Dân sinh

Nghịch lý dây điện chạy qua mái nhà nhưng vẫn không có điện sử dụng

Sau hơn 10 năm sống chung với cảnh không có diện, người dân làng Dao đã phản ánh đến cơ quan chức năng nhưng đến nay việc đấu nối điện vẫn chưa thể thực hiện.

Khốn khổ vì không có điện

Hơn 10 năm nay, người dân tại làng Dao (thuộc thôn Đức Bình, xã Đức Mạnh, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông) phải đối diện với không ít khó khăn, trở ngại chỉ vì không có điện sinh hoạt. 

Trao đổi về vấn đề này, anh Triệu Văn Thuận (SN 1993, trú tại làng Dao) cho biết, vào những năm 2007-2008, hàng chục hộ đồng bào người Dao sinh sống tại xã Thái Bình (huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn) di cư vào khu vực thôn Đức Bình, xã Đức Mạnh để sinh sống, làm ăn. Kể từ đó, làng Dao tại thôn Đức Bình được thành lập, đến nay trong làng có hơn 40 hộ, với gần 300 nhân khẩu.

Đường điện vào làng Dao đã thi công xong nhưng không thể đấu nối.

Anh Thuận cho hay, sau khi đến nơi ở mới, hàng chục hộ dân nói trên gặp rất nhiều khó khăn. “Làng Dao cách trung tâm xã, cũng như Quốc lộ 14 khoảng 8km nhưng việc đi lại của người dân gặp rất nhiều khó khăn vì đến nay đường dân sinh chỉ mới thi công điểm đầu và điểm cuối. Hơn nữa, kể từ ngày về đây sinh sống, người dân chúng tôi không có điện để sử dụng. Do đó, hầu như người dân phải sử dụng đèn dầu để thắp sáng vào ban đêm. Khoảng 2 năm trở lại đây, một số hộ trong làng có điều kiện nên mua bình ắc quy hoặc lắp đặt điện năng lượng mặt trời để thắp sáng và giải quyết nhu cầu khát điện. Tuy nhiên, việc sử dụng các thiết bị thắp sáng này cũng khiến cho người dâ gặp nhiều trở ngại”.

Theo ông Triệu Văn Hùng (SN 1976, trú tại làng Dao), chi phí cho việc lắp đặt điện năng lượng ít nhất là từ 4-5 triệu đồng nên không phải hộ nào cũng có điều kiện sử dụng. Đáng nói, vào những ngày mưa dầm thì điện năng lượng không thể tích điện nên người dân lại phải lọ mọ với ánh đèn dầu le lói. Bên cạnh đó, bình ắc quy cũng chỉ sử dụng được 1 năm thì phải thay bình với giá trên 2 triệu đồng/bình. “Mỗi tuần, chúng tôi phải mang bình ắc quy ra khu vực có điện cách làng khoảng 4km để sạc thì mới có điện sử dụng. Vì thế, hơn 10 năm nay, hầu hết trẻ trong làng phải thắp đèn dầu để học bài. Thế nhưng, chỉ cần có gió thổi vào thì đèn lại bị tắt hoặc đổ xuống và dễ xảy ra nguy cơ cháy các vật dụng trong nhà nếu không xử lý kịp” – ông Hùng nói.

Một hộ số dân làng Dao thắp sáng tạm bằng bình ắc quy nhưng cũng gặp nhiều bất tiện.

Không chỉ vậy, người dân làng Dao còn phản ánh, do không có điện bơm nước, không đào hay khoan được giếng nên hàng ngày hầu hết các hộ dân nơi đây phải ra ao, suối gần đó để xách nước về sinh hoạt. Bà Chìu Thị Tài (SN 1957, trú tại làng Dao) chia sẻ, dù biết nước ao, suối không đảm bảo an toàn vệ sinh nhưng hàng chục năm nay, chúng tôi phải sử dụng nguồn nước này để phục vụ sinh hoạt. Hàng ngày, các thành viên trong gia đình bà phải thay nhau ra ao cách đó khoảng vài chục mét để xách nước về ăn uống, tắm rửa, giặt giũ. 

