuộc trong kỳ thi Olympic và Paralympic khai mạc lần lượt vào tháng 7 và tháng 8 năm sau. Chủ nhân của ý tưởng thiết kế trên chính là anh Junichi Kawanishi.

Taxi không người lái

Hình ảnh chiếc ô tô không người lái được "book" bằng ứng dụng trên điện thoại thông minh.

Chỉ cần một chiếc smartphone là du khách tới xem Olympic Tokyo 2020 có thể sử dụng dịch vụ taxi tự lái, từ mở cửa cho tới thanh toán.

Những chiếc xe này còn được gọi là RoboCab, thử nghiệm lần đầu ở quận Kanagawa, phía Nam Tokyo. Nhật Bản kỳ vọng sẽ thương mại hóa rộng rãi vào năm sau.

Tuyến đường năng lượng mặt trời

Để đảm bảo nguồn điện từ năng lượng sạch, Nhật Bản đang lắp đặt các con đường năng lượng mặt trời ở Tokyo. Hiện đã có một số con đường được đưa vào thử nghiệm. Các tấm pin năng lượng mặt trời sẽ được đặt trên đường rồi phủ một lớp nhựa lên để xe cộ có thể lưu thông bình thường.

Nhân viên hướng dẫn là robot

Ban tổ chức Olympic 2020 sẽ bố trí các robot hình người tự động ở những khu vực công cộng hay đông người qua lại để làm nhiệm vụ phiên dịch, hỗ trợ các du khách nước ngoài tới Nhật Bản.

Đội quân robot làm nhiệm vụ phiên dịch và hỗ trợ du khách nước ngoài, người lớn tuổi và người khuyết tật tại Olympic Tokyo 2020.

Công nghệ nhận dạng khuôn mặt

Một công nghệ thú vị khác tại Olympic 2020 là hệ thống nhận diện khuôn mặt. Hệ thống có thể xác định hơn 300.000 người, bao gồm vận động viên, tình nguyện viên, giới truyền thông và các nhân viên khác.

Tại cổng sân vận động, công nghệ nhận diện khuôn mặt sẽ được dùng để xác định danh tính người ra vào. Camera có thể nhận diện nhiều người một lúc, khiến cho thủ tục bớt rườm rà và tiết kiệm thời gian hơn, cũng như an ninh được bảo đảm.

Mạng 5G

Công ty viễn thông Nhật Bản Docomo đã ký thỏa thuận với công ty Nokia của Phần Lan để cung cấp mạng cơ sở 5G cho thế vận hội.

Minh Anh (Tổng hợp)