Văn hoá

Ngôi nhà cổ độc đáo, mất đến 20 năm để xây dựng ở xứ Dừa

Con đường trải nhựa bằng phẳng dẫn chúng tôi vào ngôi nhà cổ Huỳnh Phủ, với kiến trúc thật độc đáo, khác biệt.

Dựng nhà mất 20 năm

Từ Tp.HCM đến huyện Thạnh Phú (tỉnh Bến Tre) khoảng 150km, ngày nay đoạn đường này dễ đi, mặc dù có đoạn đường từ Mỏ Cày Nam đến Thạnh Phú tương đối gồ ghề nhưng dễ lưu thông hơn so với trước đây rất nhiều.

Đến Thạnh Phú không khó khăn để tìm đến ngôi nhà cổ Huỳnh Phủ (Hương Liêm). Chúng tôi đã đến thăm nhiều nhà cổ khác nhau nhưng có một ấn tượng khác biệt khi đặt chân đến ngôi nhà cổ Huỳnh Phủ (ấp Khu Phố, xã Đại Điền, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre).

Bà Lê Thị Hai kể nhiều về quá trình xây dựng ngôi nhà trước khi dẫn chúng tôi tham quan.

Theo thông tin tại gia, đây là nhà của ông Huỳnh Ngọc Khiêm (1943 – 1927), tạo dựng cách đây hơn trăm năm, có diện tích xây dựng khoảng 500m2 trên khu đất rộng. Ông Khiêm là người miền Trung vào Nam lập nghiệp và sau đó phất lên giàu có, được xem là giàu bậc nhất ở vùng Cù Lao Minh và đất Bến Tre lúc bấy giờ.

Bức ảnh gia đình ông Khiêm (Hương Liêm) treo tại nhà cổ.

Dẫn chúng tôi tham quan và kiêm “thuyết minh viên”, bà Lê Thị Hai (vợ của chủ nhân đời thứ 6 của ngôi nhà) kể nhiều về việc quá trình xây dựng ngôi nhà cũng như việc đón khách du lịch tham quan đến đây.

Từ cột, khung, ô cửa... đều được chạm trổ tinh xảo, sắc nét.

Bà Hai chia sẻ: “Theo những người trước kể lại, sau thời gian làm ăn khấm khá lên, điền sản của ông Khiêm có tới khoảng 2.000 mẫu đất. Có tiền, ông tính toán xây dựng ngôi nhà như ngày nay. Ông Khiêm lặn lội ra tận miền Trung để mua gỗ, lựa chọn từng cây và thuê người chở vào Nam. Đó là khoảng năm 1844, nhưng phải mất 20 năm tạo dựng ngôi nhà, đến năm 1904 mới hoàn thành và tổ chức mừng tân gia”.

Cửa được thiết kế, chạm khắc độc đáo.

Thông tin trên cũng trùng khớp với bức hoành phi mừng tân gia họ Huỳnh của Tri huyện Bảo An Thái Hữu Võ tặng cho gia chủ, mừng tân gia vào năm Giáp Thìn (năm Giáp Thìn 1904).

Quan sát dễ thấy, ngôi nhà có kiến trúc xây dựng theo kiểu xuyên trính, hình chữ nhất, với ba gian hai chái và hai liễn đôi theo kiểu chái bắt vần với liễn.

Còn mái được lợp bằng ngói âm dương. Điều đặc biệt, trên từng miếng ngói đều có in hình ảnh sinh hoạt dân gian của người dân trồng lúa nước, như: bó lúa, chú mộc đồng chăn trâu, con gà… như những tác phẩm nghệ thuật hết sức sống động.

Góc thờ giữa nhà chính.

Bước vào bên trong, có hai hàng cột cái, gồm 8 cây đứng song song nhau. Các cột cái cao trên 5,5m, có chu vi 1,2m gắn kết với nhau theo từng cặp.

Tổng cộng ngôi nhà có 80 cây cột, trong đó 48 cột gỗ và 32 cột gạch (do quá trình tu sửa nhưng không nhớ vào năm nào). Nhà làm theo kiểu nhà rường của Huế.

Nhiều giai thoại gắn với ngôi nhà

Theo đặc trưng sông nước miền Tây, ngôi nhà được xây dựng trên nền cao 0,7 m và xung quanh được gia cố kè bằng đá xanh chắc chắn.

Hiện nay, bên trong ngôi nhà đang lưu giữ hầu như nguyên vẹn các nội thất vốn có từ lúc xây dựng như: bộ phản, giường gỗ, các cột – cửa khảm mộc tinh xảo, tủ - bàn - ghế, lư đồng… vẫn còn nguyên vẹn. Hầu hết các tác phẩm nghệ thuật điêu khắc tại ngôi nhà này đều do thợ từ Huế vào chạm trổ, điêu khắc hết sức tinh xảo.

Nhiều giai thoại cũng gắn liền với ngôi nhà này, đặc biệt là thời gian xây dựng dài kỷ lục, tới 20 năm. Ví như, ngôi nhà làm lâu đến mức người thợ dựng nhà lúc còn bé, khi lớn lên, ông Khiêm đứng ra tìm vợ và cưới cho, rồi sinh con mà ngôi nhà vẫn chưa hoàn thành.

Hay lúc khởi công xây nhà, người thợ ăn bưởi, vứt hạt quanh vườn, rồi chúng nảy mầm thành cây, cho trái chín mà ngôi nhà vẫn chưa xây xong…

Đến nay không ai biết chính xác, ông Khiêm đã bỏ ra bao nhiêu tiền để xây dựng ngôi nhà độc đáo này trong khoảng thời gian tới 20 năm.

Một số nơi được khảm trai theo mô tuýp xưa.

Mỗi viên ngói đều có hình riêng biệt, hết sức thú vị.

Nhà cổ Huỳnh Phủ đang là một trong những điểm đến tham quan của huyện Thạnh Phú nói riêng và tỉnh Bến Tre nói chung, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước ghé thăm.

Đặc biệt, ngoài kiến trúc và đồ trang trí nội thất độc đáo, ngôi nhà này còn có vườn nho ở phía sau, khiến ai đến cũng ngạc nhiên.

Một góc ngôi nhà nhìn từ bên ngoài.

Vườn nho này có diện tích khoảng 500m2 với hơn 100 gốc nho, như: nho sữa, nho ngón tay và có cả táo xanh.

Nếu có dịp đến Thành Phú, du khách cũng có thể tham quan thêm Điểm xuất quân của tiểu đoàn 307, biển Thạnh Phú, các khu rừng ngặp mặn…

Nhìn từ bên ngoài, ai cùng ấn tượng với kiến trúc của nhà cổ Huỳnh Phủ.

Nhà cổ Huỳnh Phủ hiện do ông Huỳnh Ngọc Thu và vợ (cháu đời thứ 6 của chủ nhân ngôi nhà) quản lý, quét dọn, thờ cúng…. Năm 2011, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng nhà cổ Huỳnh Phủ và khu mộ ông là di tích cấp Quốc gia.