Tài chính - Ngân hàng

"Nghề độc" trên sàn: Lãi chục tỷ nhờ bán bao cao su, găng tay y tế

Là doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên tham gia sản xuất bao cao su và duy nhất niêm yết trên sàn chứng khoán, Merufa thu 198 tỷ đồng và lãi sau thuế 13 tỷ đồng năm 2020.

Doanh nghiệp sản xuất bao cao su duy nhất niêm yết

Công ty cổ phần Merufa (mã chứng khoán: MRF) là doanh nghiệp sản xuất bao cao su đầu tiên ở Việt Nam và cũng là doanh nghiệp duy nhất đưa cổ phiếu lên sàn từ hồi tháng 12/2017 ở lĩnh vực này.

Công ty cổ phần Merufa tiền thân là Xí nghiệp Cao su Y tế (thuộc Bộ Y tế) được xây dựng với sự hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc vào năm 1987 với nhiệm vụ sản xuất bao cao su tránh thai và các sản phẩm cao su y tế khác cung cấp cho nền kinh tế quốc dân.

Tháng 12/2002, Xí nghiệp Cao su Y tế đã chính thức chuyển thành Công ty cổ phần Merufa. Tháng 12/2017, Merufa niêm yết trên sàn chứng khoán với vốn điều lệ hơn 36,75 tỷ đồng. Từ đó đến nay, Công ty chưa tiến hành tăng vốn. 

Về cơ cấu cổ đông, hiện Tổng Công ty Thiết bị y tế Việt Nam là cổ đông tổ chức lớn nhất nắm giữ 16,16% vốn Merufa. Cổ đông lớn thứ 2 là Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Thiên Hải sở hữu 11,31% vốn. Tiếp theo là bà Trần Nguyễn Thanh Mai - vợ ông Vũ Văn Minh - Chủ tịch HĐQT Merufa nắm giữ 10,62% vốn. 

Với nhiệm vụ được giao phó, Merufa đã cung cấp cho thị trường sản phẩm bao cao su tránh thai chế tạo từ cao su thiên nhiên của Việt Nam. Không chỉ vậy, Merufa còn sản xuất các mặt hàng y tế khác như găng tay phẫu thuật, nút chai kháng sinh, chai truyền dịch sản xuất từ cao su tổng hợp, gel siêu âm...

6 phiên tăng trần liên tiếp đưa cổ phiếu MRF lên 77.000 đồng/cổ phiếu.

Trong năm 2020, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 lan rộng, nhận định nhu cầu găng tay trên thị trường tăng mạnh, công ty quyết định đầu tư phân xưởng sản xuất găng tay số 2.

Dự án có tổng vốn đầu tư 230 tỷ đồng, được xây dựng trên khuôn viên công ty, lắp đặt một số máy găng sản xuất nhằm đáp ứng yêu cầu sản xuất, mua sắm một số máy móc thiết bị phụ trợ kèm theo. Thời gian đầu tư khoảng 8-12 tháng.

Những thông tin trên dẫn tới, giá cổ phiếu MRF đã đột biến tăng trần 6 phiên liên tiếp từ 24/9/2020, và liên tiếp những phiên tăng điểm sau đó, đưa giá cổ phiếu từ 17.300 đồng/cổ phiếu lên 55.000 đồng/cổ phiếu (đóng cửa phiên giao dịch ngày 14/10/2020) – tương ứng mức tăng hơn gấp 3 lần chỉ trong vòng hơn nửa tháng.

Tuy nhiên, tăng sốc và giảm cũng sâu, MRF nhanh chóng giảm mạnh, về mức 20.900 đồng/cổ phiếu vào phiên 6/11/2020.

Chu kỳ tăng của MRF lại một lần nữa lặp lại từ đầu năm 2021 với chuỗi 6 phiên tăng trần liên tiếp, đưa cổ phiếu một lần nữa xác lập đỉnh mới ở 77.000 đồng/cổ phiếu trước khi giảm trở lại về 57.5000 đồng/cổ phiếu như hiện nay.

Merufa kinh doanh ra sao?

Theo số liệu của Người Đưa Tin Pháp luật trong vòng 5 năm, Merufa từng bước tăng trưởng vượt qua mức doanh thu 100 tỷ đồng. 

Năm 2017, Merufa ghi nhận lỗ 4,3 tỷ đồng, doanh thu đạt hơn 77 tỷ đồng giảm 5% so với năm 2016. Đến năm 2018, doanh thu tăng 27% đạt 98 tỷ doanh thu và có lãi 3 tỷ đồng. Đến năm 2019, doanh thu vượt qua 100 tỷ đồng ghi nhận ở mức 108 tỷ tăng 10% so với năm 2018, lợi nhuận sau thuế cũng tăng gấp đôi đạt 7 tỷ đồng.

Năm 2017, MRF ghi nhận khoản lỗ 4 tỷ đồng.

Đến năm 2020, doanh thu của Công ty tăng trưởng mạnh. Theo báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh năm 2020, Merufa ghi nhận doanh thu 198 tỷ đồng tăng 83% so với năm 2019 và vượt kế hoạch đặt ra 63%. Đây cũng là mức cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.

Lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ ghi nhận đạt hơn 33 tỷ đồng. Sau khi trừ các khoản chi phí (chủ yếu là bán hàng và quản lý doanh nghiệp), công ty lãi sau thuế 13 tỷ đồng, gần gấp đôi cùng kỳ và cũng vượt kế hoạch đặt ra 35%.

Theo lãnh đạo công ty, sự cạnh tranh giữa các đơn vị cung cấp hàng trong lĩnh vực kinh doanh thiết bị, vật tư, dụng cụ y tế ngày càng gay gắt. Các bệnh viện mời thầu với với điều kiện khác nhau và yêu cầu thời gian thanh toán kéo dài 3-6 tháng. Giá găng tay cao su biến động tăng nhanh, giá cuối năm tăng gấp 3 lần giá đầu năm, nhưng giá bán cho bệnh viện (theo giá thầu) không tăng được gây thiệt hại lớn cho Công ty.

Hoạt động kinh doanh khởi sắc nhưng nợ của công ty cũng tăng thêm. Tính đến ngày 31/12/2020, tổng nợ 53 tỷ đồng tăng gấp đôi so với số nợ phải trả hồi đầu năm. 

Merufa đặt ra kế hoạch doanh thu năm 2021 tăng 25% so với năm 2020, đạt 248 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đặt ra 13,6 tỷ đồng tăng gần 5% so với năm 2020.