Sự kiện

Nghỉ lễ 30/4-1/5: Bãi biển đông nghịt người, chuyên gia y tế quan ngại

Trong kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 kéo dài 4 ngày, nhiều người dân đã đổ về các bãi biển du lịch để nghỉ ngơi, thư giãn sau chuỗi ngày giãn cách xã hội vì dịch Covid-19. Nhưng, cảnh tượng đông nghịt người ở các bãi biển khiến người xem ái ngại, các chuyên gia y tế lo lắng…

Hàng nghìn người đổ về các bãi biển dịp lễ

Thời gian qua, cả nước chung tay phòng chống dịch Covid-19, với sự chỉ đạo vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Nhằm ngăn chặn nguồn lây từ bên ngoài vào và ở bên trong bùng phát thêm các ổ dịch, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị 16 trong việc thực hiện giãn cách xã hội trên toàn quốc.  

Có thể thấy, Chỉ thị 16 về việc giãn cách xã hội trong thời gian qua đã giúp cho Việt Nam về cơ bản không xuất hiện các ổ dịch mới, tình hình dịch bệnh trong nước cũng được kiểm soát khi 16 ngày qua Việt Nam không có ca nhiễm mới.

Bãi biển Sầm Sơn đông nghẹt người dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 năm nay (Ảnh: Báo giao thông).

Mặc dù vậy, bộ Y tế vẫn luôn đưa ra khuyến cáo người dân không nên chủ quan, lơi là trước dịch bệnh. Tuy nhiên, theo ghi nhận của báo chí, những ngày nghỉ lễ 30/4-1/5 năm nay, tuy lượng du khách về các tỉnh du lịch ít hơn so với năm ngoái, nhưng những hình ảnh bãi biển đông nghịt người đi tắm biển nhất là trong thời kỳ dịch bệnh vẫn khiến nhiều người không khỏi ái ngại.

Đó là hình ảnh biển người ở bãi biển Sầm Sơn (Thanh Hoá), hay biển Cửa Lò (Nghệ An)… Những bức hình được ghi lại, phản ánh khiến nhiều người tỏ rõ sự lo lắng, khi nguy cơ dịch bệnh vẫn còn có thể quay trở lại bất cứ lúc nào.

Trong khi đó, ở bãi biển Cửa Lò cũng có đông người đổ về tắm biển, vui chơi.

Chuyên gia lo ngại

Trước những hình ảnh du khách đổ xô ra biển chơi, tắm biển đông nghịt người ở các bãi biển, PV Người Đưa Tin Pháp luật cũng đã có cuộc trao đổi nhanh với các chuyên gia trong lĩnh vực y tế.

Bày tỏ sự lo ngại của mình, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng cục Y tế dự phòng (bộ Y tế) cho biết: “Hiện nay, Chính phủ đã đề nghị giãn cách xã hội, một số nơi như các khu du lịch cũng cho phép người dân được tham quan, vui chơi, không có ngăn cấm mà chỉ khuyến cáo người dân. Tuy nhiên, nguy cơ dịch bệnh vẫn còn”.

Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga sau 16 ngày không còn ca nhiễm mới: “Khả năng không có dịch trong cộng đồng, nhưng vẫn có nguy cơ với những du khách đến tắm có thể đi nước ngoài về, hoặc tiếp xúc với người đi nước ngoài. Nhưng, hiện nay không cấm được mà chỉ có khuyến cáo người dân có biểu hiện thì phải đi khám, khai báo y tế, đồng thời ngành y tế phải tăng cường giám sát”.

PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng cục Y tế dự phòng (bộ Y tế) cho rằng nguy cơ dịch bệnh vẫn còn.

Nói về việc biển người tắm tại các bãi biển, liệu có nguy cơ “vỡ trận” trong việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19, PGS.TS Nguyễn Huy Nga cho rằng: “Còn tuỳ tình hình, vì hiện nay trong nước không có ca nhiễm mới, nên nguy cơ vỡ trận chỉ có ở bên ngoài vào. Trong thời gian tới, để sống chung với bệnh Covid-19, không có cách nào khác là chúng ta vừa làm việc vừa cảnh giác, không chủ quan. Ở những nơi có điều hoà nhiệt độ và tập trung đông người phải đề cao phòng, chống dịch, đặc biệt phải tự theo dõi sức khoẻ của mình, có biểu hiện phải đến các cơ sở y tế để được thăm khám, theo dõi và điều trị”.

Còn bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) bày tỏ: “Việc người dân tập trung đông ở bãi biển thì phải chịu, vì không khống chế thì sẽ có nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng sẽ phát tán. Nếu không được kiểm soát mà có nguồn lây thì sẽ có nguy cơ lây bệnh”. 

Đánh giá về tình hình dịch bệnh của Việt Nam trong thời gian trở lại đây, bác sĩ Khanh cho rằng: “Dịch bệnh ở nước ta hiện nay vẫn đang trong tình hình ổn định, không có ca nhiễm mới. Trong thời gian tới, nếu có nguồn lây ngoại lai mà cứ đi lại như vậy chắc chắn sẽ lây”. 

Theo bác sĩ Khanh, việc người dân tập trung đông người như ở bãi biển, chỉ có cách tuyên truyền, khuyến cáo người dân. Nếu không nghe thì có mức độ kiểm soát, chế tài xử lý tuỳ thuộc ở từng địa phương để giúp ngăn ngừa, phòng chống dịch bệnh tái bùng phát trở lại.