Góc nhìn luật gia

Nghi phạm nghi “ngáo đá” sát hại nữ sinh lớp 9 ở Hải Phòng sẽ phải chịu mức án nào?

Những ngày gần đây, dư luận thành phố Cảng vô cùng phẫn nộ trước sự việc nghi phạm Nguyễn Sỹ Thắng dùng dao sát hại dã man một nữ sinh lớp 9 tại nhà. Theo người dân, Thắng có biểu hiện “ngáo đá” khi gây án. Theo quan điểm của luật sư, nghi phạm có thể phải chịu mức án cao nhất là tử hình.

Nguyễn Sỹ Thắng (SN 1994, trú tại thôn 3, xã Kiến Quốc, huyện Kiến Thụy, TP.Hải Phòng), nghi phạm sát hại nữ sinh P.T.M.M. (SN 2005, trú tại thôn 5, xã Kiến Quốc) tại nhà vào tối 25/3 đã bị các lực lượng Công an TP.Hải Phòng phối hợp với cục Cảnh sát Hình sự bắt giữ khi đang lần trốn tại thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh vào sáng 28/3.

Nguyễn Sỹ Thắng tại cơ quan công an.

Chiều cùng ngày, nghi phạm được dẫn giải về hiện trường để thực nghiệm lại quá trình gây án. Quá trình thực nghiệm, hung thủ diễn lại cảnh trèo qua tường, để vào nhà dùng dao sát hại nữ sinh M. Người dân địa phương cho hay hung thủ có biểu hiện “ngáo đá” khi gây án.

Để làm rõ tính chất pháp lý của vụ việc, cũng như mức án mà nghi phạm Nguyễn Sỹ Thắng phải chịu, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp (đoàn Luật sư TP.Hà Nội)

Theo luật sư Cường, đây là vụ án mạng quá đau lòng bởi nạn nhân vẫn còn quá trẻ và không có mâu thuẫn gì đối với nghi phạm gây án. Nguyên nhân nạn nhân bị sát hại theo nhận định là do nghi phạm “ngáo đá”,  mất kiểm soát, hành vi gây ra lại càng làm cho gia đình, người thân đau lòng, cộng đồng xã hội hoang mang đối với những đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy.

Pháp luật bảo vệ tính mạng, sức khỏe của con người, mọi hành vi xâm hại trái phép đến tính mạng, sức khỏe của con người đều phải chịu chế tài của pháp luật.

Khung hình phạt có thể ở mức cao nhất là tử hình

Trong trường hợp nghi phạm sát hại nạn nhân này bị mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức điều khiển hành vi dẫn đến việc thực hiện hành vi phạm tội thì mới được loại trừ trách nhiệm hình sự nhưng bị áp dụng biện pháp hành chính là bắt buộc chữa bệnh.

Trong trường hợp này, nếu nghi phạm bị mất khả năng nhận thức do sử dụng trái phép chất ma tuý dẫn đến ảo giác thì không thuộc trường hợp được loại trừ trách nhiệm hình sự bởi nghi phạm đã tự đặt mình vào tình huống làm mất khả năng nhận thức chứ không phải việc mất khả năng nhận thức là do khách quan.

Dẫn giải nghi phạm Thắng(mặc áo phao, bị buộc dây) thực nghiệm lại quá trình gây án.

Cụ thể, Điều 13 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định: Người phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác, thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.

Như vậy, chất mà túy là chất cấm, đồng thời cũng là chất kích thích mạnh, người sử dụng ma túy có thể dẫn đến ảo giác, không nhận thức được hành vi của mình. Pháp luật nghiêm cấm việc sử dụng trái phép chất ma túy, đồng thời những hậu quả do hành vi sử dụng trái phép chất ma túy gây ra thì người vi phạm sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Trong vụ việc này nếu có căn cứ cho thấy ngho phạm đã sử dụng trái phép chất ma túy dẫn đến mất hoặc hạn chế khả năng nhận thức rồi thực hiện hành vi giết người thì cơ quan điều tra Cng an TP.Hải Phòng vẫn sẽ khởi tố nghi phạm này về tội Giết người theo quy định tại Điều 123 Bộ luật hình sự với tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự là giết người dưới 16 tuổi, có tính chất côn đồ.

Nghi phạm này sẽ phải đối mặt với khung hình phạt là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Hành vi của nghi phạm rất tàn nhẫn, quyết liệt, sát hại một nữ sinh không có mâu thuẫn thù oán gì với hàng chục vết thương trên người, gây đau thương cho gia đình, lo lắng hoang mang cho quần chúng nhân dân nên mức hình phạt với nghi phạm này sẽ hết sức nghiêm khắc, có thể đối mặt với mức án cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình.

Có thể truy cứu thêm các tội danh có liên quan

Vẫn theo luật sư Cường, ngoài việc phải chịu trách nhiệm hình sự, nghi phạm này sẽ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho gia đình nạn nhân, thiệt hại bao gồm chi phí cứu chữa, chi phí mai táng theo phong tục địa phương và khoản bồi thường tổn thất về tinh thần theo quy định của pháp luật.

Trong trường hợp không thỏa thuận được mức bồi thường thì gia đình làm dân có quyền yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do hành vi xâm hại tính mạng gây ra.

Luật sư Đặng Văn Cường.

Cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ nghi phạm này sử dụng ma túy như thế nào, mua ma túy của ai để mở rộng điều tra hành vi vi phạm về việc sử dụng trái phép chất ma túy. Nếu có căn cứ cho thấy nghi phạm này còn hành vi tàng trữ, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy hoặc mua bán trái phép chất ma túy thì sẽ bị xử lý thêm về các tội danh cho người ngoài tội giết người với hành vi nêu trên.

Vụ án này sẽ tiếp tục là một bài học đau lòng về việc đấu tranh với tội phạm về ma tuý và quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy. Vụ án này cũng cho thấy hậu quả khôn lường qua loại hóa chất cấm độc hại nguy hiểm này, mang đến nhiều hiểm hoạ cho con người.

Với những loại ma túy như methamphetamine, ketamin... có thể gây ảo giác thì khi một người sử dụng trái phép chất ma tuý sẽ dẫn đến nguy cơ mất an toàn cho tất cả những người xung quanh. Từ một người hiền lành đến mấy, khi sử dụng ma tuý cũng vẫn có thể trở thành những con quỷ dữ, sẵn sàng ra tay sát hại bất cứ ai xung quanh mình, kể cả đó là người thân trong gia đình.

Bởi vậy cần nâng cao công tác tuyên truyền về phòng chống ma tuý, các địa phương cần thực hiện tốt các giải pháp phòng ngừa tội phạm về ma tuý để giảm bớt những vụ việc đau lòng kể trên.