Giáo dục

Ngỡ ngàng cách giải thích “đường lưỡi bò” xuất hiện trong giáo trình của nhà trường

“Giáo trình có bản đồ “đường lưỡi bò” trong giảng dạy tiếng Trung cho sinh viên của trường là do hình có mấy chấm li ti quá nhỏ lại mờ nên giảng viên khi dạy không phát hiện ra”, đại diện trường đại học Kinh doanh và Công nghệ nói.

Chiều 4/11, trao đổi với phóng viên báo Người Đưa Tin, Thạc sĩ Bùi Văn Thanh - Chủ nhiệm Khoa tiếng Trung - Nhật (trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội) cho hay, sau khi sự việc giáo trình giảng dạy tiếng giáo trình Đọc sơ cấp 1 "Developing Chinese" có in hình bản đồ "đường lưỡi bò", trong sáng và chiều nay (4/11) khoa đã có cuộc họp với lãnh đạo Nhà trường cũng như Hội đồng khoa học và đã có báo cáo cụ thể về vụ việc.

Cuốn giáo trình Đọc sơ cấp 1 "Developing Chinese" có in hình bản đồ "đường lưỡi bò" được đưa vào giảng dạy ở trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ từ đầu năm học 2019 - 2020.

Theo đó, ông Thanh cho biết: “Cuốn giáo trình này được Khoa trực tiếp mua về từ Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh (Trung Quốc). Việc áp dụng cuốn giáo trình này vào giảng dạy chỉ mới được thực hiện từ năm học 2019 - 2020.

Khi đưa sách về, giảng viên trong khoa cũng đã rà soát và tại cuộc họp hội đồng khoa học của Khoa lúc đó cũng đã duyệt qua cuốn sách vì nội dung và câu chữ không có vấn đề gì. Việc xuất hiện phần bản đồ có hình “đường lưỡi bò” nhưng vì hình quá nhỏ, có mấy chấm li ti vừa nhỏ lại mờ nên không phát hiện được”.

Nói về quy trình kiểm duyệt sách khi chọn là giáo trình chính thức cho sinh viên, chủ nhiệm Khoa tiếng Trung - Nhật cho biết: “Về quy trình đầu tiên sẽ là hội đồng khoa học của khoa xem xét, chọn lọc sau đó trình hội đồng khoa học của nhà trường kiểm duyệt một lần nữa rồi mới chọn làm giáo trình chính thức cho sinh viên”.

Trang 32 giáo trình Nghe sơ cấp 1 Developing Chinese cũng có "đường lưỡi bò" rất nhỏ.

“Chúng tôi chủ yếu tập trung vào nội dung còn hình ảnh thì không mấy chú trọng nên để xảy ra sơ suất. Việc cài cắm quá tinh vi nên thực sự khó có thể phát hiện. Bản đồ chỉ đưa vào giáo trình nhưng trong nội dung bài lại không đề cập gì đến”, ông Thanh thừa nhận.

Nói về việc thay thế giáo trình để giảng dạy, ông Thanh cho biết, sau khi Nhà trường thu hồi và hủy bỏ toàn bộ giáo trình có “đường lưỡi bò” thì Khoa đã thay thế loại giáo trình khác đưa vào giảng dạy.

Liên quan đến vụ việc, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, GS.TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch hội Khuyến học Việt Nam bày tỏ: “Giáo trình xuất hiện hình ảnh “đường lưỡi bò” do đơn vị nào cung cấp thì cần phải kỷ luật, đóng cửa. Một quyển giáo trình để hình ảnh mang thông tin như vậy mà đưa vào công khai giảng dạy thì không thể không xử lý.

Trường đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội chọn giáo trình giảng dạy như vậy là quá nguy hiểm. Đầu tiên phải đưa ra “khảo” tổ chuyên môn trước, kiểm duyệt giáo trình ra sao mà lại để lọt vào chương trình giảng dạy cho biết bao sinh viên. Tường đại học có tự chủ cũng không thể vô Chính phủ như vậy. Vì vậy phải kỷ luật nặng. Đây là vấn đề “sống còn”, không thể “lơ mơ” về chính trị”.