Hồ sơ điều tra

Nghị án kéo dài vụ xử cựu Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín

Tòa đánh giá vụ án phức tạp, cần thời gian xem xét toàn diện nên quyết định nghị án kéo dài.

Trong phần đối đáp lại quan điểm của các luật sư và phần bào chữa bổ sung của các bị cáo trong vụ án Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí liên quan đến khu đất vàng ở số 15 Thi Sách (quận 1, TP.HCM), đại diện VKSND TP.HCM tập trung vào 4 vấn đề chính.

Tòa tuyên án bị cáo Nguyễn Hữu Tín và 4 đồng phạm vào ngày mai.

Thứ nhất, về chủ thể tội phạm, đại diện VKS bác bỏ quan điểm của một số luật sư khi cho rằng, thân chủ của mình không có chức năng quản lý tài sản Nhà nước cho nên không phạm tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Bởi hiểu theo nghĩa rộng và đầy đủ nhất, không phải cứ được Nhà nước giao chức năng quản lý tài sản công mới phạm tội.

Tức là, đơn vị được giao quản lý đất đai, nếu cho thuê, giao đất mà sai phạm dẫn đến phải chiụ trách nhiệm hình sự vẫn bị xử lý.

Thứ 2, xác định thiệt hại trong vụ án. Theo đại diện VKS, cáo trạng xác định hậu quả của các hành vi phạm tội gây thiệt hại cho Nhà nước trên 6,7 tỷ đồng và một khoản tiền sử dụng đất chưa thu hồi được.

Các luật sư bào chữa cho các bị cáo nêu quan điểm số tiền 6,7 tỷ đồng không mất đi mà là “bỏ từ túi nọ sang túi kia”, đây là một quan điểm hoàn toàn sai trái.

Theo VKS, trên 6,7 tỷ đồng được xác định thiệt hại trong vụ án là tiền bồi thường giải phóng mặt bằng trên đất - đó là tiền mà bất kể công ty nào thuê đất cũng phải trả.

“Nhà đó là nhà của Nhà nước, đây là khoản tiền riêng phải nộp vào ngân sách và công ty CPXD Bắc Nam đã nộp. Còn tiền cho thuê đất là khoản riêng. Hai khoản khác nhau.

Nếu làm đúng, công ty CPXD Bắc Nam 79 vừa phải nộp 6,7 tỷ đồng tài sản trên đất bị đập bỏ để họ sử dụng diện tích đất cho mục đích riêng của họ, thì còn phải nộp thêm một khoản tiền thuê đất theo duyệt giá của UBND TP.HCM.

Đây là 2 khoản tiền khác nhau, không thể có câu chuyện khấu trừ. Đây rõ ràng là thiệt hại”, đại diện viện KSND TP.HCM khẳng định.

Thứ 3, khoản tiền sử dụng đất hơn 802 tỷ đồng mà Nhà nước chưa thu hồi được, VKSND TP.HCM khẳng định, đây là con số tương đối.

Nhưng  cho dù đây chưa phải là con số chính xác, thì khoản tiền thiệt hại thực tế mà Nhà nước chưa thu hồi được là có. Việc thiệt hại được xác định, nên các bị cáo cũng phải chịu trách nhiệm hình sự.

Thứ 4, về sai phạm và mức hình phạt mà VKS đề nghị. Đại diện VKS khẳng định việc truy tố các bị cáo là có cơ sở.

Các bị cáo đã bỏ qua các quy định, không phải thông qua đấu giá khi cho thuê, giao nhà đất thuộc tài sản đất làm thương mại dịch vụ.

Trường hợp được chỉ định phải xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ, nhưng các bị cáo đã bỏ qua các quy định này để gây thiệt hại cho Nhà nước nên truy tố các bị cáo là không sai.

Đối với mức hình phạt mà VKS đề nghị thấp hơn khung hình phạt, đại diện VKS lý giải, căn cứ vào vai trò của từng bị cáo mà đề nghị các mức án khác nhau.

VKS căn cứ vào nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ cũng như việc các bị cáo không có động cơ tư lợi… để đề nghị mức án với từng bị cáo.

Theo VKS, hầu hết các bị cáo đều tỏ ra hối hận và xin giảm nhẹ hình phạt.

Riêng bị cáo Đào Anh Kiệt (cựu Giám đốc sở TN&MT TP.HCM) trước đó không thừa nhận tội, nhưng khi bào chữa bổ sung đã thừa nhận các hành vi như cáo trạng quy kết.

VKS đánh giá thái độ của bị cáo Kiệt là tích cực, nên nếu bị cáo Kiệt ăn năn hối hận thì có thể xem xét tình tiết giảm nhẹ “thành khẩn khai báo” đối với bị cáo này.

Cuối buổi sáng ngày 30/12, các bị cáo được nói lời sau cùng. Bị cáo Nguyễn Hữu Tín và các đồng phạm mong tòa xem xét toàn diện vụ an, đồng thời xem xét các tình tiết giảm nhẹ hình phạt để tuyên các bị cáo mức án thấp nhất.

Sau khi các bị cáo nói lời sau cùng, HĐXX thông báo nghị án kéo dài và sẽ tuyên án vào sáng ngày mai (31/12).