Giáo dục

Nghiên cứu trao đổi: “Đòn bẩy” giúp Việt Nam đi đầu trong kinh tế số

Trong những năm qua, đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp (GDNN) của nước ta bước đầu đã có những dấu ấn đáng ghi nhận.

Tuy nhiên, trước sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế số, Việt Nam cần sớm xây dựng chiến lược đổi mới, nâng cao chất lượng GDNN.

Có thể khẳng định, nền kinh tế số sẽ mở ra cơ hội to lớn cho Việt Nam phát triển và hội nhập quốc tế hiệu quả hơn. Kinh tế số sẽ làm thay đổi phương thức quản lý nhà nước, mô hình sản xuất kinh doanh, tiêu dùng và đời sống văn hóa, xã hội.

Bước vào nền kinh tế số, Việt Nam đang đứng trước những thời cơ và thách thức lớn, đòi hỏi phải tích cực, chủ động, chớp lấy thời cơ và khắc phục những khó khăn, thách thức để vươn lên. Chúng ta phải tích cực, chủ động ứng dụng công nghệ số, góp phần thực hiện sứ mệnh đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp phát triển, nền kinh tế Việt Nam bứt phá, phát triển nhanh, bền vững, bao trùm với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045.

Trả lời báo chí, ông Trương Anh Dũng – Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN cho biết: “Việt Nam hy vọng trở thành một trong 30 nước đứng đầu ở lĩnh vực kinh tế số. Chúng tôi cho rằng phải hành động hết sức khẩn trương nếu không sẽ bỏ lỡ cơ hội”.

Sebastian Paust – Tham tán phụ trách Phát triển, ĐSQ CHLB Đức tán thành với ý kiến này. Ông nói rõ thêm: “GDNN có thể giúp Việt Nam đi đầu trong lĩnh vực kinh tế số. Các doanh nghiệp số hoá sẽ góp tỉ trọng cao trong GDP của Việt Nam”.

Thực tế cho thấy, trong công cuộc kinh tế số, vai trò chủ động của doanh nghiệp là rất quan trọng. Vì vậy, cần hỗ trợ và phát huy nội lực của doanh nghiệp trong chuyển đổi số. Chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp trong nền kinh tế số phải toàn diện, cả về nhận thức, về con người và công nghệ, tổ chức quản lý... Theo đó, doanh nghiệp phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, bao gồm từ khảo sát, đánh giá hiện trạng của doanh nghiệp để xây dựng kế hoạch sản xuất thông minh với các chỉ số cụ thể; kế hoạch huy động, khai thác, bố trí, sử dụng các nguồn lực hợp lý cho chuyển đổi sang sản xuất số hóa. Thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp với một cơ cấu vận hành hiệu quả, linh hoạt, sáng tạo và chi phí rẻ. Nghiên cứu, hợp tác với các doanh nghiệp, các cơ sở nghiên cứu, các tổ chức ở trong và ngoài nước để kết nối, chia sẻ về các lĩnh vực liên quan đến phát triển doanh nghiệp số. Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, kết nối hệ thống sản xuất, kết nối sản phẩm với chuỗi cung ứng sản phẩm toàn cầu theo chuẩn chung của quốc gia, quốc tế.

Cần đổi mới toàn diện công tác dạy nghề để đáp ứng thị trường lao động chất lượng cao. Trong ảnh: Học viên thực hành nghề cơ điện tử tại Trường trung cấp Kỹ thuật công nghệ Hùng Vương - TP Hồ Chí Minh

Juergen Hartwig – Giám đốc Chương trình Đổi mới Đào tạo Nghề Việt Nam của Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ), cho biết: Về vấn đề hỗ trợ Việt Nam thực hiện quá trình chuyển đối số trong GDNN, GIZ dự kiến sẽ giúp Việt Nam rà soát, bổ sung và hoàn thiện hệ thống chính sách liên quan; nâng cao năng lực và khai thác hệ thống các cơ sở GDNN chất lượng cao để có thể nhân rộng năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý và đội ngũ cán bộ giảng dạy trong hệ thống; đẩy mạnh việc hợp tác với doanh nghiệp nói chung, đặc biệt là hợp tác với doanh nghiệp trong chủ đề chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp. GIZ mong muốn được hỗ trợ Việt Nam thiết lập các cơ chế hoạt động đối với hội đồng ngành, trong đó bao gồm đại diện của các cơ ban ngành, đại diện của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đại diện từ phía ngành công nghiệp, từ khối kinh tế.

