Gia đình

Nghệ An: Tội phạm xâm hại trẻ em trên địa bàn còn tiềm ẩn phức tạp.

Chiều 11/7, trong khuôn khổ kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa XVII, ông Đoàn Hồng Vũ, Giám đốc sở LĐ-TB&XH cho biết, giai đoạn 2016-2018 và 6 tháng đầu năm 2019, tình hình tội phạm xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh còn tiềm ẩn phức tạp.

Trong đó, tập trung vào một số hành vi như: Các tội phạm xâm hại trẻ em (dâm ô trẻ em, giao cấu trẻ em, hiếp dâm trẻ em) và mua bán trẻ em. Theo thống kê, có tới 71 vụ trẻ em bị xâm hại, bạo hành; có 17 vụ mua bán trẻ em; 22 trẻ em bị mua bán.

Phiên chất vấn trong khuôn khổ kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa XVII.

Trong những năm qua, tình hình hoạt động của tội phạm mua bán trẻ em trên địa bàn tỉnh cũng có chiều hướng gia tăng. Tội phạm mua bán trẻ em chủ yếu là để đưa ra nước ngoài, cơ bản là sang Trung Quốc.

Theo số liệu của Công an tỉnh Nghệ An, từ năm 2016 đến tháng 6/2019 đã phát hiện, xử lý 17 vụ mua bán trẻ em, liên quan đến 22 trẻ em bị mua bán. Trong đó, chủ yếu xảy ra ở các huyện biên giới, rẻo cao như Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Hợp, Con Cuông…

Nhiều đại biểu băn khoăn trước số liệu xâm hại trẻ em.

Trao đổi về số liệu trên, bà Lữ Thị Thìn, đại biểu huyện Quế Phong nêu ý kiến, hiện có rất nhiều cơ quan, đơn vị có chức năng quản lý bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Nhưng trên thực tế chưa có cơ quan nào chịu trách nhiệm chính về việc gia tăng các vụ trẻ em bị xâm hại. Vậy con số 71 vụ trẻ em bị xâm hại đã đúng thực tế chưa?

Ông Đoàn Hồng Vũ cho biết: “Những con số này được thống kê dựa trên thống kê các vụ việc của Công an tỉnh, còn những số liệu qua các kênh khác thì sở, ngành không tổng hợp”.

Ông Vũ cho rằng, giải pháp ngăn chặn thì chúng ta đã ban hành nhiều, nhưng cần nhất vẫn là các nguồn tin kịp thời từ các cấp cơ sở; và sự phối hợp giữa các liên ngành để có những giải pháp sát sườn hơn.

Cần có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng để bảo vệ trẻ em tốt hơn.

Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh từ năm 2015 đến năm 2018 có 182 trẻ em tảo hôn, có 579 số cặp tảo hôn.

Qua kết quả khảo sát của Hội Đồng nhân dân tỉnh tại các huyện cho thấy tình trạng tảo hôn vẫn chiếm tỉ lệ cao thậm chí có xu hướng tăng nhất là đồng bào Khơ Mú, Mông ở các huyện như Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong và tộc người Đan Lai ở huyện Con Cuông.

Hầu hết những gia đình tảo hôn thường có cuộc sống khó khăn, nghèo đói. Các cặp tảo hôn chủ yếu tự nguyện về sống chung như vợ chồng được sự đồng ý của hai gia đình. Tình trạng các em học sinh bỏ học lấy chồng có chiều hướng gia tăng, đặc biệt số người kết hôn dưới 16 tuổi có xu hướng tăng.

Về việc này bà Cao Thị Hiền, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu, sắp tới ngành LĐ-TB&XH cần phối hợp với các ngành liên quan rà soát việc thực hiện Luật Trẻ em 2016 và các chương trình, đề án của Trung ương và của tỉnh về công tác chăm sóc bảo vệ trẻ em để xây dựng, sửa đổi, bổ sung và thực hiện có hiệu quả cao nhất.