Dân sinh

Nghệ An: Xuất hiện “hố tử thần” đe dọa đời sống người dân

Những “hố tử thần” xuất hiện chưa rõ nguyên nhân khiến người dân ở đây sống trong lo sợ.

Chuyển nhà do sợ hãi

Chỉ vào hố sâu hơn 3m, rộng hơn 6m tại khu vực sân nhà, anh Lương Văn Thắm, SN 1985, trú bản Na Noong, xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An cho biết do quá sợ hãi nên cả gia đình đã phải di dời đến nơi ở khác.

“Khoảng 10h ngày 15/10, cả gia đình anh đang ngồi uống nước thì nghe thấy dưới nền nhà mình có tiếng động mạnh. Sau đó, anh phát hiện khu vực sân xuất hiện nhiều vết nứt. Dùng khoan kiểm tra, anh thấy dưới lớp bê tông một hố lớn đầy nước”, anh Thắm nói.

Gia đình anh Thắm phải đi ở nhờ vì bất ngờ xuất hiện "hố tử thần".

Để đảm bảo an toàn tính mạng, gia đình anh đã di dời đến ở nhờ nhà hàng xóm và báo chính quyền địa phương. Đến nay, hơn 10 ngày trôi qua, xã, huyện vào kiểm tra nhưng chưa xác định được nguyên nhân gây ra hiện tượng này.

Trước đó, vào cuối năm 2020, phía sau vườn nhà cũng đã xuất hiện một hố rộng hơn 2m sâu khoảng 2m. Mới đây, gia đình anh đã tiến hành san lấp để có đất trồng rau.

Hố rộng 6m, sâu 3m ngay giữa sân nhà.

Còn tại điểm hố tử thần ở xưởng chế biến thiếc tinh xuất khẩu của Công ty TNHH Khoáng sản An Thái, hiện tượng sụt lún xẩy ra rất nghiêm trọng. Sụt lún đã ăn sâu khiến sân, bờ tường, chân cột khói nhà xưởng nứt nẻ. Những đường nứt chạy dài và rộng đến cả chục mét, rất nguy hiểm.

Ông Kim Văn Thắng, SN 1961, ở xóm Na Hiêng, xã Châu Hồng, bảo vệ Công ty An Thái cho biết: “Vào khoảng 2 tháng trước, tôi thấy khu vực tường rào bắt đầu xuất hiện các vết nứt và sụt lún. Sau đó, trời mưa to hiện tượng sụt lún diễn ra nhanh hơn. Đến nay, điểm sụt lún này đã sâu khoảng 2m. Toàn bộ khu vực sân, bờ tường nhà xưởng đã nghiêng, xuất hiện nhiều vết nứt và liên tục nới rộng”.

Hố xuất hiện ngay phía trước sân công ty.

Chưa rõ nguyên nhân xuất hiện “hố tử thần”

Ông Trương Văn Hóa, Chủ tịch UBND xã Châu Hồng cho biết, trên địa bàn xuất hiện rất nhiều trường hợp tương tự. UBND xã đã thành lập đoàn kiểm tra hiện trường, lập báo cáo gửi UBND huyện.

“Vào tháng 1/2021, người dân 2 bản Na Hiêng và bản Công phát hiện 6 hố sụt lún ngoài cánh đồng nên đã báo cáo xã. Sau đó xã đã tiến hành san lấp các hố sụt lún đảm bảo an toàn”, ông Hóa nói.

Hố khiến cho phần đất bị sụt xuống, gây nứt nhà.

Đầu tháng 8/2021, thêm 2 hố sụt lún mới xuất hiện, một hố ở ngoài đồng và một hố ở Công ty An Thái. Hiện cả 2 hố này vẫn đang có hiện tượng sụt lún, riêng hố ngoài đồng sụt lún hơn 30cm.

“Cùng với hiện tượng sụt lún, hàng trăm giếng nước sinh hoạt của người dân 4 bản: Na Noong, Na Hiêng, Công, Poọng trong tình trạng cạn khô trơ đáy. Rất mong, UBND tỉnh sớm mời các nhà khoa học, các nhà chuyên môn địa chất về khảo sát để sớm tìm ra nguyên nhân, sau đó có giải pháp khắc phục triệt để, để người dân sớm ổn định cuộc sống”, ông Hóa nói.

Ngoài xã Châu Hồng, hiện tượng sụt lút bất thường cũng xảy ra tại xã Liên Hợp, huyện Quỳ Hợp. Cụ thể, dọc hai bên bờ suối Quèn, sát khu vực cánh đồng của hai xóm Quèn và Na đã xuất hiện 4 hố sụt lún với đường kính từ 1-1,5 m, sâu 1-2 m. Nhiều nhà dân trong khu vực xuất hiện các vết nứt dài ở tường, nền nhà… chiều dài từ 2,5-5 m.

Chính quyền làm biển cảnh báo khu vực sụt lún.

Ông Nguyễn Duy Hưng, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quỳ Hợp cho biết, sau khi nhận được báo cáo của UBND xã Châu Hồng, cơ quan chức năng của huyện đã vào kiểm tra.

“UBND huyện đã có văn bản gửi UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan. Nhiều đoàn đã về kiểm tra, tuy nhiên, đến nay chưa có kết luận, nhận định về hiện tượng này”, ông Hưng nói.

Ngày 18/10, UBND huyện tiếp tục có văn bản kiến nghị UBND tỉnh Nghệ An xem xét cử các đơn vị tư vấn chuyên môn hoặc tổ chuyên gia đầu ngành về địa chất tiến hành khảo sát, nghiên cứu và đánh giá cụ thể để có báo cáo chi tiết, có cơ sở khoa học làm đề xuất phương án xử lý triệt để.

Trong thời gian chờ kết luận của cơ quan chuyên môn, UBND huyện Quỳ Hợp giao UBND các xã Châu Hồng, Liên Hợp thông báo rộng rãi để nhân dân biết về tình trạng và vị trí sụt lún.

Các địa phương tiếp tục theo dõi, bám sát thường xuyên điểm sụt lún; làm rào chắn, biển cảnh báo để đảm bảo an toàn tuyệt đối về tài sản, tính mạng của nhân dân; sớm đề xuất phương án xây dựng cấp nước sinh hoạt tạm thời cho người dân trong vùng nhằm giúp ổn định cuộc sống nhân dân.