Gia đình

Nghị lực của người mẹ 7 năm ròng nhặt ve chai chăm con ở bệnh viện

Từ khi đứa con trai bị tai nạn giao thông dẫn đến chấn thương sọ não, bà Vi Thị Toóng luôn túc trực ở bệnh viện để chăm sóc. Gần chục năm trôi qua, người mẹ dân tộc Thái này vẫn không ngừng hi vọng về điều kỳ diệu sẽ đến.

Tấm lòng của người mẹ

Phải chờ đến trưa thì bà Vi Thị Toóng (SN 1962), quê bản Kẹo Lực 1, xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An mới trở về phòng bệnh để chăm sóc người con trai Lương Văn Khăm (SN 1990) bị tai nạn giao thông. Trên tay bà cầm một gói bánh, một hộp sữa, khuôn mặt mồ hôi nhễ nhại sau những giờ lang thang trên đường.

Thấy những vị khách lạ, bà Toóng không ngạc nhiên, mỉm cười hiền nói tiếng Kinh lơ lớ: “Ngày hôm nay tôi chỉ kiếm được vài chục nhưng cũng đủ cho mẹ con. Anh chị đợi tí, tôi cho Khăm ăn không con đói”.

Hơn 7 năm qua bà Toóng luôn ở bệnh viện chăm con.

Cầm chiếc xi lanh tiêm cỡ lớn, bà Toóng cẩn thận hút nước cháo loãng rồi bơm vào ống nhựa thông qua mũi con trai. Khi ống nhựa bị tắc, anh Khăm khẽ rên, bà tạm dừng rồi dùng tay vuốt nhẹ lên ngực con. Khi thấy con đã nuốt trôi thì bà tiếp tục công việc một cách nhẹ nhàng hơn.

Lúc sau, khi anh Khăm đã ăn đủ, bà mới từ từ ngồi xuống chiếc ghế bên đầu giường trò chuyện. Ánh mắt buồn bã, bà Toóng cho biết đây là người con trai thứ 2 trong 4 người con của gia đình.

Bà Toóng thường xuyên xoa bóp giúp con đỡ mỏi.

Lương Văn Khăm từng là niềm tự hào của vợ chồng bà, cả dòng họ và làng bản bởi chăm học và có nhiều thành tích trong học tập. Tuy nhiên, sau khi học xong THPT, vì hoàn cảnh khó khăn, Khăm không dự thi đại học mà ở nhà giúp bố mẹ lao động sản xuất.

Đến khi có đợt khám tuyển nghĩa vụ quân sự, anh đăng ký tham gia, trúng tuyển và được điều về làm nhiệm vụ tại BCH Quân sự tỉnh Nghệ An. “Trong mấy anh em nó là đứa học hết cấp ba. Nó chăm lắm, còn được tuyển đi nghĩa vụ nữa, lúc đó chúng tôi thấy rất tự hào và vui mừng”, bà Toóng nghẹn ngào kể.

Trong lần về phép đầu năm 2012, Lương Văn Khăm không may bị tai nạn xe máy, cú va chạm mạnh khiến anh bị chấn thương sọ não. Mặc dù đã đi chữa trị ở bệnh viện, được đơn vị và gia đình nỗ lực cứu chữa nhưng chấn thương nặng làm anh liệt toàn thân, gần như phải sống thực vật trên chiếc giường bệnh.

Con trai gặp nạn, vợ chồng ông bà bàn nhau bán hết gia sản để chạy chữa. Anh Lương Văn Khăm lúc đầu được chữa trị tại bệnh viện Quân y 103, Hà Nội. Nhưng sau thời gian dài chữa trị mà con trai vẫn nằm bất động, trong khi tiền bạc đã khánh kiệt, bà đành xin đưa con về bệnh viện Quân y 4 Nghệ An để đỡ tốn kém.

Bà Toóng chưa về nhà sau khi con bị tai nạn.

Vợ chồng bàn nhau, để bà ở thành phố chăm con, riêng ông thì về quê lao động kiếm tiền, sau đó thi thoảng ông xuống bệnh viện để thay. Thế mà không ngờ 7 năm trôi qua, tình hình sức khỏe của anh Khăm vẫn không khá lên, mặc dù đã tỉnh nhưng chỉ có thể nằm một chỗ.

