Sự kiện

Nghịch lý kênh thủy lợi hàng chục tỷ đồng không dẫn được nước

Được đầu tư gần 14,9 tỷ đồng nhưng kênh thủy lợi Đ3 không dẫn nước được vào ruộng. Thậm chí, việc sạt lở nhiều vị trí gây nguy hiểm không ít cho người dân.

Kênh thủy lợi gần 15 tỷ đồng sâu hơn mặt ruộng

Mới đây, UBND xã Krông Búk, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk đã có báo cáo về tình hình tuyến kênh mương Đ3, thuộc dự án Hồ chứa nước Krông Búk Hạ.

Theo tìm hiểu, kênh Đ3 nói trên được đầu tư gần 14,9 tỷ đồng, có chiều dài khoảng 1,2km do UBND huyện Krông Pắk làm chủ đầu tư. Đến năm 2017 công trình thủy lợi này được nghiệm thu hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Nhiều vị trí, lòng kênh cỏ dại mọc um tùm.

Thế nhưng, theo báo cáo của UBND xã Krông Búk, kênh Đ3 được đầu tư từ năm 2012, đi qua địa bàn buôn Kla và Krai A (xã Krông Búk), gây ảnh hưởng đến 42 hộ dân. Phía cuối kênh là cánh đồng thôn 9, xã Krông Búk. Hiện nay, kênh Đ3 không phát huy được hiệu quả như thiết kế ban đầu.

Dẫn đến thực trạng trên, theo UBND xã Krông Búk, nguyên nhân do kênh Đ3 sâu hơn mặt ruộng nên không tưới được nước cho cánh đồng thôn 9.

Bên cạnh đó, kênh Đ3 sâu hơn mặt đất tự nhiên từ 1-10m. Thậm chí, một số đoạn bị sạt lở, bùn sụt lún làm tắc nghẽn kênh, không dẫn nước được đến cuối kênh và ảnh hưởng tới các hộ dân ở hai bên kênh.

Nhiều vị trí sạt lở đã được gia cố, khắc phục.

Trước tình hình trên, UBND xã Krông Búk báo cáo cho Huyện ủy, UBND huyện Krông Pắk được biết và đưa ra phương án chỉ đạo các phòng, ban và các đơn vị liên quan tổ chức khắc phục.

Theo thống kê, hiện 2 bên bờ kênh Đ3 có 6 điểm bị sạt lở nghiêm trọng. Thời qian qua, tỉnh Đắk Lắk đã hỗ trợ 850 triệu đồng, giao cho UBND xã Krông Búk làm chủ đầu tư để khắc phục sự cố.

Dân dở khóc dở cười

Theo ghi nhận thực tế, nhiều vị trí trong lòng kênh Đ3 trơ đáy, cỏ dại mọc um tùm và không có nước.

Đáng nói, tại điểm cuối tuyến kênh Đ3 - cánh đồng thôn 9, rộng 65ha, xã Krông Búk, người dân địa phương phải đối diện với cảnh dở khóc dở cười vì mặt kênh dẫn nước thấp hơn mặt ruộng.

Tại khu vực thượng nguồn - nơi kênh Đ3 tiếp giáp kênh chính Đông (thuộc dự án Hồ chứa nước Krông Búk Hạ), lượng nước từ hồ chảy về rất lớn nhưng lại bị trào ngược khi chảy vào kênh Đ3. Tình trạng này xảy ra do là hệ thống cống kênh Đ3 bị tắc nghẽn.

Mặt nước kênh thấp hơn mặt ruộng khiến người dân gặp không ít khó khăn trong quá trình sản xuất.

Giải thích về vấn đề này, ông Phạm Ngọc Khương, 51 tuổi, trú thôn 9, xã Krông Búk cho biết, miệng cống của kênh dẫn nước sâu hơn mặt ruộng rất nhiều nên nước không thể dẫn vào ruộng.

“Kênh dẫn nước cống hộp quá sâu, mà hạ du cao hơn thượng nguồn. Hơn nữa, hệ thống kênh cống hộp làm không đảm bảo, bùn đất chảy vào gây tắc nghẽn. Vì vậy, dù hệ thống kênh chính nước rất dồi dào thì phía cuối kênh, nước vẫn không thể dẫn vào ruộng”, ông Khương bức xúc.

Cũng theo ông Khương, để phục vụ nhu cầu sản xuất, người dân chỉ còn cách lấy nước rỉ ra từ nhà dân và một tuyến kênh khác đưa vào ruộng. Thế nhưng, hiện tại nước không còn, ruộng đồng đã khô cạn, ảnh hưởng không ít đến việc sinh trưởng, phát triển của cây trồng.

Kênh Đ3 không phát huy được hiệu quả. 

Ông Nguyễn Hải Sâm, Chủ tịch UBND xã Krông Búk thông tin: “Từ khi xây dựng xong đến nay, kênh Đ3 không phát huy được hiệu quả. Do đó, người dân phải nhờ nguồn nước tự nhiên để sản xuất được 1 vụ, còn lại phải bơm nước ao, giếng lên ruộng để canh tác.

Đáng nói, có những vị trí, lòng kênh sâu hơn 10m, bờ kênh dốc, đứng. Trong khi đó, nhà dân ở sát ngay bên kênh nên tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm đến tính mạng của người dân. Hiện nay, xã đã khắc phục xong 6 điểm sạt lở trên tuyến kênh Đ3”.  

Trước tình hình trên, Văn phòng UBND huyện Krông Pắk cho biết, UBND huyện giao cho phòng chuyên môn kiểm tra hệ thống kênh Đ3.

Khánh Ngọc