Sức khỏe

Ngồi chơi cùng rắn học trò bé 3 tuổi bị cắn tử vong

Ông ngoại mua rắn học trò về nuôi, cháu bé 3 tuổi chơi cùng thì bị rắn cắn dẫn tới rối loạn đông máu nặng và không qua khỏi.

Theo Vietnamnet, BS.CKII Đinh Tấn Phương, Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 1 (Tp.HCM) cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận bé trai hơn 3 tuổi, cư trú huyện Củ Chi bị rắn học trò cắn.

Bác sĩ Phương cho biết, ông ngoại bệnh nhi nuôi một con rắn học trò đã cắt hết răng. Sau đó, ông cho cháu chơi với rắn thì không may bé bị rắn cắn.

Mặc dù cháu bé nhập viện trong trạng thái tỉnh táo tươi cười và có thể ngồi chơi với người nhà và các y bác sĩ. Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm cho thấy, bé bị rối loạn đông máu rất nặng.

Cũng theo bác sĩ Phương, hiện nay chưa có huyết thanh để giải độc của rắn học trò, vì vậy các bác sĩ dùng huyết tương tươi truyền cho bệnh nhi, hy vọng có thể kéo dài khoảng hơn một tuần để nọc đọc rắn tự bán hủy, cơ thể sẽ phục hồi. Tuy nhiên, vết cắn sâu khiến nọc độc rắn nhiều, bệnh nhi không đáp ứng được điều trị, tình trạng nặng dần.

“Bệnh nhi tiểu ra máu, suy thận, chúng tôi phải lọc máu vẫn không khống chế được nọc độc phát tán. Bé bị suy tim, suy đa tạng và tử vong. Chúng tôi rất đau lòng”, bác sĩ Phương chia sẻ.

Rắn hoa cổ đỏ hay rắn học trò có màu sắc rất đẹp và nhưng cực độc mà nhiều người không biết chọn như một thú vui là điều rất đáng lo ngại.

Trước đó, hồi tháng 4 bệnh viện cũng điều trị cho một bé 15 tháng tuổi, quê Tiền Giang bị rắn cắn. Sau hai ngày điều trị, bệnh nhi tử vong.

Thông tin trên Người Lao Động, rắn học trò thuộc dòng rắn nước nhưng cư trú trên bờ. Nó có nhiều tên như: Rắn hổ lửa, rắn cổ hoa cổ đỏ, rắn bảy màu, nữ hoàng bóng đêm... Loại rắn này có đầu màu xanh ô liu, cổ đỏ, thân mình nhiều hoa văn đen, xanh, rất đẹp và nguy hiểm nhất là một số người vẫn tưởng nó không độc, thậm chí nuôi chơi.

Đây là loại rắn rất đặc biệt, vì 10 người bị cắn thì chỉ có 3 người nhiễm độc, 7 người không có triệu chứng gì nên mới tưởng không độc. Nguyên nhân là do con rắn này không tự sinh ra nọc độc mà tổng hợp chất độc từ những thứ nó ăn, nên những con ăn nhiều động vật độc thường có độc tính cao hơn.

Những con rắn độc khác có móc độc giống như 2 răng nanh, khi cắn thì móc độc này sẽ bơm chất độc vào vật bị cắn. Còn rắn hoa cổ đỏ, móc độc nằm ở trong cùng. Nếu chúng chỉ cắn sơ răng bên ngoài thì không có độc; nếu nó cắn bằng răng trong cùng thì mới dính độc.

Các bước sơ cứu khi bị rắn cắn theo hướng dẫn của Bệnh viện Trung Ương Quân đội 108:

• Trấn an người bệnh.

• Không để bệnh nhân tự đi lại. Bất động chân, tay bị cắn bằng nẹp (vì vận động làm cho nọc độc xâm nhập vào trong cơ thể nhanh hơn).

• Cởi bỏ đồ trang sức ở chân, tay bị cắn (vì có thể gây chèn ép khi vùng đó bị sưng nề).

• Áp dụng biện pháp băng ép bất động với một số loại rắn hổ (rắn cạp nong, cạp nia, hổ mang chúa, rắn biển và một số giống rắn hổ mang thường), băng ép bất động để làm chậm sự xuất hiện triệu chứng liệt.

- Dùng các băng chun giãn, băng vải hoặc tự tạo từ khăn, quần áo. Băng tương đối chặt nhưng không quá mức (còn sờ thấy động mạch đập). Bắt đầu băng từ ngón chân, tay đến hết toàn bộ chân, tay bị cắn. Dùng nẹp cứng (nẹp, miếng gỗ, que, miếng bìa cứng,...) cố định chân, tay bị cắn.

- Không băng ép khi rắn lục cắn vì có thể làm vết thương nặng thêm.

• Có thể chích nặn rửa vết cắn dưới bòi nước sạch với xà phòng rồi sát trùng.

• Nếu bệnh nhân khó thở thì hô hấp nhân tạo (hà hơi thổi ngạt hoặc bằng phương tiện y tế có tại chỗ như bóp bóng, máy thở xách tay,..). Nếu có dấu hiệu ngừng tuần hoàn thì tiến hành hồi sinh tổng hợp ngay tại chỗ và chờ nhân viên y tế đến.

• Vận chuyển bệnh nhân bằng phương tiện đến cơ sở y tế đồng thời duy trì băng ép, bất động, để vùng bị cắn thấp hơn vị trí của tim, nếu ở chân, tay thì có thể để thõng tay hoặc chân.…

• Chú ý: Bất cứ trường hợp nào bị rắn cắn, ngay cả khi xác định là rắn lành, đều cần xử trí và theo dõi tại bệnh viện như trường hợp rắn độc cắn, ít nhất trong 12 giờ đầu. Nếu trễ sau 24-48 giờ, kết quả điều trị rất kém hoặc không hiệu quả.

Trúc Chi (t/h)