Quan điểm

Nghi vấn công ty Nhật hối lộ ở Bắc Ninh: Phải làm rốt ráo để trả lời dư luận

Liên quan đến thông tin đang gây xôn xao dư luận về nghi vấn công ty Tenma hối lộ cán bộ cục Thuế, cục Hải quan Bắc Ninh hơn 5 tỷ đồng để trốn thuế. Nhiều ĐBQH cho rằng cần phải điều tra, xác minh nếu đúng là sự thật cần xử lý nghiêm để tránh gây mất niềm tin.

Có hay không việc nhận hối lộ? 

Những ngày gần đây, một số hãng thông tấn, báo của Nhật Bản như Asahi, Kyodo, Nikkei... đã đưa tin Công ty TNHH Tenma Việt Nam (công ty mẹ tại Tokyo, Nhật Bản) đã khai báo 2 lần hối lộ tổng cộng 25 triệu yên cho một số cán bộ, công chức Việt Nam. Thông tin này nhanh chóng nhận được sự quan tâm của dư luận.

Trụ sở công ty Tenma Việt Nam tại Bắc Ninh.

Bàn về vấn đề này, trao đổi với PV tạp chí ĐS&PL, ĐBQH Bùi Văn Xuyền (đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình), Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, trước đây cũng đã xảy ra vụ việc cũng ảnh hưởng đến vấn đề thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt vốn ODA của Nhật.

Về nghi vấn công ty Nhật hối lộ cán bộ ở tỉnh Bắc Ninh, ông Xuyền cho rằng đây mới chỉ là thông tin một chiều chưa chính thức: “Các cơ quan chức năng của Việt Nam cần phải vào cuộc, có thông tin trả lời chính xác, đầy đủ các vấn đề nghi vấn đặt ra. Theo tôi được biết, các cơ quan ở Bắc Ninh, cục Thuế, cục Hải quan tỉnh Bắc Ninh đã vào cuộc, có giải trình. Nhưng, hiện nay thông tin này mới chỉ một chiều, chưa chính thức về mặt ngoại giao từ kênh các cơ quan chức năng của Nhật Bản. Phải có ý kiến chính thức, từ đó cơ quan chức năng mới có cơ sở vào cuộc, điều tra xác minh”.

Ông Xuyền nhấn mạnh thêm: “Phải làm công khai để dư luận thấy rằng Nhà nước minh bạch, thể hiện thái độ xử lý rất kiên quyết, triệt để đối với tiêu cực trong đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài. Để tạo nên niềm tin cho người dân, đồng thời cũng thể hiện trách nhiệm của Nhà nước đối với việc này. Các cơ quan chức năng có trách nhiệm từ cấp tỉnh, Trung ương, bộ Công an cũng cần có ý kiến cụ thể, trả lời cho dư luận. Nếu không có trả lời rõ ràng sẽ dẫn đến dư luận hoài nghi, ảnh hưởng xấu đến việc đầu tư không chỉ ở Nhật mà còn các nước khác khi đầu tư vào Việt Nam nhìn vào vụ việc cụ thể đã nêu ở trên”.

Có thể xử lý hình sự ở mức cao nhất

Trao đổi với PV, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng văn phòng luật sư Kết Nối (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho rằng nếu sự việc được xác minh đúng như báo chí và dư luận phản ánh thì sẽ bị xử lý ở khung hình phạt cao nhất.

Theo đó, luật sư Hùng cho hay, tội Đưa hối lộ và nhận hối lộ, người đưa hối lộ tự thành khẩn khai báo thì sẽ không bị truy cứ trách nhiệm hình sự, còn đối với người nhận sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Căn cứ vào Điều 354 bộ luật Hình sự về tội nhận hối lộ, nếu nhận trên 1 tỷ mức hình phạt lên đến tử hình.

Đại biểu Bùi Văn Xuyền lo ngại: “Vụ việc cụ thể này cũng cảnh báo một hiện tượng tiêu cực trong xử lý những vấn đề liên quan đến chính sách đầu tư, môi trường về thuế, về hải quan… chắc chắn ảnh hưởng không tốt đến môi trường kinh tế, nhất là thu hút đầu tư trong tình hình hiện nay”.

Vì vậy, theo ông, các cơ quan chức năng cần vào cuộc một cách rốt ráo, kiểm chứng thông tin, yêu cầu cơ quan liên quan như: Bộ ngoại giao, Nhật Bản, các công ty đối tác trả lời làm rõ vấn đề.

Bộ trưởng bộ Tài chính yêu cầu xác minh vụ việc

Bộ trưởng bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng yêu cầu Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan tự kiểm điểm, có báo cáo. Đồng thời, yêu cầu lập đoàn thanh tra công vụ tại cục Thuế tỉnh Bắc Ninh, cục Hải quan tỉnh Bắc Ninh và những cá nhân, tổ chức liên quan để làm rõ, công khai minh bạch và xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật, đồng thời báo cáo bộ Tài chính kết quả. Người đứng đầu bộ Tài chính cũng cho biết, sau khi thanh tra có kết quả sẽ công bố công khai, rõ ràng. Về mặt đối ngoại,  vấn đề này rất quan trọng tới việc đầu tư môi trường kinh doanh, còn về mặt đối nội phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng.

Trả lời trên báo chí, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, Nguyễn Hương Giang cho biết đã đề nghị công an tỉnh này vào cuộc, kiểm tra về nghi vấn công ty TNHH Tenma Việt Nam (công ty mẹ tại Tokyo, Nhật Bản) hối lộ tổng cộng 25 triệu Yên (hơn 5 tỷ đồng) cho một số cán bộ, công chức Việt Nam. Nếu có vi phạm, Chủ tịch này cho hay cũng sẽ xử lý nghiêm và công khai thông tin.

Sai phạm là phải xử lý

Đến năm 2014, sự việc chủ tịch Tập đoàn Tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) khai đưa hối lộ 80 triệu yên (khoảng hơn 16 tỷ đồng) cho cán bộ thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam một lần nữa nhận được sự quan tâm của dư luận.

Sau đó, cơ quan công an đã khởi tố, bắt tạm giam 4 cán bộ thuộc tổng công ty Đường sắt Việt Nam liên quan tới vụ án nhận hối lộ tại dự án đường sắt đô thị số 1. Trong 4 cán bộ này có ông Trần Quốc Đông - Phó Tổng giám đốc.

Ba cán bộ khác thuộc ban Quản lý các dự án đường sắt của tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng đã bị cơ quan công an bắt tạm giam phục vụ điều tra. Trong đó, có 2 Phó giám đốc ban Quản lý các dự án đường sắt là ông Phạm Quang Duy, Phạm Hải Bằng và ông Nguyễn Nam Thái - Trưởng phòng dự án 3.