Tiêu dùng & Dư luận

Nghịch lý mua online - thanh toán tiền mặt: Gỡ rối từ niềm tin của người tiêu dùng

Chỉ 1/4 khách hàng đang mua hàng trực tuyến thực hiện trả tiền online, còn lại vẫn dùng tiền mặt. Đây được xem là thách thức không nhỏ trong chiến lược phát triển thương mại điện tử tại Việt Nam.

Sau khi diễn ra tại Hà Nội, diễn dàn Toàn cảnh Thương mại điện tử Việt Nam đã được tổ chức ở TP.HCM vừa qua. Trong đó, chủ đề được nhiều diễn giả, doanh nghiệp quan tâm là tăng cường thanh toán online cho thương mại điện tử.

Theo báo cáo của Google và Temasek, hiện chỉ có 25% số người tiêu dùng Việt Nam chọn thanh toán online khi mua hàng trực tuyến, còn lại 75% vẫn sử dụng hình thức COD (trả bằng tiền mặt khi nhận hàng). Hình thức thanh toán bằng tiền mặt tuy mang lại cảm giác bảo đảm cho người mua nhưng lại tồn tại nhiều nguy cơ cho các doanh nghiệp thương mại điện tử.

Các diễn giả là doanh nhân, nhà nghiên cứu thị trường, cán bộ quản lý Nhà nước đã đóng góp, trao đổi tại chương trình. (Ảnh: Hà Nhân).

Bà Lê Thị Diễm Phương, Trưởng phòng Cao cấp khối SME, ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đánh giá: “Điều này là thách thức cho cả người mua lẫn người bán hàng. Trong hoạt động thương mại điện tử thường ngày, người bán muốn nhận tiền càng nhanh càng tốt nhưng người mua lại muốn trả tiền càng chậm càng tốt. Chính vì 2 bên có quan điểm khác nhau nên việc đưa ra các giải pháp có sự kết hợp công nghệ và tài chính là rất cần thiết”.

Đại diện của VPBank cũng nhận định, tâm lý của người tiêu dùng là e ngại điều mới mẻ. “Nhưng tôi khẳng định rằng, tỉ lệ gian lận thanh toán online hoặc qua thẻ ngân hàng chỉ chiếm 0,06%. Số liệu này nói lên rằng, các ngân hàng luôn tuân theo quy tắc bảo mật cao nhất có thể và luôn hướng dẫn, khuyến cáo khách hàng bảo mật".

“Chúng ta không thể nói thanh toán bằng tiền mặt thì không có rủi ro. Vì thế, thanh toán bằng thẻ sẽ an toàn hơn. Nếu thanh toán bằng tiền mặt, khách hàng sẽ khó khăn để nhận lại tiền khi đổi trả hàng không vừa ý. Vì thế, thanh toán online vẫn đảm bảo hệ thống ngân hàng sẽ chứng minh được tiền của khách hàng đã được chuyển đi, thuận lợi hơn rất nhiều”, bà Diễm Phương nói.

Đồng quan điểm, ông Đỗ Hữu Hưng, CEO Accesstrade Việt Nam cho biết: “Hiện nay có rất nhiều công cụ để người mua thanh toán online. Tuy nhiên, việc thay đổi hành vi của người tiêu dùng phải tùy vào doanh nghiệp có sẵn sàng chiết khấu để thu hút người mua thanh toán online hay không?”.

Ông Simon Wintels, chuyên viên của tập đoàn tư vấn McKinsey & Company cho biết: “Các công nghệ thanh toán trực tuyến đã có sẵn. Vấn đề bây giờ là hướng dẫn và xây dựng lòng tin cho người tiêu dùng”.

Về phía quản lý Nhà nước, ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng cục Thương mại điện tử và kinh tế số (bộ Công Thương) chia sẻ: “Với sự phát triển nhanh chóng và tích cực của thương mại điện tử Việt Nam trong những năm gần đây, chúng ta sẽ có chính sách tổng thể cho giai đoạn tiếp theo, từ năm 2021 – 2025. Trong các mục tiêu của chiến lược mới là xóa dần khoảng cách giữa các thành phố lớn và nông thôn, vùng sâu vùng xa. Đồng hành với cơ hội là thách thức khi chi phí vận chuyển, logistics sẽ tăng lên, yêu cầu quản trị của các doanh nghiệp phải gay gắt hơn”.

Việc hợp tác đưa sản phẩm từ dừa của Bến Tre lên sàn thương mại điện tử được kỳ vọng nâng cao phát triển đồng đều giữ các khu vực trong nước. (Ảnh: Hà Nhân).

Cũng tại diễn dàn Toàn cảnh Thương mại điện tử Việt Nam, hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) công bố chương trình Ngày của làng dừa Bến Tre. Đây là dự án đầu tiên của chương trình phát triển thương mại điện tử bền vững của VECOM nhằm đưa sản phẩm bản địa lên sàn thương mại điện tử.

Sau làng dừa Bến Tre, VECOM đang dự định kết nối và thúc đẩy để sản phẩm từ các làng nghệ truyền thống khác như cà phê của Buôn Mê Thuột, thổ cẩm từ Hà Giang, tre của Thanh Hóa,... lên các sàn thương mại điện tử uy tín.

Hiệp hội cũng nhận định, năm 2019 là thời điểm bản lề của các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước, các hiệp định giao thương được ký kết và sự trưởng thành của công nghệ hỗ trợ kinh doanh trực tuyến. Đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp tiến lên bước mở rộng quy mô, tiếp cận khách hàng cả nước, hoặc khách hàng toàn cầu.

Thị trường thương mại điện tử của Việt Nam đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á với quy mô 2,8 tỷ USD. Theo dự đoán, đến 2025, quy mô lĩnh vực thương mại điện tử của Việt Nam có thể vượt Thái Lan và xếp thứ 2 trong khu vực với quy mô 15 tỷ USD.

Theo các thống kê do iPrice thực hiện, các sàn thương mại điện tử trong nước như Tiki, Thegioididong và Sendo đã liên tục có những bước tiến đáng khích lệ trong năm 2018. Khi các công ty Việt Nam tiếp cận được các nguồn tài chính tốt thì sẽ có khả năng cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp nước ngoài như Lazada và Shopee.