Xuất phát từ những nhu cầu bức xúc nói trên, đến năm 2018 các ngành chức năng đã tổ chức dụng trụ, kéo điện và hạ thế 2 trạm vào khu vực làng Dao nhưng đến nay việc đấu nối vẫn chưa thể thực hiện. Chính vì vậy, dù đường điện đã chạy qua mái nhà nhưng người người dân làng Dao vẫn không có điện sử dụng.

Cơ quan chức năng nói gì?

Ông Hoàng Văn Thoại, Thôn trưởng thôn Đức Bình cho biết, làng Dao được thành lập hơn 10 năm nay. Việc không có điện không chỉ ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân, việc học tập của trẻ mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, văn hóa. Theo đó, người dân không được tiếp cận với thông tin đại chúng, khoa học kỹ thuật để học hỏi kinh nghiệm sản xuất, làm ăn kinh tế. Hơn nữa, công tác tuyên truyền của ban tự quản thôn đến làng Dao cũng gặp rất nhiều trở ngại. Mỗi khi cần tuyên truyền các chủ trương, chính sách của nhà nước hay các chỉ đạo của các cấp trên, chúng tôi chỉ có thể gọi cho một công an viên để báo lại cho bà con trong làng.

Đáng nói, việc không có điện, nước khiến cho công tác vệ sinh trong trường học tại làng Dao không được đảm bảo. Do đó, ban tự quản thôn và người dân làng Dao kiến nghị các cấp chính quyền nhanh chóng xem xét, tổ chức đấu nối đường điện và hoàn thiện đường dân sinh để phục vụ cuộc sống của người dân.

Theo ông Thái Quang Cường, Chủ tịch UBND xã Đức Mạnh, đã có rất nhiều cuộc họp bàn giải pháp cấp điện cho người dân nhưng đến nay vẫn đang giải quyết. Hiện đường điện đã đầu tư vào tận làng Dao, nhưng chưa thể đóng điện. Chính quyền địa phương rất trăn trở và mong làm sao có điện trong thời gian sớm nhất để bà con ổn định cuộc sống.

Do không có điện, nhiều trẻ ở làng Dao phải tranh thủ học ban ngày. 

Liên quan đến những phản ánh của người dân về hệ thống lưới điện làng Dao, UBND huyện Đắk Mil trả lời người dân với nộng dung: Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc giao tỉnh Đắk Nông, giai đoạn 2014-2020 tại 2 quyết định vào năm 2014 và 2017 do ban Quản lý dự án giao thông, dân dụng, công nghiệp tỉnh Đắk Nông làm chủ đầu tư. Hiện nay, đang triển khai đầu tư xây dựng để hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng.

Còn theo thông tin từ đơn vị chủ đầu tư là ban Quản lý dự án giao thông, dân dụng, công nghiệp tỉnh Đắk Nông, khu vực người dân phản ánh thuộc gói thầu xây lắp số 05XL, thi công và lắp đặt thiết bị điện tại Làng Dao (thôn Đức Bình, xã Đức Mạnh) có tổng mức đầu tư 4,3 tỷ đồng. Gói thầu thuộc dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện Quốc gia sử dụng vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2014-2020. Gói thầu được khởi công ngày 16/7/2019, dự kiến hoàn thành tháng 7/2020. Tuy nhiên, ngày 25/12/2019 khi khối lượng thi công đạt được 95% thì vướng mặt bằng bởi hai hộ dân không cho kéo đường dây điện qua đất, đòi tiền bồi thường, hỗ trợ. Ngoài ra, vị trí đấu nối được điện lực thỏa thuận (thuộc đường dây của mỏ đá Thạch Lợi quản lý, thôn Đức Bình, xã Đức Mạnh) không cho đấu nối vào. Sau đó, gói thầu đã được UBND tỉnh điều chỉnh thời gian thực hiện đến tháng 12/2020.

Hầu hết người dân làng Dao phải sử dụng nguồn nước ao, suối để sinh hoạt, ăn uống, tắm rửa. 

Ông Nguyễn Quang Tứ, Giám đốc ban Quản lý dự án giao thông, dân dụng, công nghiệp tỉnh Đắk Nông thông tin, hiện chủ đầu tư đang xin ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, để có giải pháp đấu nối điện cho người dân trong thời gian sớm nhất. Theo tiến độ, đến ngày 30/12/2020 phải xong.

Khánh Ngọc