Dân sinh

Ngôi làng "cô độc" giữa rừng xanh

Ngôi làng nằm ở chốn “thâm sơn cùng cốc”. Trải qua bao thế hệ, người dân nơi đây quen với cuộc sống bình dị, không điện, không sóng điện thoại.

Ngôi làng "nhiều không"

Cách trung tâm Tp.Kon Tum, tỉnh Kon Tum khoảng 300 km, có một ngôi làng nằm lọt thỏm giữa những cánh rừng đại ngàn.  

Đã bao thế hệ trôi qua, người làng đến nay có hơn 1.000 nhân khẩu với 238 hộ dân vẫn trải qua cuộc sống đơn sơ, bình dị, không có đường điện thắp sáng, không có trường học, không sóng điện thoại và gần như tách biệt với thế giới bên ngoài.

Điều lạ ngôi làng tọa lạc tại địa giới hành chính của xã Đăk Nên, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum nhưng người dân lại mang hộ khẩu thường trú của tỉnh Quảng Nam.

Cũng chính vì sự nhập nhằng này cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn, cơ sở vật chất chưa được đầu tư, thiếu thốn nhiều mặt.

Để đến được ngôi làng nhiều không này, chúng tôi phải băng cắt qua nhiều cánh rừng nguyên sinh, di chuyển nhiều giờ liên tục mới tìm được đường vào làng.

Đa phần người dân sinh sống tại đây chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số Ca Dong và Xơ Đăng.

Nhiều năm qua, làng biệt lập như một ốc đảo giữa đại ngàn, cách biệt với thế giới bên ngoài. Những nóc nhà cứ thế mọc lên san sát nhau.

Để có ánh sáng, bà con dùng máy phát điện nhờ sức nước hoặc năng lượng mặt trời. Khi cần gọi điện thoại, người dân phải chạy lên đỉnh núi cao mới bắt được sóng, dù vậy vẫn chập chờn lúc được lúc mất.

Anh Hồ Văn Linh cùng gia đình đã sống ở làng nhiều thế hệ, dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng anh vẫn luôn muốn gắn bó với nơi mình sinh ra và lớn lên.

Anh Hồ Văn Linh, trú ở thôn 3, xã Đăk Nên chia sẻ: “Gia đình tôi đã sinh sống ở đây đã qua nhiều thế hệ. Người dân ở đây bao năm qua, vẫn sống cảnh không điện, không sóng điện thoại, nếu muốn liên lạc phải lên đồi núi cao.

Ngày trước, để phục vục việc sinh hoạt, ăn uống đi lại khi trời tối mỗi người đều trang bị cho cá nhân mình một chiếc đèn pin đội trên đầu. Cuộc sống ngày càng phát triển hơn, đến nay gia đình nào có điều kiện hơn thì trang bị máy phát điện".

Tương tự, chị Hồ Thị Ly cũng sinh ra, lớn lên và lập gia đình ở vùng đất này.

Chị Ly nói: “Bố mẹ tôi sinh sống ở đây lâu lắm rồi. Tôi cũng sinh ra và lớn lên ở vùng đất này. Ở đây cuộc sống khó khăn lắm, nếu bà con muốn đi chợ phải xuống Quảng Nam. Tuy nhiên, đường sá cũng xa xôi gập ghềnh, trắc trở lắm. Vì nhà không có đất sản xuất nên để có tiền trang trải cuộc sống hằng ngày, chồng tôi phải đi bốc (công việc bốc vá - PV) mì xuyên đêm, suốt sáng hoặc đi làm công”.

Tạo điều kiện để người dân phát triển cuộc sống

Cũng bởi sự nhập nhằng cư dân của địa phương này nhưng lại sinh sống tại địa phương khác, khiến bà con gặp rất nhiều khó khăn về thủ tục hành chính, chưa được đầu tư về cơ sở vật chất hạ tầng.

Dù cuộc sống gặp nhiều khó khăn, cơ sở vật chất thiếu thốn nhưng hầu hết người dân mong muốn được gắn bó với đồi núi nơi đây.

Vì sống trong cảnh khó khăn, thiếu thốn nên lâu dần người dân nơi đây chỉ biết trỉa lúa trên các sườn núi hoặc trồng bắp và mì theo lối tự cung tự cấp.

Mặc dù cuộc sống khó khăn là vậy, song các hộ dân nơi đây đều không muốn di dời đi chỗ khác. Người dân mong muốn chính quyền địa phương có thể tạo điều kiện để người dân được cấp sổ đỏ, hướng dẫn bà con vay vốn, phát triển kinh tế.

Ở làng này có một phòng học dành cho cấp bậc mầm non được xây dựng tạm bợ, cạnh đó là 2 phòng học lớp 1 và lớp 2.

Các giáo viên dạy học ở thôn 3, xã Đăk Nên đều được điều động từ xã Trà Vinh, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam lên đứng lớp. Từ lớp 3 trở lên, các học sinh trong làng phải vượt hơn 10km đường rừng đến xã Trà Vinh để học.

Mỗi khi ốm đau, bệnh tật nặng, người dân phải dùng xe máy chở người bệnh xuống Trạm y tế xã Trà Vinh để chữa trị.

Người dân nơi đây hằng  ngày vẫn trải qua cuộc sống bình dị, an yên.

Ông Phạm Thanh Nam, Chủ tịch UBND xã Đăk Nên cho biết: “Hiện có 238 hộ với hơn 1.000 nhân khẩu thuộc xã Trà Vinh đang sinh sống, canh tác trên địa bàn xã Đăk Nên. Việc này gây khó khăn cho cả 2 tỉnh trong việc quản lý dân cư, đầu tư phát triển hạ tầng, phục vụ dân sinh. Thời gian qua, 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Nam đã tổ chức nhiều cuộc họp để có phương án hỗ trợ, tháo gỡ những vướng mắc ở khu vực dân cư này”.

UBND huyện Kon Plông cũng đã có báo cáo gửi Sở Nội vụ tỉnh Kon Tum. Theo đó quan điểm của huyện là giữ nguyên hiện trạng đường địa giới hành chính giữa xã Đăk Nên, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum và xã Trà Vinh, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam theo đúng hồ sơ đã được xác lập tại Chỉ thị số 364-CT của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.

Đồng thời, huyện Kon Plông cũng đang lên kế hoạch làm việc và họp dân lấy ý kiến để đầu tư cơ sở hạ tầng; tạo mọi điều kiện thuận lợi cho bà con yên tâm phát triển kinh tế.