Quan điểm

Nghề độc nổi tiếng nhanh, kiếm tiền nhiều

Không sáng tạo không có sự khác biệt, không sáng tạo không có sự mới mẻ và đương nhiên, không sáng tạo sẽ chẳng có sự phát triển.

Sáng tạo phải giống như chú lính chì dũng cảm, tin vào bản thân, bước vững chãi trên đường và kiên định với mục tiêu đã chọn. Có như vậy, thành công mới được tạo hình.

Bất cứ ai nhìn ngắm nhìn các tiêu bản động vật do anh Đăng Trung Hiếu thực hiện đều sẽ dành cho anh sự ngưỡng mộ. Cái nghề độc lạ ấy được anh Hiếu gắn bó từ 15 năm nay, nó được nuôi dưỡng từ khi anh còn là một cậu bé và rồi được tạo hình theo thời gian.

Chẳng ai dạy anh làm, tất cả là do anh Hiếu tự học, tự mày mò và rồi biến nó trở thành một nghề. Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, anh Đặng Trung Hiếu có niềm đam mê với bộ môn sinh học. Cái duyên đưa anh đến với nghề làm tiêu bản bắt nguồn từ việc được gia đình khuyến khích, tạo điều kiện để tìm hiểu làm thử mẫu vật các loại hoa, côn trùng. "Mỗi lần đi chợ, hễ thấy có con cá, con tôm gì đẹp mọi người trong nhà đều mua về để mình tập làm", người đàn ông ở quận 9, TP.HCM kể.

Chẳng có thành công nào không được nhen nhóm từ ngọn lửa đam mê, chẳng có thành công nào nếu đam mê không được tiếp lửa từng ngày.

Từ niềm đam mê của bản thân và sự ủng hộ của gia đình, anh Hiếu ngày càng say mê. Anh thậm chí còn bỏ công việc làm đạo diễn phim hoạt hình tại trung tâm Tổ chức Biểu diễn và Điện ảnh TP.HCM để không cảm thấy "bứt rứt" vì không được thỏa sức với niềm đam mê.

Đặng Trung Hiếu, 30 tuổi, đã dành gần 15 năm để tự học làm tiêu bản động vật.

Anh Hiếu chia sẻ, khi con vật chết đi, anh phải tiếp nhận và thao tác ngay để đảm bảo giữ được lớp da. Sau khi tách, sấy lại da, Hiếu đo đạc kích thước chi tiết các khối cơ, vòng đầu... để điêu khắc lại đúng với kích thước con vật. Cuối cùng, anh "khoác" bộ da đã xử lý lên.

Khởi nghiệp với nghề "hiếm", anh Hiếu thành lập một công ty chuyên chế tác mẫu vật, đồng thời hỗ trợ cho những bạn trẻ thích nghề này và những sinh viên khoa chăn nuôi thú y có cơ hội được thực hành. Giờ đây, anh Hiếu nổi khắp mạng xã hội và là cái tên được săn đón trong lĩnh vực của mình.

Niềm đam mê của anh Hiếu nhắc nhớ đến huyền thoại công nghệ Steve Jobs. Người đàn ông ấy đã thay đổi cả thế giới bắt đầu từ không gian gara nhỏ hẹp và mớ dây nhợ rối rắm. Chẳng điều gì là không thể khi trong tim có ngọn lửa đam mê.

Tại Trung Quốc, một phụ nữ làm nông cũng trở thành hiện tượng khi chuyển hoá niềm đam mê thành sản phẩm, ngọn lửa trong tim thành ý tưởng thực tế.  

Shen Yu-chuan thích xem các chương trình thời trang, thích những bộ cánh lộng lẫy. Với một cô gái nông thôn, để có được những bộ trang phục lộng lẫy như trên tivi là điều bất khả thi. Nhưng, sự khó khăn ấy chẳng thể làm tắt ngọn lửa đam mê trong trái tim của Shen. Và, cô thổi hồn cho rơm rạ để tạo nên những thiết kế đậm chất thời trang. Shen bắt đầu làm trang phục từ mùa thu năm ngoái. Thời điểm ấy, công việc đồng áng không quá bận nên Shen có nhiều thời gian rảnh.

Ngay khi các sản phẩm của cô được giới thiệu, nó đã trở thành hiện tượng và nhận phản hồi tốt của người xem. Như vậy, cỏ không chỉ để chăn nuôi gia súc mà còn là thứ có thể mặc lên người, có thể trở thành nghệ thuật.

Shen nhận được nhiều lời động viên. Cô trở thành cái tên gây sốt trên mạng xã hội Trung Quốc và nó là động lực để Shen tiếp tục công việc sáng tạo của mình.

“Sáng tạo chỉ là việc kết nối các vấn đề. Khi bạn hỏi những người giàu tính sáng tạo về cách họ làm điều gì đó, họ cảm thấy hơi gượng gập. Bởi, họ thực sự không làm gì, họ chỉ thấy một số việc. Mọi thứ sẽ trở nên rõ ràng hơn theo thời gian. Đó là bởi, họ có thể kết nối những kinh nghiệm mình có và tổng hợp thành những thứ mới. Lý do khiến họ có thể làm điều đó là có nhiều kinh nghiệm hơn hoặc họ đã suy nghĩ nhiều về kinh nghiệm của mình hơn người khác”. Đó là những điều Steve Jobs đã nói về sự sáng tạo.

LÊ ANH