Bà Regina Ecker – Giám đốc Quốc gia của Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ), nhấn mạnh: “Chuyển đổi số trước hết là con người chứ không phải là máy móc. Nhân tố con người quyết định nó thành công hay là lửng lơ ở giữa. Các chương trình đào tạo cần đưa thêm về kỹ năng mềm”.

Ông Nguyễn Hữu Hạnh – Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa, bộ Thông tin – Truyền thông cho biết, theo chỉ đạo của Chính phủ, bộ Thông tin Truyền thông đang phát triển nền tảng hỗ trợ dạy và học từ xa, ứng dụng triệt để công nghệ số trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập, số hóa tài liệu, giáo trình; xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến. Phát triển công nghệ phục vụ giáo dục, hướng tới đào tạo cá thể hóa 100% các cơ sở giáo dục triển khai công tác dạy và học từ xa, trong đó thử nghiệm chương trình đào tạo cho phép học sinh, sinh viên học trực tuyến tối thiểu 20% nội dung chương trình. Ứng dụng công nghệ số để giao bài tập về nhà và kiểm tra sự chuẩn bị của học sinh trước khi đến lớp học.

Liên quan đến chuyển đổi số, trong giai đoạn 2017 – 2020, Tổng cục GDNN đã triển khai nhiều hoạt động như: xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho chuyển đổi số; triển khai ứng dụng CNTT trong quản lý GDNN nhằm hiện đại hóa, đổi mới, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về GDNN; xây dựng hệ thống thông tin quản lý và cơ sở dữ liệu GDNN thông suốt từ Tổng cục GDNN đến Sở LĐ-TB&XH và đến cơ sở GDNN…

Về đào tạo trực tuyến trong GDNN, Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành Thông tư 33/2018 ngày 26/12/2018 quy định về đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng theo hình thức đào tạo từ xa, tự học tạo hành lang pháp lý cho đào tạo trực tuyến, đào tạo từ xa. Tới nay, khoảng hơn 60% các trường cao đẳng đã ứng dụng CNTT vào đào tạo trực tuyến trong một số mô đun/ môn học.

Một số cơ sở đã tiến hành giảng dạy trực tuyến qua các phần mềm tự xây dựng hoặc ứng dụng của bên thứ 3 cung cấp như Zoom, Microsoft Team… Các cơ sở GDNN đã từng bước áp dụng bài giảng số hóa và mô phỏng vào quá trình đào tạo. Gần 50% các Trường cao đẳng đã triển khai Thư viện điện tử, từng bước số hóa các chương trình giáo trình để làm nguồn học liệu, tài nguyên cho Thư viện.

Hiện, Tổng cục GDNN đang hoàn thiện Dự thảo Đề án “Thí điểm đào tạo, đào tạo lại nâng tầm kỹ năng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộcCách mạng công nghiệp lần thứ tư” để trình phê duyệt vào quý IV năm 2020 và đang xây dựng Đề án chuyển đổi số và dạy học trực tuyến trong GDNN, Đề án phát triển kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin cho lực lượng lao động, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2021.

Được biết, về định hướng đầu tư giai đoạn 2021 – 2025, Việt Nam sẽ thành lập Viện GDNN theo mô hình Viện BiBB của Đức, đầu tư mô hình đào tạo từ xa và hướng tới đầu tư các nghề kỹ thuật cao, thuộc xu hướng đón đầu trong tương lai như sản xuất robot, viết phần mềm…