Thế giới

Nghiên cứu mới: Trái Đất đã vượt qua giới hạn an toàn với con người

Nghiên cứu xác định các hoạt động của con người đã khiến 7/8 ranh giới vượt quá "giới hạn an toàn và đúng mức", đe dọa sức khỏe hành tinh và con người.

Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature hôm 31/5 đã xác định 8 ranh giới trong hệ thống Trái đất - được hình thành từ các quá trình phụ thuộc lẫn nhau để giữ cho hành tinh ổn định, gồm khí hậu, đa dạng sinh học, nước, hệ sinh thái tự nhiên, sử dụng đất, tác động của phân bón và phun thuốc trừ sâu...

Đánh giá của các nhà khoa học khẳng định hoạt động con người đã đẩy 7 ranh giới này vượt quá giới hạn an toàn, đe dọa nghiêm trọng đến hành tinh và con người.

Các nhà nghiên cứu truyền thống thường tập trung vào tác động của biến đổi khí hậu hoặc mất đa dạng sinh học, nhưng nhóm nghiên cứu của Ủy ban Trái Đất đánh dấu nỗ lực xác định những giới hạn mà con người nếu vượt quá sẽ chịu tác hại đáng kể.

Ông Johan Rockström, Giám đốc Viện nghiên cứu tác động khí hậu Potsdam (Đức) và là đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết “rất đáng lo ngại” khi hầu hết ranh giới đã bị vượt qua.

Điều này không chỉ gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan như sóng nhiệt, hạn hán và lũ lụt do biến đổi khí hậu mà còn dẫn tới nguy cơ an ninh lương thực không được đảm bảo, chất lượng nước xấu đi, nguồn nước ngầm cạn kiệt và các điều kiện sinh kế tồi tệ hơn, đặc biệt đối với các nhóm đa số dễ bị tổn thương trên thế giới.

Nghiên cứu nhận định giới hạn an toàn về sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu là 1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Tuy nhiên, nghiên cứu cho biết mức tăng nhiệt độ thực tế là 1,1 hoặc 1,2 độ C.

Theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, các chính phủ trên thế giới cam kết hạn chế mức tăng nhiệt độ Trái đất ở mức 2 độ C và lý tưởng là 1,5 độ C. Vượt qua mức tăng này sẽ tạo nên những thay đổi toàn cầu không thể đảo ngược.
Các nhà nghiên cứu của Ủy ban Trái đất cho biết với việc nhiệt độ toàn cầu tăng 1,5 độ C, hơn 200 triệu người sẽ phải chịu mức nhiệt độ trung bình hằng năm cao chưa từng có và hơn 500 triệu người có thể phải đối mặt với mực nước biển dâng.
Đồng thời, nghiên cứu đánh giá Trái Đất cần được các hệ sinh thái nguyên sinh bao phủ khoảng 50-60%. Dù vậy, hoạt động của con người đã khiến tỷ lệ thực tế giảm đến mức đáng báo động.
Ông Rockström cho biết các ranh giới của Trái Đất được nêu trong nghiên cứu “có liên kết với nhau”. Một ranh giới bị vượt qua giới hạn có thể gây tác động dây chuyền đến những ranh giới khác. Ông nhấn mạnh nếu muốn giải quyết khủng hoảng khí hậu, các ranh giới khác cũng cần được bảo vệ.
“Nếu muốn giải quyết khí hậu, chúng ta cũng cần các ranh giới còn nguyên vẹn. Khi đối mặt với một cuộc khủng hoảng khí hậu, chúng ta sẽ muốn một hành tinh khỏe mạnh. Nhưng chúng ta có một hành tinh yếu hơn bao giờ hết”, ông nói.
Nghiên cứu từ Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu năm nay cho thấy 1% dân số giàu nhất thế giới chịu trách nhiệm cho lượng khí thải CO2 gấp đôi so với 50% người nghèo nhất.

Minh Hoa (t/h theo Zing, TTXVN)