Tâm sự

Nghề báo và chữ duyên

Là một người mới bước vào nghề báo, tôi chưa nhiều tuổi nghề để nói những câu chuyện trong nghề, những vất vả, không dám nói đến những điều lớn lao, to tát.

Hôm nay, tôi chỉ dám nói đến những hành trình, những bước rẽ để bén duyên với nghề báo, tạp chí Đời sống và Pháp luật là một bước ngoặt trong cuộc đời của tôi. Nơi tôi được là tôi.

Sinh ra trên miền quê lúa, từ nhỏ nghề báo là ước mơ của tôi. Khi đi học, trong những bài tập làm văn đầu tiên: “Hãy kể về nghề mơ ước của em sau này” thì tôi không ngần ngại viết: “Mơ ước của em là trở thành một nhà báo”. Nhưng để thi vào được một trường báo chí hay học viện báo chí là một điều cực kỳ khó với những lứa đầu thế hệ học sinh 9x chúng tôi. Vì điểm của những ngành báo chí khối C thường cao chót vót. Tôi đã không đủ điểm để theo học một trường báo.

Xa Hà Nội với ước mơ học báo, tôi vào miền trung học Đại học với chuyên ngành Triết học. Học trong môi trường đại học tôi viết bài cộng tác cho nhiều tờ báo với chuyên mục góc nhìn. Có lẽ học triết học đã cho tôi nhiều góc nhìn, nhiều hệ quy chiếu đa dạng. Nhưng tôi vẫn thích những bài điều tra hơn, vì nó phản ánh trực tiếp tình hình thực tế và sự dũng cảm của đội ngũ phóng viên. Những đồng tiền nhuận bút đã viết tiếp ước mơ của tôi. Ra trường rồi giữ lại trường làm giảng viên triết học nhưng tôi vẫn luôn mong muốn làm việc cho một tờ báo chính thức.

Như sách Giảng viên đã nói: “Ở dưới bầu trời này, mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời: một thời để chào đời, một thời để lìa thế ; một thời để trồng cây, một thời để nhổ cây; một thời để giết chết, một thời để chữa lành; một thời để phá đổ, một thời để xây dựng; một thời để khóc lóc, một thời để vui cười; một thời để than van, một thời để múa nhảy; một thời để quăng đá, một thời để lượm đá; một thời để ôm hôn, một thời để tránh hôn; một thời để kiếm tìm, một thời để đánh mất; một thời để giữ lại, một thời để vất đi; một thời để xé rách, một thời để vá khâu; một thời để làm thinh, một thời để lên tiếng; một thời để yêu thương, một thời để thù ghét; một thời để gây chiến, một thời để làm hoà.” (Sách Giảng Viên 3,1-8).

 

Và thời điểm đã đến, cuối năm 2018 tôi đã có duyên được tuyển vào chuyên trang Phapluatnet báo Điện tử Người Đưa Tin (nay là Chuyên trang Diễn đàn Pháp Luật – Tạp chí Đời sống và Pháp luật) với một ngã rẽ mới với tư cách là một phóng viên. Chẳng phải kể những vất vả trong nghề nhưng đối với tôi đó là những bài học. “Mực của học giả còn quý hơn máu kẻ tử đạo” thực sự đúng với tôi. Làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, và va chạm với nhiều thành phần trong xã hội, tôi muốn giữ lấy mình thật vững, tôi muốn quên đi hết những cám dỗ rập rình xao động bữa hôm nay. Vì hôm nay, có khác: l’homme éthique a choisi ses valeurs.(con người đã lựa chọn các giá trị của mình).

Triết gia hiện sinh Soeren Kierkegaard có nói: “Kẻ chưa đến tuổi trưởng thành không thể chiếm hữu kho tàng, dù đời có phụng- dâng- vô- tận gã cũng khó bề hưởng thụ chút gì, vì gã chưa đủ tư cách, chưa đủ tâm hồn. cũng vậy, một bản ngã dù có phong phú bao nhiêu nữa mà chưa biết tự chọn mình, thì phong phú cũng bằng thừa, phong dụ cũng bỏ đi: và ngược lại, một nhân cách nghèo nàn cằn cỗi bao nhiêu đi chăng nữa mà biết tự chọn mình, thì tức là nắm được cả đất trời và hơn cả trời đất, bởi vì cái vĩ đại nhất giữa càn khôn không phải là gì cả, chẳng phải cái này, chẳng phải là cái nọ, mà ấy chính là cái ta-của-riêng-riêng-ta. Ta đừng đánh lạc hồn mình, để trọn đời thất thểu”.

Hạnh phúc là một lựa chọn, không phải kết quả. Không gì sẽ làm bạn hạnh phúc cho tới khi bạn lựa chọn mình hạnh phúc. Không ai sẽ làm bạn hạnh phúc chừng nào bạn còn chưa quyết định hạnh phúc. Hạnh phúc của bạn sẽ không đến với bạn. Nó chỉ có thể đến từ bạn. Có thể nói tuy thời gian chưa đủ dài nhưng xác quyết rằng gần 2 năm qua công tác trong môi trường tòa soạn Đời sống và Pháp luật đối với tôi đó là một lựa chọn đúng. Nơi tôi được học nghề, làm nghề mình yêu thích. Nơi ngòi bút được “tự do” chắp cánh.

Hà Thanh Tùng