Cũng trong thời gian ấy, bà Toóng chưa một ngày rời xa con. Thậm chí, bà còn không dám về nhà để lo việc ăn uống và thuốc thang cho anh Khăm. “Ngay cả đám cưới 3 đứa con, tôi cũng không có mặt mà đành trông chờ vào chồng, anh em họ hàng, bà con dân bản đến phụ giúp. Thương các con lắm, nhưng giờ tôi mà về thì ai trông chừng thằng Khăm đây”, bà Toóng rầu rĩ nói.

Nhặt rác để mưu sinh

Thấy con khẽ cử động, Vi Thị Toóng lại bóp chân tay để con đỡ mỏi. Những động tác này được thực hiện vô cùng thành thục, bởi trong 7 năm qua bà đã làm không biết bao nhiêu lần.

“Tôi không sợ mệt và vất vả, chỉ hi vọng con sớm khỏe mạnh. Hồi xưa Khăm là chàng trai năng nổ, hoạt bát, giờ nhìn con nằm trên giường như thế này là lòng tôi lại thắt lại đau đớn”, bà Toóng nói.

Để có tiền chi tiêu, bà Toóng đi nhặt phế liệu về bán.

Thời gian dài trôi qua, nhiều người khuyên bà nên đưa con về nhà. Tuy nhiên “còn nước còn tát”, người mẹ khốn khổ vẫn nhất quyết bám trụ bệnh viện, bởi nếu về bản thì không có thuốc và không được bác sĩ chữa trị thì con bà sẽ không thể khỏe lại được.

Điều bà lo lắng là việc tiền sinh hoạt phí cho 2 mẹ con, bởi anh Khăm chỉ có phụ cấp hơn 700 nghìn đồng/tháng. Còn ở trên nhà, do cuộc sống dựa vào nương rẫy, lại thường xuyên bị lũ quét nên thu nhập chả đáng là bao. Không còn cách nào khác, cứ mỗi buổi bà Toóng lại đi xung quanh bệnh viện để nhặt chai lọ, bao bì,…

Bà tập hợp lại một chỗ ở khu vực không người của bệnh viện, sau đó thấy nhiều thì bà mang phế liệu đi bộ hơn 1 km cho người thu gom. “Mỗi lần như vậy họ trả cho tôi khoảng 20.000 – 30.000 đồng, có tuần nhiều thì được 50.000 đồng. Số tiền này ở trên nhà vô cùng lớn rồi. May mà mọi người xung quanh cũng biết nên thường gom giúp tôi nữa”, bà cười.

Mỗi lần như vậy chỉ được vài chục nhưng đây là số tiền giúp mẹ con bà vượt qua khó khăn.

Với số tiền đó, bà góp để mua cháo, mua tã lót cho con. Mới đây, biết hoàn cảnh khó khăn, lãnh đạo bệnh viện đã quyết định hỗ trợ suất ăn cho bà Toóng. Cùng với đó, đơn vị của anh Khăm cũng thường xuyên quan tâm, hỗ trợ về cả tinh thần lẫn vật chất nên cũng đỡ được phần nào gánh nặng cho người mẹ bất hạnh.

Bác sĩ Nguyễn Đức Anh, Chủ nhiệm khoa Nội 4 cho biết: “Bệnh nhân Lương Văn Khăm bị chấn thương sọ não nặng, liệt tứ chi, khả năng hồi phục rất thấp, chỉ có thể mong chờ vào điều kỳ diệu. Bây giờ chủ yếu phòng cho bệnh nhân các bệnh viêm đường tiết liệu, chống cho bệnh nhân loét điểm tỳ, viêm phổi, táo bón và phải uống thuốc thường xuyên. Vì thế, việc điều trị chắc chắn còn lâu dài, nên bà Toóng chắc còn phải ở đây lâu để chăm con”.

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:

- Bà Vi Thị Toóng (SN 1962), quê bản Kẹo Lực 1, xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. Hiện đang ở Khoa Nội 4, Bệnh viện Quân y 4 Nghệ An

Điện thoại: 0337939479

- Hoặc, Báo điện tử Người Đưa Tin, tầng 4, toà nhà Star Tower, đường Dương Đình Nghệ, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội.

Số tài khoản: 19129185908996, ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam, chi nhánh Hoàn Kiếm, phòng giao dịch Lĩnh Nam; chủ tài khoản: Báo điện tử Người Đưa Tin.

Kiều Oanh - Công Dũng