Kinh tế

Nghề lạ: Bỏ túi 15 triệu USD sau 10 năm lặn nhặt bóng golf

Mặc dù có thể kiếm được hàng triệu đô nhưng những người thợ lặn nhặt bóng golf phải đối mặt với nguy cơ bị cá sấu, rắn,.., tấn công khi đang làm việc.

Theo CNN, nghề lặn nhặt bóng golf được ví như những người thợ săn kho báu ngoài đời thực. Và tất nhiên, kho báu của họ chính là những quả bóng golf nhỏ bé.

Thống kê cho thấy, mỗi năm, chỉ riêng ở Mỹ có khoảng 300 triệu quả bóng golf “mất tích” trên sân và đây cũng chính là cơ hội để nghề lặn này xuất hiện và phát triển.

Theo thời gian, golf trở thành bộ môn phổ biến của giới thượng lưu nhưng giá tiền chi cho những quả bóng golf hay thuê bóng vẫn vô cùng đắt đỏ. Lúc này, những người thợ lặn sẽ được thuê để “trục vớt” những quả bóng không may bị rơi xuống hồ để tiết kiệm chi phí hơn.

Cũng theo CNN, “Island Green” – một bán đảo chỉ rộng khoảng 120m và bao quanh bởi nước hồ được biết đến là “cơn ác mộng” của các tay chơi golf nhưng lại là mỏ vàng của những thợ lặn nhặt bóng.

“Trung bình tôi sẽ tìm được khoảng 5.000 quả bóng tương ứng với mức lương khoảng 3.700 USD (khoảng 85 triệu đồng) cho mỗi lần làm việc và 150.000 USD (34,5 tỷ đồng)/năm”, Sam Harrison chia sẻ.

Được biết, Sam Harrison (22 tuổi) chỉ là thợ lặn nhặt bóng golf bán thời gian bên cạnh việc làm nhân viên ngân hàng. Bên cạnh đó, Harrison còn là người đồng sáng lập của Lake Ball Diving.

Giống Harrison, Glenn Berger cũng là một thợ lặn tìm bóng golf bán thời gian làm việc tại Florida. Anh chàng có thể kiếm được tối thiểu 1 USD mỗi quả, sau khi rửa sạch và bán lại bóng cho các sân golf. Thi thoảng, anh bán được giá gấp đôi.

Trên Tampa Bay Times, anh tiết lộ mỗi năm tìm được 1,3 - 1,7 triệu quả tại các sân golf ở Florida. Hơn 10 năm qua, anh bỏ túi tới 15 triệu USD.

Ngoài ra còn có những người coi đây là công việc toàn thời gian như Paul Lovelace (54 tuổi). Anh là một thợ lặn nhặt bóng golf có thâm niên hơn 30 năm. “Công việc này giống như ước mơ lặn tìm kho báu của nhiều người thuở nhỏ và tôi làm điều đó hằng ngày. Mặc dù vậy, mỗi lần lặn là một trải nghiệm vô cùng khác với tôi vì không ai biết sẽ xảy ra chuyện gì tiếp theo”.

Mặc dù có mức lương khủng như vậy nhưng những người thợ lặn luôn phải đối mặt với những mối nguy hiểm từ các loài động vật hoang dã.

Lovelace cho biết, những người thợ lặn trong khu của ông có thể bị rùa cắn bất cứ lúc nào. “Ở đây chúng tôi có loài rùa khá hung dữ. Chúng sẵn sàng cắn ngón tay, ngón chân hay bất cứ bộ phận nào trên cơ thể nếu chúng ta không cẩn thận”.

Vào năm 2014, một thợ lặn xấu số 29 tuổi Jacques van der Sandt đã tử vong sau khi bị cá sấu tấn công trong lúc đang cố gắng lặn lấy quả bóng ở công viên quốc gia Nam Phi. Tương tự như vậy, ở Florida (Mỹ), Steve Martinez (51 tuổi) cũng thiệt mạng bởi cá sấu trong lúc làm việc ở Country Club.

Còn ở nước Anh, Sam Harrison đôi lúc còn phải đối mặt với những loài rắn nước.

“Chúng có thể bất thình lình chui ra từ những bãi sậy và tấn công khi bạn đang cố gắng lấy những quả bóng golf”, Harrison nói.

Nguy hiểm là vậy nhưng những người thợ lặn chưa bao giờ có ý định từ bỏ công việc này.

“Nó mang lại cảm giác phấn khích như thể bạn đang tham gia một cuộc đi săn mạo hiểm vậy”, Paul Lovelace khẳng định.

Han