Bình tĩnh sống

Nghĩ yêu lên và vui đời đi

Nhiều thông báo về số người có triệu chứng rối loạn cảm xúc lo âu tăng lên. Dịch bệnh càng kéo dài, giãn cách càng kéo dài thì việc ngày càng nhiều người rối loạn lo âu là chuyện đương nhiên.

Không được ra đường mua sắm xả xì trét, gặp bạn bè buôn chuyện quán xá xả xì trét, lượn phố thả lỏng tâm trí xả xì trét, đi du lịch xả xì trét… nên xì trét giờ đang vón cục trong lòng nhiều người. Thật khó để nói rằng thư giãn tâm trí đi, xem phim giải trí đi, nghe nhạc đi, đọc sách đi, nấu ăn đi… Khẩu vị trong việc xả xì trét của mỗi người mỗi khác. Có người cầm sách lên là xì trét, dán mắt vào phim ảnh một hồi cũng xì trét, nghĩ đến nấu ăn cũng xì trét. Thật khó khi dịch bệnh đã cướp đi của chúng ta nhiều quyền làm người vui vẻ.

Chúng ta lo âu ngoài việc phải nghe đủ thứ tin tức về dịch bệnh (mà không nghe thì không update được thông tin, không đọc được những thông tin quan trọng, hữu ích cho việc sinh tồn trong mùa dịch, kiến thức vẫn cần phải nạp để điều chỉnh hành vi, tránh bị gặp chuyện không đáng gặp như biến chủng Mu mới đáng sợ hơn biến chủng Delta, như cần thiết phải có những gì để ra đường sau khi hết giãn cách…). Rồi lo âu về tương lai công việc. Liệu doanh nghiệp, công ty của mình sẽ trụ lại không sau đợt dịch này, thu nhập có bị giảm không… Rồi lo âu cả con cái khi mà chúng giờ cũng chả khác gì chúng ta: Ngày cũng 8 tiếng ngồi nhìn máy tính- smartphone. Những tác động tiêu cực của việc ngồi nhìn màn hình thì ai cũng biết cả rồi. Một thế hệ sẽ sớm đeo kính nếu cứ ngồi học online mãi thế này. Là chưa kể hàng triệu đứa trẻ đang tuổi vận động, giao tiếp tự nhiên bó gối ngồi nhà. Những đứa trẻ dễ dàng hội nhập thì không sao nhưng sẽ bao nhiêu đứa trẻ sau Covid sẽ mất khả năng giao tiếp trực tiếp với bạn bè? Như các con tôi, nhập học cả tháng rồi vẫn chưa nhìn thấy bạn mới, vẫn chỉ mới nhìn thấy cái mặt bạn bè. Học online cũng không giao tiếp được cả lớp. Cha mẹ càng yêu con sẽ càng lo lắng hơn. Nhưng cũng chẳng tìm ra cách nào trong lúc này.

Muôn ngàn những nỗi lo mà thần kinh thép đến mấy cũng dần bị đuối. Nên mạng những ngày này, người ta dễ nổi giận hơn, dễ có cảm xúc tiêu cực hơn, dễ tấn công người khác hơn. Các màn bóc phốt, sao kê như thứ mồi ngon để mọi người nhảy vào xả xì trét cho chính bản thân họ chứ chẳng phải vì đó là thứ họ quan tâm. Giống kiểu nhét miệng vào hốc cây và rủa xả cho hết cơn ức chế. Chỉ tội cho những ai vô tình thành… hốc cây. Chỉ vì 1 comment trái chiều, ba đời bốn họ của bạn cũng sẽ bị ném đá đến chết mới thôi.

Vậy thì phải làm sao để thoát khỏi mớ bòng bong rối rắm gây hại cho cảm xúc, thâm tâm của mình thế này? Cởi bỏ lo âu không phải là mặc kệ nó, đừng nghĩ đến nó nữa. Bởi mặc kệ nó tức là nó vẫn nằm đó, giờ trước ta mặc kệ được nhưng giờ sau ta vẫn vấp phải nó, và sẽ lại càng lo âu hơn. Cởi bỏ lo âu đó là việc học cách chấp nhận những nỗi lo đó như một phần trong cuộc sống thời dịch. Đối diện nó không phải tìm ra mọi cách để giải quyết nó triệt để mà là tối ưu nhất có thể mà thôi. Giảm thiểu những tác động tiêu cực. Chấp nhận nó như một phần tiến trình của cuộc sống thời dịch. Học cách sống chung và cả việc sẵn sàng thua cuộc. Vui vẻ nhận thua không giúp thay đổi kết quả nhưng có thể cải thiện được cảm xúc, giúp cái thua không làm đau bạn.

Tất cả đều phụ thuộc vào việc quản lý cảm xúc bên trong bản thân mình. Bằng việc thay đổi góc nhìn và chấp nhận thực tế. Như bức tranh khi bạn nhìn một bức tranh mùa thu lá vàng rơi rụng vậy, cùng là lá rụng, bạn là người đang yêu bạn sẽ hân hoan vì nó lãng mạn. Nhưng nếu bạn là người quét rác, bạn sẽ tức điên lên vì lá rụng xóa đi bao công sức bạn vừa dọn xong. Là cách chúng ta lựa chọn mình là ai chứ đừng để hoàn cảnh đẩy bạn thành ai. Và kể cả nếu tôi là người quét rác, tôi sẽ vui vẻ chấp nhận việc lá rụng này, lên kế hoạch quét định kỳ thay vì mỗi lần lá rơi là lại cầm chổi chạy ra chỉ vì cái đầu luôn đóng đinh việc vỉa hè phải sạch thì làm gì mới làm được. Phỏng ạ!

Tháng 9 coi như sắp hết vì 21/9 mới biết Hà Nội có hết giãn cách không. Nhưng thay vì than thở: "Bao giờ cho đến tháng Mười?" Sao không sử dụng những ngày còn lại của tháng 9 theo cách nghĩ: Mình sẽ chuẩn bị gì cho tháng 10 và cho năm 2022 phía trước? Bởi Thủ Tướng bảo rồi: Phấn đấu năm 2022 Việt Nam sẽ bình thường Mới! Chuẩn bị cho 2022 sẽ tốt hơn là than thở về một năm 2021 tệ hại.

Hoàng Anh Tú