Tài chính - Ngân hàng

"Nghề độc" trên sàn: Tiềm lực DN bán giấy vệ sinh lấn sân làm điện gió

Là doanh nghiệp bán giấy duy nhất trên sàn nhưng CTCP Tập đoàn Hapaco lại khiến nhiều người chú ý với dự án Nhà máy điện gió công suất 100MW tại tỉnh Gia Lai.

Tham vọng đa ngành của doanh nghiệp bán giấy

Nhắc đến những doanh nghiệp đầu tiên niêm yết trên sàn chứng khoán không thể không kể đến mã cổ phiếu HAP của Công ty cổ phần (CTCP) Tập đoàn Hapaco. Không những vậy, Hapaco còn là doanh nghiệp kinh doanh “nghề độc” - bán giấy tissue (giấy vệ sinh) duy nhất trên sàn. 

Tiền thân của CTCP Tập đoàn Hapaco là Xí nghiệp Giấy bìa Đồng Tiến, được thành lập năm 1960 từ cơ sở giấy nhỏ được hợp doanh thành doanh nghiệp Nhà nước, chuyên sản xuất các loại bìa cát tông với các thiết bị cũ sản xuất trong nước, giải quyết một phần nhu cầu về giấy cho nhân dân thành phố thời kỳ chiến tranh. Đến năm 2012, nhằm đáp ứng nhu cầu giấy tissue của thị trường, doanh nghiệp đầu tư thêm 2 dây truyền giấy tissue. 

Dù công ty đứng thứ 2 ở miền Bắc trong ngành sản xuất giấy nhưng hiện nay, mảng này lại không được chú ý nhiều. Điều khiến giới đầu tư quan tâm tới Hapaco là những dự án ở mảng bất động sản, bệnh viện… với giá trị đầu tư hàng nghìn tỷ đồng. 

Năm 2014, Tập đoàn Hapaco đưa dự án bệnh viện Quốc tế Green - bệnh viện được thiết kế và xây dựng theo kiến trúc mới hiện đại theo mô hình: Bệnh viện - khách sạn với tổng diện tích 20.000m2, tổng vốn đầu tư 447 tỷ đồng vào hoạt động. 

Tổng số vốn Hapaco đầu tư vào bệnh viện Quốc tế Green là 447 tỷ đồng.

Trong báo cáo thường niên năm 2020 mới công bố, Hội đồng quản trị của Tập đoàn có thông báo đang xúc tiến công tác chuẩn bị đầu tư 5 dự án trong nhiệm kỳ 2021-2026 trình Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 thông qua. 

Tập đoàn dự định triển khai xây dựng bệnh viện Đa khoa Quốc tế Việt Hàn công suất 600 giường bệnh tại Khu đô thị Bắc Sông Cấm, Hải Phòng. Đây sẽ là bệnh viện thứ hai do Tập đoàn đầu tư sau bệnh viện Quốc tế Green. 

Ngoài ra, Hapaco còn đưa ra dự án xây dựng trung tâm chăm sóc người cao tuổi công suất 200 giường tại Thuỷ Nguyên, Hải Phòng; xây dựng khu nhà ở xã hội trên diện tích 1,7ha tại địa điểm 441A Tôn Đức Thắng, An Dương, Hải Phòng và tòa nhà Trung tâm thương mại, văn phòng, căn hộ cho thuê 22 tầng trên diện tích 1,2ha tại số 9 đường Cầu Bính, Hồng Bàng, Hải Phòng.

Đặc biệt, dự án Nhà máy điện gió công suất 100MW tại tỉnh Gia Lai được chú ý nhất bởi chiếm phần lớn giá trị trong tổng số 4 dự án trên của Hapaco. Dự án có tổng vốn đầu tư 4.000 tỷ đồng.

Chưa dừng ở đó, Tập đoàn còn lên kế hoạch đầu tư vào công ty chế biến cà phê tại tỉnh Sơn La, công suất 15.000 tấn/năm.  

Hapaco có gì?

Trước những dự án lớn mà Hapaco đưa ra, tiềm lực kinh tế của công ty là điều khiến giới đầu tư quan tâm. Trong 5 năm gần đây từ 2016 - 2020, doanh thu thuần cao nhất của công ty ở mức 476 tỷ đồng (năm 2018). Lợi nhuận cao nhất ghi nhận trong 5 năm qua là 34 tỷ đồng - năm 2020.

Lợi nhuận sau thuế năm 2020 cao nhất trong vòng 5 năm qua.

Cụ thể về tình hình kinh doanh năm 2020 vừa qua, doanh thu Tập đoàn Hapaco chỉ đạt 334 tỷ đồng, giảm 11% so với năm 2019, trong đó chủ yếu là doanh thu bán hàng hóa, thành phẩm. Lợi nhuận sau thuế tăng trưởng hơn 67%, từ 20 tỷ lên trên 34 tỷ đồng.

Theo giải trình từ phía Tập đoàn Hapaco, dù dịch Covid-19 ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của Tập đoàn nhưng các công ty thành viên đã cố gắng duy trì sản xuất kinh doanh, phát triển thị trường tiêu thụ trong nước, tối giản các chi phí đồng thời có hoàn nhập dự phòng đối với công ty thành viên năm trước và tạm thu lợi nhuận của công ty liên kết; thoái vốn tại CTCP Thương mại dịch vụ Hải Phòng dẫn đến lợi nhuận tăng 67% so với năm 2019. 

Tính đến thời điểm ngày 31/12/2020, tổng tài sản của Hapaco là 808 tỷ đồng giảm 3,8 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Tập đoàn nợ hơn 90 tỷ đồng, trong đó gần như toàn bộ là nợ ngắn hạn. 

Bên cạnh đó, Hapaco có khoản tiền gửi ngân hàng gần 55 tỷ đồng và khoản phải thu phần góp vốn thừa tại Bệnh viện Quốc tế Green trị giá 114,9 tỷ đồng.

Ngoài ra, Hapaco còn nắm giữ những lô đất mà công ty nắm quyền sử dụng như lô đất tại CTCP Giấy Hải Phòng Hapaco; lô đất tại xí nghiệp Trần Yên của công ty TNHH Yên Sơn - một công ty con của Tập đoàn Hapaco. Tuy nhiên, trong bảng cân đối kế toán của HAP, các tài sản này được ghi nhận giá trị thấp.

Tại thời điểm 31/12/2020, giá trị còn lại đối với quyền sử dụng đất lâu dài tại CTCP Giấy Hải Phòng Hapaco chỉ là hơn 1,8 tỷ đồng. Còn với quyền sử dụng đất 50 năm tại xí nghiệp Trấn Yên của công ty TNHH Hapaco Yên Sơn, HAP đã trả tiền một lần được phân loại lại từ chi phí trả trước dài hạn. Giá trị còn lại của lô đất này là hơn 3,7 tỷ đồng và đang được thế chấp, cầm cố để đảm bảo các khoản vay tại ngân hàng. 

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu HAP từng duy trì giao dịch dưới mệnh giá rất lâu. Tuy nhiên, từ ngày 10/3, cổ phiếu HAP bất ngờ tăng mạnh với nhiều phiên tăng trần từ mức 8.970 đồng lên 19.200 đồng ngày 25/3, sau đó giảm về mức 12.850 đồng ngày 22/4. Đáng chú ý, thanh khoản của cổ phiếu HAP cũng khá lớn với hàng triệu, thậm chí nhiều triệu cổ phiếu khớp lệnh mỗi phiên, đặc biệt phiên giao dịch ngày 15/3 khối lượng khớp lệnh lên tới hơn 8,7 triệu cổ phiếu.