Đa chiều

Nghĩ từ chuyện Việt Nam tiếp tục trúng cử vào Hội đồng nhân quyền LHQ

Hôm qua (11/10), Việt Nam đã lần thứ hai trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc sau cuộc bỏ phiếu của Đại hội đồng Liên hợp quốc tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York.

Đoàn Việt Nam tham dự phiên họp bỏ phiếu và công bố kết quả thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025. Ảnh: Bộ ngoại giao

Đây là một sự kiện lớn cho thấy Việt Nam tiếp tục là một quốc gia uy tín, đáng tin cậy trong đánh giá của cộng đồng quốc tế. Đây cũng là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, là bước tiến mới trong nỗ lực triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng XIII và Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến 2030.

Trả lời phỏng vấn báo chí ngay sau khi công bố kết quả, Trưởng đoàn Việt Nam, Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu khẳng định kết quả này không chỉ cho thấy sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với thành tựu bảo đảm quyền con người của Việt Nam mà còn là thành quả từ sự chỉ đạo sát sao và tham gia trực tiếp của lãnh đạo cấp cao, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò của các cơ quan truyền thông, báo chí trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người. Đây cũng là minh chứng cho thấy vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được củng cố, nâng cao.

Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ, nhấn mạnh tầm quan trọng của Hội đồng nhân quyền LHQ và mức độ cạnh tranh cao giữa các nước ứng cử, nhất là trong nhóm châu Á - Thái Bình Dương.

Với cộng đồng quốc tế, nhiều năm qua, chúng ta tham gia vào nhiều hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; tham gia vào các hành động nhân đạo quốc tế như hỗ trợ tìm kiếm máy bay MH370 của Malaysia, tham gia hỗ trợ cải tạo, chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp ở nhiều quốc gia Châu Phi, tham gia vào nhiều hoạt động quốc tế chống thiên tai, dịch bệnh, chống biến đổi khí hậu ở tầm mức khu vực, v.v…

Không chỉ ở các hoạt động chính trị, thế giới có nhiều cách để ghi nhận Việt Nam như một quốc gia với một nền văn hóa có bản sắc riêng. Tháng trước, tháng 9/2022, một từ tiếng Việt đã được thêm vào từ điển Merriam-Webster của Mỹ. Đó là từ “bánh mì”. Cho những ai chưa biết thì từ điển Merriam-Webster là cuốn từ điển nổi tiếng của Mỹ được ông Noah Webster (1758–1843) cho ra đời lần đầu năm 1828. Đây là cơ sở quan trọng hình thành tiếng Anh – Mỹ. Qua thời gian, Webster đã trở thành một nhãn hiệu phổ biến của nhiều cuốn từ điển khác nhau.

Mục từ “bánh mì” mới được đưa vào từ điển Merriam-Webster được định nghĩa như là: "loại bánh có vị cay trong ẩm thực Việt Nam; một ổ bánh mì chia đôi thường có nhân thịt (thịt heo hoặc thịt gà) và các loại đồ chua (như cà rốt, củ cải), được trang trí bằng ngò và dưa leo".

Đây không phải lần đầu từ tiếng Việt “bánh mì” được đưa vào từ điển quốc tế. Nó từng được đưa vào từ điển Oxford từ năm 2011 như một danh từ riêng, được miêu tả là một món ăn nhẹ, bên trong kẹp một hoặc nhiều loại thịt, pate và rau củ như cà rốt, dưa chuột, rau mùi… và kèm gia vị như ớt, hạt tiêu.

Trên thực tế, có rất nhiều từ tiếng Việt từ chỗ được chuyển ngữ ngang hàng với ngôn ngữ bản địa đã dần dần có vị trí riêng như một danh từ được viết và phát âm theo đúng tiếng Việt. Ví dụ như các mục từ: “Phở”, “áo dài”, “nước mắm”…Không có một cách tiếp cận văn hóa Việt Nam nào tốt hơn là bắt đầu từ ngôn ngữ.

Trong sự kiện Việt Nam lần thứ hai trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, theo UN WebTV, Việt Nam nhận được 145 phiếu trên tổng số 189 phiếu, chiếm gần 80%, thuộc nhóm cao nhất. Các số liệu nói lên rất nhiều điều và tự nó biểu hiện được tính nghiêm túc, công bằng cũng như ghi nhận thực tế.

Cách đây nhiều năm, khi nhắc tới Việt Nam, nhiều người nước ngoài chỉ biết liên hệ với chiến thắng trong hai cuộc chiến chống thực dân Pháp và Mỹ, ngoài ra không có thêm thông tin nào khác. Ngày nay, trong bối cảnh thế giới phẳng, bằng nhiều cách, Việt Nam đã xuất hiện độc lập, như một dòng chảy có bản sắc riêng trong trong dòng chảy văn hóa toàn cầu.